Từ tháp ngà ra công cộng

- Thứ Bảy, 15/08/2020, 08:05 - Chia sẻ
Những năm qua, nghệ thuật công cộng đã làm được một phần sứ mệnh của mình khi tạo ra nhiều giải pháp tối ưu giúp đại chúng đến gần hơn với nghệ thuật. Câu chuyện dài hơi là làm thế nào để nghệ sĩ là cầu nối quan trọng, đánh thức thẩm mỹ, cảm thức của công chúng về nghệ thuật và về nơi chốn.

Thay đổi cách nhìn

Nếu như trong bảo tàng, gallery, nghệ thuật mang tính cô đọng hàm lượng văn hóa, ít nhiều có sự phân tầng xã hội trong nhận thức tiếp cận, thì khi ra không gian công cộng, nó dành cho mọi người. Có thể thấy, những năm qua, các tác phẩm nghệ thuật công cộng thường nghiêng theo hướng cộng đồng, nghĩa là được thiết kế cho một không gian cụ thể, hàm chứa đặc tính về lịch sử, văn hóa, tập tục và hành vi của cư dân sống trong vùng không gian đó, biểu đạt cả tinh thần mà cộng đồng muốn truyền tải. Sự thay đổi nhận thức và quan niệm của xã hội theo hướng cởi mở như vậy đã tác động lớn đến vai trò của chủ thể sáng tạo - nghệ sĩ.

Vấn đề quan trọng khi làm nghệ thuật công cộng là tác phẩm ấy phải trở thành một phần trong đời sống cộng đồng. Muốn vậy, nghệ sĩ phải bước ra khỏi “tháp ngà” nghệ thuật, giảm bớt cái tôi của mình để tương tác mạnh mẽ với các bên liên quan, bao gồm: Cộng đồng (chiếm vị trí cực kỳ quan trọng), cơ quan quản lý, nhà tài trợ... thậm chí chấp nhận sự chuyển hóa liên tục của tác phẩm. Như nghệ sĩ thị giác, nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Như Huy phân tích, nghệ thuật công cộng có thể hiểu là những tác phẩm nghệ thuật đặt trong không gian công. Tuy nhiên, khi một tác phẩm đặt trong không gian công, nó nhất định sẽ xung đột với nhu cầu của các cộng đồng sống trong đó. “Chính vì thế, trên thế giới đã phát triển một dạng thực hành nghệ thuật công khác, đó là nghệ thuật cộng đồng. Nó đưa nhu cầu của cộng đồng vào không gian nghiên cứu và thực hành. Với dạng nghệ thuật này, tính trang trí, thẩm mỹ một chiều đã giao thoa hài hòa với sự thích ứng năng động với bối cảnh đời sống”.

Rõ ràng, câu chuyện nghệ thuật công cộng giờ đây không còn quanh đi quẩn lại là những tượng đài, phù điêu, hay bê nguyên những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo trong nhà xưởng để đặt vào không gian chung, mà hài hòa với cảnh quan kiến trúc. Có điều, thay đổi này lại không được đánh thức bởi những người làm chuyên môn về mỹ thuật, cho dù sự nở rộ của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam thời gian qua đã tác động không nhỏ đến quan niệm về nghệ thuật công cộng. Dựa trên kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án nghệ thuật công cộng (dự án Phố bích họa Phùng Hưng, dự án con đường nghệ thuật cộng đồng phường Phúc Tân, cùng ở Hà Nội) họa sĩ - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho rằng, đó chính là hậu quả của việc đứt gãy làm việc liên ngành. “Từ rất lâu, chưa bao giờ giới mỹ thuật và giới kiến trúc có thể ngồi được với nhau. Có thể thấy ngay dự án ở Phố bích họa Phùng Hưng là sự manh nha của Hội Kiến trúc sư Hà Nội với chính quyền và một nhóm nghệ sĩ. Ở đấy không còn là câu chuyện của mỹ thuật nữa mà là câu chuyện của thiết kế đô thị, thiên về kiến trúc. Song cũng nhờ vậy, mỹ thuật lúc đó mới có khả năng ứng dụng rộng rãi, còn khi tác phẩm đương đại nằm trong bảo tàng hay triển lãm thì rất khó có thể tiếp cận đại chúng”.

