Tư tưởng có “thoáng”, chính sách mới “thông”

- Thứ Bảy, 26/03/2016, 08:13 - Chia sẻ
“Với tư lệnh ngành LĐ, TB và XH thì chữ tâm, chữ tài thôi chưa đủ, mà rất cần bản lĩnh, có tư tưởng thoáng thì chính sách cho dân mới thông”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội ĐỖ MẠNH HÙNG chia sẻ khi nhìn lại 5 năm thực hiện nhiệm vụ của ngành.

Nhiều điểm nhấn ấn tượng

- Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của ngành LĐ, TB và XH trong nhiệm kỳ vừa qua?

 “Đã đến lúc phải xây dựng và ban hành Luật Người có công. Luật này sẽ giải quyết một cách toàn diện, căn bản các vấn đề đối với NCC. Vấn đề này đã được Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề xuất lên UBTVQH”.

- Ở góc độ cơ quan chuyên môn, tôi đánh giá cao những nỗ lực của ngành trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ vừa qua. Kết quả đã được thể hiện qua báo cáo của Bộ, Chính phủ và ý kiến thẩm tra của UBTVQH, nhưng theo tôi có 4 điểm nhấn.

Thứ nhất, các chính sách xã hội ngày càng được hoàn thiện theo hướng cụ thể hóa chủ trương đường lối chính sách của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn. Chính sách người có công (NCC) được quan tâm và trở thành chính sách xã hội cao nhất.


Ảnh: T. Bình

Thứ hai, cơ bản người dân được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách. Những quy định hỗ trợ giảm nghèo đối với giáo dục, y tế, tín dụng, nhà ở, dạy nghề, việc làm, nước sạch, sản xuất kinh doanh, trợ giúp pháp lý và thông tin đã đến với người dân hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Điểm nhấn thứ 3 là huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia thực hiện các chính sách về xã hội. Điều này thể hiện rất rõ trong các chính sách về giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và các chính sách khác như việc làm, bảo hiểm xã hội.

Từ những kết quả tích cực về xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước; góp phần tô đẹp thêm truyền thống đạo đức của dân tộc; xây dựng hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo. Đây cũng là điểm nhấn thứ 4 và có ý nghĩa nhất.

- Như ông nói, chính sách NCC đã được quan tâm và trở thành chính sách xã hội cao nhất. Theo ông đâu là dấu ấn sâu sắc nhất của ngành LĐ, TB và XH trong lĩnh vực này?

- Năm 2012, UBTVQH đã giám sát việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và sau đó ban hành 3 văn bản rất quan trọng.

Đầu tiên phải kể tới Nghị quyết 494/UBTVQH về kết quả giám sát trong đó yêu cầu Chính phủ nâng mức trợ cấp, phụ cấp với NCC; tiếp tục hỗ trợ về nhà ở đối với hộ NCC; tập trung giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với hồ sơ đề nghị công nhận NCC; phê duyệt và thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tiếp đó, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh số 04 sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với rất nhiều điểm mới về chế độ ưu đãi. Cũng trong năm 2012, UBTVQH sửa đổi bổ sung Pháp lệnh quy định danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trước đó, cả nước có 50 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sau khi Pháp lệnh sửa đổi có hiệu lực, tính đến cuối năm 2015, chúng ta đã phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 30 nghìn mẹ.

Những chính sách này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của người dân; đồng thời thể hiện rõ hơn đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc ghi nhận và thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa với NCC và thân nhân của họ.

Một dấu ấn nữa chính là chúng ta đã xã hội hóa mạnh mẽ việc thực hiện các chính sách đối với NCC. Cả xã hội và mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện. Các phong trào ủng hộ, đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ xây nhà, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cụ thể ở các địa phương đang trở thành nét đẹp truyền thống.

Chữ tâm, chữ tài vẫn chưa đủ

- Vậy có điều gì khiến ông chưa hài lòng?

- Qua giám sát thấy rằng một số chính sách còn chồng chéo. Sự phân cấp chưa rõ, nhất là phân cấp thẩm quyền trách nhiệm cho địa phương. Nguồn lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn còn hạn chế. Ví dụ Nghị định 136 của Chính phủ về nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội - những đối tượng yếu thế nhất trong xã hội, đã ban hành từ ngày 21.10.2013 nhưng phải tới 2015 mới thực hiện.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn rườm rà, gây mất thời gian và công sức của nhân dân. Trình độ của một số cán bộ trong ngành còn hạn chế, ý thức chưa cao gây bức xúc trong dư luận. Hạn chế về kiến thức lịch sử của một cán bộ ngành LĐ, TB và XH tỉnh Khánh Hòa khi trả lời một cựu chiến binh rằng “Việt Nam không có Đảng Lao động, vì thế hồ sơ của bác không hợp lệ” đã trở thành bài học đắt giá cho toàn ngành.

- Trong lĩnh vực NCC thì sao, thưa ông?

- Tuy việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC đã đạt những kết quả rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và là trăn trở của nhiều cán bộ, đảng viên và bản thân NCC cũng như thân nhân của họ. Có thể kể tới những vướng mắc, tồn đọng đối với hồ sơ NCC chậm được tháo gỡ trong khi chiến tranh ngày càng lùi xa, những nhân chứng ngày càng mai một. 

Một trăn trở nữa là việc tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ. Báo cáo của Bộ LĐ, TB và XH cho biết, hiện còn hơn 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt; hơn 300 nghìn liệt sĩ có mộ nhưng chưa đầy đủ thông tin. Đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội và những người đang sống.

Đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, họ đã thầm lặng cống hiến, thầm lặng hy sinh nhưng chưa được công nhận đầy đủ. Rất nhiều người đang gánh chịu nỗi đau thể xác, tinh thần. Đau hơn nữa là nó còn ảnh hưởng tới thế hệ con cháu. Việc nghiên cứu, bổ sung quy định về xác định điều kiện để công nhận người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; có chính sách ưu đãi phù hợp cho họ là rất cần thiết.

- Với những nhiệm vụ quan trọng như trên, theo ông, tư lệnh ngành LĐ, TB và XH trong nhiệm kỳ tới phải là người như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, để trở thành tư lệnh ngành LĐ, TB và XH thì có chữ tâm, chữ tài thôi cũng chưa đủ. Ngành LĐ, TB và XH rất cần một thủ lĩnh bản lĩnh, mạnh mẽ hơn, có tư tưởng thoáng, như vậy chính sách cho dân mới thông.

 - Xin cảm ơn ông!

Thái Bình thực hiện