Chính sách giáo dục mới của Ấn Độ

Từ "nghĩ gì" sang "nghĩ như thế nào"

- Thứ Hai, 10/08/2020, 06:31 - Chia sẻ
Tuần qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đặt cược sinh mệnh chính trị của mình vào Chính sách Giáo dục Quốc gia mới (NEP). Ông yêu cầu các cơ quan chức năng phát triển chiến lược để thực thi chính sách được đánh giá là có những đột phá lớn nhất trong giáo dục 34 năm qua.

Đặt nền tảng cho một Ấn Độ mới

NEP được áp dụng cho cả trường phổ thông và đại học, đưa ra lộ trình trong 2 thập kỷ tới. Theo chính sách trên, việc phân bổ ngân sách hàng năm sẽ được tăng từ 4,3% lên 6% GDP.

Nguồn: ITN

Thủ tướng Modi cho biết, NEP sẽ giúp chuyển trọng tâm từ "nghĩ gì" sang "nghĩ như thế nào” và đóng vai trò là nền tảng của Ấn Độ thế kỷ XXI. “Chính sách này đặt nền tảng cho một Ấn Độ mới, nền giáo dục và các kỹ năng cần thiết cho thanh niên để củng cố Ấn Độ, đồng thời tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các cơ hội tối đa”. Tuy nhiên, NEP cần ý chí mạnh mẽ để thực hiện nó. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng “phát triển chiến lược thực thi, xây dựng lộ trình, đính kèm mốc thời gian, đồng thời tích cực sắp xếp nguồn lực và nhân lực” để bắt đầu cải cách.

Thủ tướng Modi tin tưởng NEP sẽ đưa Ấn Độ tiến lên phía trước, thực hiện những bước đi cải cách đầu tiên hệ thống giáo dục, vốn trước đó bỏ qua việc lập bản đồ “lợi ích, khả năng và nhu cầu”. Việc nhấn mạnh vào các phương pháp học tập dựa trên điều tra, khám phá, thảo luận và phân tích cho học sinh sẽ thôi thúc tinh thần học tập của các em…

Người đứng đầu Nội các Ấn Độ cũng cho rằng, thế kỷ XXI hướng tới kỷ nguyên mà mọi người sẽ có nhiều nghề trong khoảng thời gian nghề nghiệp của họ. Và chính sách mới đã lưu ý điều đó, đồng thời ủng hộ giáo dục đa ngành, nhiều đầu vào và ra ở bậc đại học, một ngân hàng tín chỉ học thuật và tăng cường giáo dục nghề nghiệp. Ông nói: “Chúng ta đang chuyển sang kỷ nguyên mà một cá nhân sẽ không bị mắc kẹt vào một nghề nào đó trong suốt cuộc đời. Vì vậy, họ sẽ liên tục phải tự đào tạo lại và nâng cao kỹ năng".

Ông Modi cũng cho biết thêm, khi NEP mở rộng, quá trình tự chủ cho các cơ sở giáo dục sẽ tăng tốc. Thực tế, ở Ấn Độ đã diễn ra hai luồng tranh luận về quyền tự chủ. Một số nghĩ rằng mọi việc nên được thực hiện nghiêm ngặt dưới sự kiểm soát của chính phủ, trong khi số khác lại muốn tất cả tổ chức giáo dục được tự chủ theo mặc định.

NEP - 2020 của Ấn Độ được coi là giàn giáo toàn diện giúp thúc đẩy sự tiến bộ của giáo dục trong nước. Hệ thống giáo dục nước này vốn nổi tiếng với tính nghiêm khắc và được công nhận nhiều hơn kể từ khi cho phép đầu tư 100% vốn FDI vào năm 2002. Tuy nhiên, có một khoảng cách lớn giữa các đề xuất chính sách và việc ban hành do áp lực xã hội và chính trị, cũng như những bất cập về hành chính.