Khi nhìn nhận đúng, nghệ thuật công cộng mới có thể thực hiện tốt vai trò trong việc làm đẹp hay giúp hồi sinh các không gian công cộng  

Đồng thanh tương ứng...

Nhiều ý kiến cho rằng, để các không gian công trở thành công trình nghệ thuật công cộng, nghệ thuật cộng đồng, thì nghệ sĩ có vai trò cầu nối quan trọng. Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, nghệ thuật công cộng là cầu nối đánh thức thẩm mỹ, nhận thức của công chúng tới cảm thức về nghệ thuật nói chung cũng như cảm thức về nơi chốn. Mỗi nơi chốn có đặc tính riêng, đòi hỏi tài năng và trình độ của những nghệ sĩ tương tác với cảnh quan ở đấy, còn nếu chỉ nhìn một cách áp đặt thì nghệ thuật công cộng chỉ là dự án trang trí thuần túy. Nói cách khác, sáng tạo nghệ thuật công cộng cần có sự nhạy cảm phân tích, đánh giá giữa câu chuyện về cộng đồng, nơi chốn, với nghệ thuật.

Để không gian nghệ thuật công cộng sống được, không chỉ cần nỗ lực của nghệ sĩ đơn thuần mà có sự đồng thanh tương ứng của chính quyền và cộng đồng ấy. Dẫn chứng, cuối tháng 10.2019, tác phẩm nghệ thuật “Tháp” của nhà điêu khắc Mai Thu Vân được thiết kế đặt trên vỉa hè hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) buộc phải dỡ bỏ do bị người dân phóng uế, tưởng nhầm là nhà vệ sinh. Trong khi đó, cũng lấy ý tưởng đương đại trên nền nghệ thuật công cộng, vào đầu năm 2020, con đường nghệ thuật cộng đồng ở phường Phúc Tân (Hà Nội) lại biến con đường vốn là bãi tập kết rác tự phát của cư dân trở thành không gian nghệ thuật, nơi mà người dân cùng thưởng thức, chăm nom và bảo vệ. Hai câu chuyện gặp nhau ở ý tưởng làm đẹp cho không gian công, nhưng lại hoàn toàn khác nhau ở cách tiếp cận: Một bên độc lập sáng tạo, còn bên kia phải trải qua hành trình dài đi tìm tiếng nói chung giữa nghệ sĩ và cộng đồng. Chính điểm này đã quyết định “số phận” của nghệ thuật công cộng.

Họa sẽ trẻ Nguyễn Hoài Giang, người tham gia thực hiện dự án con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân cho biết, trong quá trình thực hiện tác phẩm (Emoji city), anh luôn “tìm cớ” để người dân cùng tham gia. “Tôi phát động một đợt quyên góp chai nhựa đã qua sử dụng ở nhà văn hóa phường trong 8 - 10 ngày. Sau đó, tôi đến thu gom, phân loại, cắt vụn và làm thành những viên gạch nhựa. Khi mang gạch đến địa điểm thi công, các cô chú ở nhà văn hóa, hội phụ nữ, hàng xóm, trẻ con... lại cùng tôi sắp xếp tạo thành tác phẩm. Không ai khác, cộng đồng là nơi tạo ra sức sống cho tác phẩm, bảo vệ và mang đến cho tác phẩm một đời sống mới. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi một số viên gạch trong tác phẩm bị rơi xuống, chính các cô chú ở xung quanh đã giữ lại và gọi cho tôi”.

Theo họa sĩ Xuân Lam, cách hiểu chưa đúng về nghệ thuật công cộng là rào cản lớn với nghệ sĩ muốn mang tác phẩm của mình góp sức cho không gian công. “Chúng tôi hiểu rằng, nghệ thuật ra công cộng thì phải 'đánh' vào số đông, nghĩa là nó có thể đại chúng hóa trong điều kiện công cộng. Tất nhiên, để thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận là cả một quá trình. Rất may, qua nhiều trường hợp đáng tiếc và những bài học thành công, nghệ sĩ sẽ dần hình thành con đường tương tác tích cực và cần thiết, đưa nghệ thuật trở thành một phần của cuộc sống”.

Thái Minh