Góc nhìn văn hóa

Tử tế

- Thứ Tư, 11/09/2019, 08:13 - Chia sẻ
“Tử tế” - ai cũng hiểu là một từ thuộc phạm trù đạo đức. Từ này chỉ những phẩm chất, tính cách tốt đẹp của con người: Ngay thẳng, đàng hoàng, trung thực, đôn hậu, vị tha, sống có trước có sau, có trên có dưới, biết mọi nhẽ ứng xử ở đời…

Người có văn hóa trước hết phải là người tử tế chứ không phải là người có bằng cấp, học vị cao. Đánh giá một người tốt, tức là có phẩm hạnh, đạo đức, người ta đối chiếu vào những điều trên. Người có học nhiều, bằng cấp cao mà không có được những điều đó là người thiếu văn hóa.

Một trong những phẩm chất của tử tế là lòng trung thực, biết tôn trọng sự thật, không lươn lẹo, đổi trắng thay đen, bẻ thẳng thành cong, tiền hậu bất nhất, chà đạp lên tất cả để phục vụ lợi ích cá nhân. Sự nghiệp đổi mới đất nước của chúng ta luôn gặp phải sự ngáng trở, phá hoại của những thế lực thù địch cả ở trong và ngoài nước. Xuất phát từ sự bất mãn do không đạt được tham vọng cá nhân, họ đã hằn học, cay cú, tìm mọi cách xuyên tạc sự thật, cố ý bóp méo, phủ nhận mọi thành quả của cách mạng mà nhân dân ta đã dày công tạo dựng, thu lượm. Khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng được Đảng ta phát động và tiến hành nhưng chưa thu được kết quả đáng kể, họ rêu rao đó là trò mỵ dân; khi đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là đưa nhiều nhân vật từng là quan chức lớn ra ánh sáng và trừng trị nghiêm, thì họ lại tuyên truyền rằng đó là cuộc thanh trừng nội bội, triệt thoái phe phái… Tóm lại là thế nào họ cũng nói được, cho dù hiệu quả của cuộc đấu tranh này đang thuyết phục được dư luận trong nước và thế giới.

Rất đáng chú ý là những phần tử xuyên tạc sự thật với dụng ý xấu xa, thấp hèn đều là những người có học vấn cao. Cũng rất đáng nói nữa là trong số những người chuyên đả kích, gièm pha, nói xấu dưới chiêu bài “phản biện”, không thiếu người từng là quan chức, nắm giữ vị trí không nhỏ trong bộ máy công quyền. Lúc đương chức, họ cũng ra sức kêu gọi mọi người phục vụ, cống hiến cho cách mạng, cũng cao giọng lên án các thế lực phản động. Vậy mà vừa nghỉ hưu chưa lâu, họ đã gia nhập đội ngũ những thế lực “bên kia”, “lề trái”. Họ từng nhiều năm nhận lương cao, bổng lớn, tưởng như là cốt cán của chế độ. Có người lại ngộ nhận, nghĩ mình phải có vị thế cao hơn, ghế ngồi lớn hơn mới tương xứng với tài năng mà bất mãn, hậm hực rồi quay sang phản lại chính nơi đã ưu ái, cất nhắc, đem đến nhiều lợi quyền lớn cho mình.

Mới hay, để là người tử tế chẳng dễ chút nào.

TS. Nguyễn Đình San