Kể từ năm 1947, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để đẩy nhanh tốc độ phát triển giáo dục ở nông thôn và thành thị Ấn Độ. Sau khi Ấn Độ thông qua Hiến pháp, cả chính quyền tiểu bang và trung ương đều phải chịu trách nhiệm về giáo dục. NEP đầu tiên của nước này được công bố vào năm 1968 theo khuyến nghị của Ủy ban Kothari. Chính sách đó đề cao nhu cầu tái cơ cấu toàn diện ngành giáo dục để đạt được tiến bộ vượt trội về văn hóa và kinh tế. Năm 1986, Chính phủ của Thủ tướng Rajiv Gandhi đã giới thiệu NEP mới nhằm loại bỏ bất bình đẳng trong giáo dục. Năm 1992, chính phủ của Thủ tướng Narasimha Rao sửa đổi chính sách trên và đến năm 2005, Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh lại thông qua chính sách mới tập trung vào “Chương trình tối thiểu chung” của Liên minh tiến bộ thống nhất cầm quyền UPA.

Nguồn: ITN

Những điểm nổi bật của NEP - 2020

NEP - 2020 có rất nhiều cải cách. Hai ủy ban - Ủy ban TSR Subramanian và Ủy ban K Kasturirangan - đã mất 5 năm để thực hiện NEP này. Trong đó, các khuyến nghị quan trọng gồm:

Giáo dục sẽ là bắt buộc đối với trẻ em từ 3 - 18 tuổi. Lưu ý đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, cấu trúc này được chia thành giai đoạn mầm non, tiểu học và trung học. Giáo dục thơ ấu sẽ bao gồm ba năm giáo dục mầm non hay giáo dục anganwadi và hai năm giáo dục tiểu học, tức là lớp 1 và lớp 2.

Giáo dục từ lớp 3 đến lớp 5 sẽ được đưa vào giai đoạn chuẩn bị hay giai đoạn nền tảng với trọng tâm là học thực nghiệm. Lớp 6 đến lớp 8 sẽ là giai đoạn giữa của trường học với trọng tâm học phân tích. Giáo dục nghề nghiệp bắt đầu từ lớp 6 và thực tập sẽ được bổ sung. Lớp 9 đến lớp 12 được đưa vào giai đoạn trung học với trọng tâm học phân tích và tính linh hoạt trong lựa chọn các môn học. Giai đoạn này sẽ có hai phân lớp, lớp 9 - lớp 10 và lớp 11 - lớp 12. Mặc dù không bắt buộc, nhưng NEP - 2020 xác định tiếng mẹ đẻ là phương thức giảng dạy.

Theo chính sách mới, để được cấp bằng đại học sẽ mất ba hoặc bốn năm học, với nhiều tùy chọn ra trường. Các trường cao đẳng được cấp chứng chỉ sau khi kết thúc thành công một năm trong bất kỳ phương pháp STREAM nào (bao gồm các khóa học nghề và chuyên môn), bằng tốt nghiệp sẽ có sau hai năm học và bằng cử nhân sau ba năm. STREAM là phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, được tạo nên từ việc kết hợp Science (Khoa học) - Technology (Công nghệ) - Robotics (Khoa học Robot) - Engineering (Kỹ thuật) - Arts (Nghệ thuật) - Mathematics (Toán học). Nó tích cực thúc đẩy các kỹ năng của thế kỷ XXI gồm hợp tác, giao tiếp, tự tin, sáng tạo, tư duy phản biện và tư duy điện toán.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ thành lập Ngân hàng Tín dụng Học thuật với mục đích lưu trữ kỹ thuật số các tín chỉ học thuật từ các cơ sở giáo dục đại học. Điều này sẽ giúp học sinh tiếp tục việc học từ nơi các em đã dừng lại. Chưa hết, để tăng cường nghiên cứu và phát minh, Quỹ Nghiên cứu Quốc gia cũng sẽ được thành lập.

