Sáng kiến Dân chấm điểm M.Score trên lĩnh vực y tế

Từ sự đồng hành của hệ thống chính trị đến chính sách địa phương

- Thứ Tư, 22/07/2020, 05:52 - Chia sẻ
Sáng kiến Dân chấm điểm M.Score lần đầu tiên được tỉnh Quảng Trị triển khai ở lĩnh vực hành chính công. Sau 2 năm triển khai, với những đóng góp tích cực của sáng kiến này, Thường trực HĐND tỉnh quyết định tiếp tục triển khai sang lĩnh vực y tế. Sau 4 năm áp dụng trong lĩnh vực y tế, sáng kiến đã khẳng định hướng đi đúng trong việc ứng dụng giải pháp về công nghệ phối hợp với đơn vị khảo sát độc lập thứ ba để khảo sát sự hài lòng của người bệnh.

Khách quan, minh bạch - chìa khóa thành công

Tương tự như trong lĩnh vực hành chính công, M.Score khi áp dụng vào lĩnh vực y tế đã tạo ra công cụ khảo sát sự hài lòng của cá nhân, tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ y tế công bằng 2 phương pháp: Điện thoại phỏng vấn và máy tính bảng (tablet). Qua đó, giúp hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các đơn vị y tế công lập bằng việc xác định chỉ số và mức độ hài lòng. Từ đó, sáng kiến giúp đổi mới phong cách, nâng cao nhận thức, thái độ phục vụ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh trên địa bàn.

Đại biểu phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến đề án duy trì sáng kiến Dân chấm điểm M.Score tại các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
​​​​Ảnh: Trung Tuyến

Chính vì những mục tiêu nêu trên, sáng kiến luôn lấy người bệnh và người nhà bệnh nhân là trung tâm. Quan trọng hơn, việc sử dụng đơn vị độc lập thứ 3 trong thu thập thông tin và ý kiến phản hồi từ người dân đã bảo đảm được tính khách quan, trung thực trong tổng hợp, đánh giá. Đơn vị khảo sát độc lập làm việc trên cơ sở cam kết cung cấp thông tin đánh giá của người dân mà không bị chi phối bởi các cơ quan nhà nước hoặc một đối tượng nào khác. Đồng thời, chịu trách nhiệm về thông tin mà người dân cung cấp, không xuyên tạc, sửa đổi, điều chỉnh thông tin và chỉ cung cấp các thông tin đến các cơ quan, tổ chức nếu được người dân đồng ý. Ngoài những thông tin định lượng làm căn cứ tính toán các yếu tố, sáng kiến còn thu thập thêm các thông tin định tính phản ánh cảm nhận của người dân đối với chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế. Nhờ vậy, sáng kiến đã thực sự đi vào đời sống, được Nhân dân tin tưởng và nhiệt tình tham gia. Chỉ số hài lòng tại thời điểm bắt đầu khởi động chỉ đạt 3.5 thì đến nay trung bình đã nâng lên mức 4.5 trên thang điểm 5.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng, việc tiếp nhận sáng kiến Dân chấm điểm M.Score là một cơ duyên đối với tỉnh Quảng Trị. Đó là dịp ông được gặp gỡ, trao đổi với các đơn vị, đối tác trong một chuyến đi công tác tại Hà Nội. Nhận thấy những điểm ưu việt của sáng kiến này, ông đã đồng ý tiếp nhận và triển khai mở rộng trên địa bàn tỉnh. Ban đầu, việc triển khai sáng kiến gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự đồng hành và quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền các địa phương, sáng kiến thực sự được người dân tiếp nhận như một công cụ phản ánh những suy nghĩ, tâm tư và là cơ hội để người dân được chấm điểm chính quyền.

Riêng trong lĩnh vực y tế, từ thời điểm ban đầu triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến tháng 3.2018, M.Score đã mở rộng triển khai vào 9 trung tâm y tế tuyến huyện. Để sáng kiến thực sự phát huy hiệu quả, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị vẫn đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nội dung trong khuôn khổ. Các đơn vị y tế triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hiểu và tham gia; theo dõi, hướng dẫn người bệnh cách chấm điểm trên máy tính bảng. Hàng tháng, báo cáo khảo sát định kỳ được gửi đến lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị liên quan. Thành công của sáng kiến không thể không kể đến nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành Sở Y tế, phối hợp chặt của Ban Giám đốc và đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trung tâm y tế, đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng tham gia của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Hướng đến phát triển thành chính sách địa phương

Với những thành công bước đầu, vừa qua Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn soạn thảo Đề án Hỗ trợ duy trì sáng kiến Dân chấm điểm M.Score tại các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2023, có tính đến năm 2025 trình Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Khóa VII khai mạc sáng nay, 22.7. Tại buổi lấy ý kiến, Thường trực và Ban Dân tộc HĐND tỉnh - đơn vị trình đề án đã nhận được nhiều ý kiến tham gia.

Theo các đại biểu, sáng kiến Dân chấm điểm cùng với nhiều kênh đánh giá khác đã góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh tại các đơn vị y tế. Tuy nhiên, việc triển khai sử dụng máy tính bảng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, nên thiết kế bộ câu hỏi ngắn gọn. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cần có chính sách hỗ trợ cho Tổ công tác xã hội tại các đơn vị để vận động, tuyên truyền cho người dân tham gia. Các đơn vị y tế nên trích một phần kinh phí tự chủ hỗ trợ cho cán bộ tham gia trực tiếp. Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Hồ Quốc Hương cho rằng: Nên bổ sung mục tiêu cụ thể trong nghị quyết, định lượng chế tài về các tiêu chí khen thưởng trong thực hiện sáng kiến, sửa lại tên gọi Đề án là điều chỉnh đến năm 2023, mục tiêu đến năm 2025.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng khẳng định, những kết quả đạt được của sáng kiến Dân chấm điểm 5 năm qua đã thực sự phát huy quyền dân chủ của người dân khi tham gia xây dựng chính quyền. Vì vậy, cần thiết duy trì sáng kiến tại các đơn vị, tính toán lại các phương pháp thực hiện để người dân dễ đánh giá, bổ sung tiêu chí sát với quy định của Bộ Y tế và thực trạng địa phương. Theo Dự thảo đề án, đối tượng áp dụng sáng kiến sẽ bao gồm tất cả người bệnh và người nhà bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại 11 đơn vị y tế và phạm vi áp dụng trong 3 năm giai đoạn 2020 - 2023. Sau năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh dự kiến chuyển giao cho Sở Y tế tiếp nhận và tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện. Phấn đấu trên 70% người dân tham gia đánh giá, phản hồi thông tin thông qua điện thoại phỏng vấn trực tiếp và chấm điểm trên máy tính bảng; 70% - 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế của tỉnh và định hướng đến năm 2025, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 85%.

TRUNG TUYẾN