Từ phòng, chống tới loại trừ

- Thứ Hai, 04/11/2019, 07:43 - Chia sẻ
Chương trình Quốc gia Phòng chống sốt rét của Việt Nam đã thực hiện những chiến lược phù hợp làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong; nhiều tỉnh, thành phố không còn lan truyền bệnh sốt rét. Song, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đòi hỏi phải có những mô hình, giải pháp hiệu quả để tiến tới loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030.

Thách thức trong loại trừ bệnh

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay bệnh sốt rét còn lưu hành ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 3 tỷ người sống trong vùng sốt rét lưu hành. Ở Việt Nam, có khoảng 12 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành. Người mắc bệnh sốt rét chủ yếu là người nghèo, người dân tộc sống ở các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Để kéo giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét, Chương trình Quốc gia Phòng chống sốt rét của Việt Nam đã thực hiện nhiều chiến lược phù hợp. Kết quả là từ hơn 1 triệu trường hợp mắc sốt rét, 4.646 trường hợp tử vong do sốt rét năm 1991, đến năm 2018 chỉ còn 6.870 trường hợp mắc và chỉ có 1 trường hợp tử vong do sốt rét. Nhiều tỉnh, thành phố đã không còn lan truyền bệnh sốt rét... Trước mắt, trong năm 2019, Việt Nam sẽ công nhận loại trừ sốt rét tại 25 tỉnh bao gồm 16 tỉnh miền Bắc, 1 tỉnh miền Trung và 8 tỉnh miền Nam.


Lấy máu xét nghiệm kí sinh trùng sốt rét Nguồn: ITN

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương PGS. TS. Trần Thanh Dương, hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét còn nhiều khó khăn, thách thức. Bệnh sốt rét có nguy cơ bùng phát gia tăng số mắc, số chết, gây dịch do ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị có nguy cơ lan rộng; muỗi truyền bệnh sốt rét lưu hành ở nhiều nơi và đã kháng một số hóa chất diệt muỗi làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh sốt rét; gia tăng di biến động dân khó kiểm soát giữa các địa phương từ vùng không còn sốt rét vào vùng sốt rét lưu hành…

Đơn cử như tại Đăk Lăk, theo thống kê của Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Côn trùng - Ký sinh trùng tỉnh, từ đầu năm 2019 đến ngày 5.5, toàn tỉnh ghi nhận 263 ca bệnh sốt rét tập trung tại các huyện Ea Kar, Krông Năng, Buôn Đôn, M Đrăk… Giám đốc Trung tâm Hoàng Hải Phúc cho biết, bệnh nhân mắc sốt rét chủ yếu do đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới, đặc biệt người dân sống trong vùng lưu hành bệnh sốt rét cao, đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nên ngành y tế rất khó kiểm soát. Cán bộ làm công tác phòng, chống sốt rét tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến việc giám sát, quản lý phòng chống sốt rét tại cơ sở gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Một vấn đề thách thức nữa là với nhóm đối tượng di dân biến động có không ít người lành mang mầm bệnh, có ký sinh trùng sốt rét nhưng không có biểu hiện lâm sàng, trong khi đây là mối nguy cơ tiềm tàng và khả năng làm lây lan ra cộng đồng là rất cao.

Từ nhận thức tới hành động

 Quyết định số 1920/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu: Vào năm 2020, tỷ lệ người dân mắc bệnh sốt rét dưới 0,15/1.000; tỷ lệ người dân chết do bị bệnh sốt rét dưới 0,02/100.000; không còn tỉnh nào trong giai đoạn phòng chống bệnh sốt rét tích cực; 40 tỉnh trong giai đoạn đề phòng bệnh sốt rét quay trở lại; 15 tỉnh trong giai đoạn loại trừ bệnh sốt rét và 8 tỉnh trong giai đoạn tiền loại trừ bệnh sốt rét.

Hiện nay, Việt Nam đang tiến tới loại trừ bệnh sốt rét ở từng tỉnh theo lộ trình đã được Bộ Y tế phê duyệt. Trong đó, mục tiêu là loại trừ bệnh sốt rét do ký sinh trùng loài Plasmodium falciparum gây ra vào năm 2025 và loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030. Theo các chuyên gia, muốn như vậy, cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh của người dân.

Bởi thực tế hiện nay, mặc dù cơ quan chức năng đã đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét nhưng người dân vẫn chưa ý thức đầy đủ về công tác phòng, chống bệnh sốt rét, chưa thực hiện việc tẩm màn chống muỗi đầy đủ, không sử dụng các vật dụng phòng, chống ngành y tế cấp như kem chống muỗi, võng màn… khi đi rừng, ngủ rẫy.

PGS. TS. Trần Thanh Dương cho rằng, các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đầu tư của các cấp chính quyền và toàn xã hội, để duy trì ổn định thành quả giảm mắc, giảm chết do bệnh sốt rét gây ra, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cùng với việc tăng cường giám sát, phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời cho bệnh nhân sốt rét; các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức về các biện pháp phòng, chống sốt rét, đặc biệt đối với các đối tượng thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy. Tổ chức điều tra ca bệnh, ổ bệnh đúng quy định, khoanh vùng các điểm có ký sinh trùng sốt rét để xử lý triệt để nguồn bệnh; cung ứng đủ thuốc sốt rét về số lượng và chủng loại, hóa chất xét nghiệm cho các cơ sở y tế.

Nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Thừa Thiên Huế Nguyễn Võ Hinh kiến nghị, việc giám sát và xử lý ổ bệnh sốt rét cần tiến hành theo mô hình 1 - 3 - 7 (báo cáo trường hợp bệnh trong vòng 1 ngày, điều tra trường hợp bệnh trong vòng 3 ngày, điều tra ổ bệnh và xử lý ổ bệnh trong vòng 7 ngày). Mô hình này sẽ giúp đơn giản hóa các mục tiêu phòng chống sốt rét cơ bản là giảm mắc, giảm chết, giảm dịch; phát triển các yếu tố bền vững để tiến tới loại trừ bệnh ra khỏi cộng đồng theo kế hoạch. 

Cao Linh