Chính sách giáo dục mới nhằm mục đích tăng tổng tỷ lệ học đại học từ 26,3% lên 50% trong vòng 15 năm. Để hỗ trợ mục tiêu trên, Ấn Độ đề xuất bổ sung khoảng 35 triệu chỗ ngồi mới trong giáo dục đại học. Các trường cao đẳng sẽ được đối xử như “trường đại học” và được độc lập cấp bằng. Điều này sẽ xóa bỏ các cơ sở liên kết với trường đại học. Chính sách mới cũng đề xuất giới hạn khoản phí do những tổ chức giáo dục đại học tư nhân thu. Kỳ thi tuyển sinh đại học sẽ được tiến hành hai lần mỗi năm bởi Cơ quan Khảo thí Quốc gia…

NEP - 2020 cũng mở cửa cho các cơ sở giáo dục nước ngoài. Các trường đại học toàn cầu nổi tiếng sẽ được hỗ trợ nhập cảnh vào Ấn Độ trong khi các trường đại học nổi tiếng của Ấn Độ sẽ được hỗ trợ đi ra toàn cầu.

Chính sách giáo dục mới tập trung nhiều vào ngôn ngữ, hệ thống tri thức, văn hóa và các giá trị của Ấn Độ. Ngoài ra, với mục đích số hóa trường học, Diễn đàn Công nghệ Giáo dục Quốc gia sẽ được thành lập. Các kỳ thi hội đồng sẽ kiểm tra năng lực và thúc đẩy phát triển toàn diện. Học sinh sẽ được phép làm những bài thi này hai lần/năm học - một kỳ thi chính và một kỳ thi cải thiện, nếu được ưu tiên.

Chính sách mới có phát huy hiệu quả?

Theo nhiều nhà quan sát, NEP-2020 của Ấn Độ mới chỉ dừng ở việc đưa ra định hướng mà không mang tính bắt buộc. Đó chỉ là chính sách, không phải luật. Giáo dục là chủ đề chung và các cải cách đề xuất chỉ có thể được thực hiện đồng thời bởi chính quyền trung ương và các bang. Sự bất đồng giữa hai bên sẽ không cho phép thực hiện chính sách một cách suôn sẻ. Để bất kỳ chính sách nào trở thành tầm nhìn quốc gia, nó cần phải được Quốc hội thảo luận và thông qua, nếu không sẽ có nguy cơ bị chính phủ tiếp theo xóa bỏ.

Hơn nữa, NEP - 2020 thúc đẩy ngôn ngữ địa phương và khu vực nhưng lại cho tiếng Anh “ngồi ở hàng ghế sau”. Khá nhiều người nhận định, điều này không có lợi, bởi thông thạo tiếng Anh đã mang lại lợi thế toàn cầu cho người dân Ấn Độ.

Bên cạnh đó, một câu hỏi cũng được đặt ra là các trường đại học toàn cầu có quan tâm đến việc vào Ấn Độ không? Cách đây 7 năm, khoảng 20 trường đại học nước ngoài bao gồm Yale, Cambridge, Bristol và Stanford từng tỏ ra không quan tâm thâm nhập thị trường Ấn Độ. NEP - 2020 cho phép nước ngoài đầu tư trực tiếp vào giáo dục, nhưng đây cũng chính là điều mà một số đảng phái chỉ trích, cho rằng chính sách mới “tập trung hóa, thương mại hóa” hệ thống giáo dục. Theo họ, chính phủ đã đi chệch ý tưởng chính là phổ cập giáo dục, thay vào đó tập trung vào tạo thị trường giáo dục.

Ngoài ra, mặc dù chính phủ đã ấn định thời hạn cuối cùng là năm 2040 để thực hiện chính sách hoàn chỉnh, nhưng từ nay đến đó cần phải có những khoản đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và đào tạo giáo viên để đáp ứng các đề xuất chính sách. Tỷ lệ 6% GDP chi cho giáo dục theo mục tiêu của NEP - 2020 được nhiều người cho là phi thực tế, vì tới nay không có chính phủ nào ở Ấn Độ tiêu cho giáo dục nhiều đến vậy… Thực tế, trong vòng 6 năm qua, tỷ lệ trên hiếm khi vượt quá 3,1% GDP, thậm chí giai đoạn 2015 - 2016 mức thấp nhất là 2,4%.

Thái Anh