10 năm thực hiện Nghị quyết 816/2009/UBTVQH12 về nâng cấp lên báo loại I và đổi tên thành Báo Đại biểu Nhân dân

Từ đòi hỏi của thực tiễn

- Thứ Năm, 17/10/2019, 08:18 - Chia sẻ
9 giờ 27 phút ngày 16.10.2009, tại phòng làm việc, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã ký duyệt măng sét Báo Đại biểu Nhân dân, để rồi 4 ngày sau, số đầu tiên của tờ báo in loại I ra mắt bạn đọc cả nước. Với những người trực tiếp thực hiện đề án nâng cấp Báo ngày ấy, dấu mốc lịch sử này xuất phát từ chính đòi hỏi trong thực tiễn hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp và nhu cầu của đời sống xã hội.

Tại sao phải nâng cấp lên báo loại I?

Trả lời câu hỏi này, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn - người trực tiếp thực hiện chỉ đạo xây dựng đề án nâng cấp Báo Người Đại biểu Nhân dân cách đây 10 năm đưa ra hai lý do: Một là, khi ấy hoạt động của Quốc hội rất sôi động, đúng với vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Cũng từ đây, có nhiều vấn đề lớn cần tuyên truyền thường xuyên, kịp thời, đòi hỏi đẩy mạnh công tác thông tin báo chí. Báo Người Đại biểu Nhân dân phải có vị trí xứng tầm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyển thông điệp từ Quốc hội đến với người dân, để người dân giám sát được hoạt động của Quốc hội; đồng thời chuyển được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, của cử tri đến với Quốc hội kịp thời. Hai là, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo đã trưởng thành, “đủ lông đủ cánh”, có thể đáp ứng yêu cầu đặt ra khi nâng cấp Báo.


Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng ký duyệt măng sét Báo Đại biểu Nhân dân

Nguyên Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Hồ Anh Tài bổ sung: Hoạt động của cơ quan dân cử, đặc biệt của Quốc hội Khóa XI, XII có bước tiến khá nhanh, vững chắc: Cọ xát, đấu tranh để tìm ra đâu là cái tốt nhất, hay nhất, làm lợi cho đất nước và cho nhân dân. “Sinh hoạt của Quốc hội đã tạo chuyển biến trong nhận thức và tinh thần của người dân, đến mức “kéo” mọi người đến trước truyền hình, đến bên đài phát thanh mỗi khi Quốc hội họp và nói chuyện về những gì diễn ra trên nghị trường. Ở địa phương cũng vậy, người dân muốn xem hoạt động HĐND nói về mình như thế nào, trong nội dung các kỳ họp có đề cập đến những vấn đề nóng bỏng mà cuộc sống đang đặt ra hay không…”.

Dẫu vậy, các phương tiện thông tin đại chúng lúc đó chủ yếu đưa tin hoạt động của Quốc hội, ĐBQH tại kỳ họp. Giữa hai kỳ họp Quốc hội, việc thông tin không thường xuyên, đầy đủ và đúng với tầm, tính chất hoạt động của Quốc hội. Trong khi đó, ĐBQH cần có diễn đàn thường xuyên để trao đổi với cử tri, làm sáng tỏ các vấn đề, các ý kiến khác nhau. ĐBQH phải nêu được vấn đề cử tri quan tâm và thể hiện thái độ, chính kiến trong quá trình lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Từ đó truyền đạt các thông điệp đến cử tri, đến các cơ quan nhà nước hữu quan. Đây cũng là một diễn đàn để cử tri phản ánh ý kiến, nguyện vọng của mình tới đại biểu dân cử, tới Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội… Mặt khác, HĐND các cấp rất cần thông tin chuyên sâu, phục vụ trực tiếp cho hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương, và những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH là hết sức hữu ích cho họ. 

Trong bối cảnh đó, yêu cầu phải nâng cấp Báo Người Đại biểu Nhân dân là rất cần thiết, để báo thực sự là Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của ĐBQH, đại biểu HĐND và cử tri cả nước, đưa tiếng nói của Quốc hội đến với người dân một cách chính thống và nhanh nhất.

“Linh cảm” về một điều tốt đẹp

Thực tế, việc nâng cấp Báo Người Đại biểu Nhân dân đã được đặt ra từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XI. Bởi việc trở thành nhật báo (1.1.2006) thực sự là một bước chuyển lớn về vai trò, nhiệm vụ của Báo, vượt ra ngoài khuôn khổ tổ chức, cũng như vai trò của tòa soạn Tạp chí Người đại biểu nhân dân trước đây và làm thay đổi tính chất, nội dung, phạm vi tuyên truyền của một cơ quan báo chí mà tờ báo thực hiện. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, ngày 15.5.2006, Văn phòng Quốc hội đã trình Chủ tịch Quốc hội Khóa XI Nguyễn Văn An báo cáo nghiên cứu đề án nâng cấp tòa soạn Báo Người Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Tuy nhiên, do chuẩn bị cho tổng kết nhiệm kỳ và bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XII nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI chưa có điều kiện xem xét cho ý kiến về đề án.

Vì thế, khi nhận chỉ đạo xây dựng đề án nâng cấp Báo Người đại biểu nhân dân, lãnh đạo Báo đã xác định, đó là thời cơ của tờ báo, cũng là niềm mơ ước của người làm báo. Đến bây giờ, nguyên Tổng Biên tập Hồ Anh Tài vẫn nhớ như in nội dung cuộc trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng, vào buổi sáng một ngày đầu thu năm 2008. “Chủ tịch hỏi tôi hoài bão của anh là gì? Tôi nói muốn làm cho tờ báo tốt hơn bây giờ, đúng là tờ báo của Quốc hội. Chủ tịch lại hỏi, mục tiêu tờ báo là gì? Tôi nói nhiệm vụ của tờ báo là phục vụ Quốc hội, phục vụ HĐND các cấp... Khi chào Chủ tịch Quốc hội ra về, tôi linh cảm sẽ có một điều gì đó tốt đẹp với tờ báo” - nguyên Tổng Biên tập Hồ Anh Tài kể.

Một ngày sau, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn gọi điện cho Tổng Biên tập Hồ Anh Tài thông báo Chủ tịch Quốc hội giao làm đề án nâng cấp tờ báo. Biết là gấp gáp nhưng ông Hồ Anh Tài khẳng định: Sẽ làm được!

Nguyên Anh