50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) - Tầm vóc vĩ đại của tác phẩm bất hủ

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới và hội nhập

- Thứ Hai, 16/09/2019, 08:00 - Chia sẻ
Một chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc mà Đảng ta thừa hưởng, kế tục như một tài sản tinh thần, đó là quan niệm của Người về đổi mới, về hội nhập để phát triển đối với Việt Nam trong thời kỳ tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Đổi mới gắn liền với phát triển

Để hiểu ý nghĩa và giá trị của tư tưởng đổi mới, hội nhập của Người trong Di chúc, trước hết cần phải thấy, Người sớm có tư duy đổi mới, lại có hành động đổi mới dựa trên phương pháp sáng tạo và phong cách thiết thực, chú trọng thực tiễn và hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa kế thừa và phát triển, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế.

Đổi mới gắn liền với phát triển, vì mục tiêu phát triển, có nội dung và ý nghĩa sâu xa về văn hóa. Hồ Chí Minh qua hoạt động lý luận và thực tiễn của mình đã nhận thức và giải quyết rất thành công quy luật tiếp biến văn hóa để đổi mới và phát triển, có chủ kiến rõ ràng về con đường hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đó là cả một tiến trình lịch sử.

Sự kiện đầu tiên đánh dấu tiến trình này là việc Người quyết định đi tìm con đường cứu nước cứu dân ngày 5.6.1911 khi rời bến cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn sang phương Tây, đến Pháp và nhiều nước châu Âu khác, tìm hiểu bản chất của chủ nghĩa thực dân, kẻ đã đô hộ, thống trị dân tộc mình để tìm thấy con đường và phương pháp đánh đổ nó, giải phóng cho dân tộc ra khỏi tình cảnh nô lệ, thực hiện khát vọng độc lập, tự do.

Bước ngoặt đầu tiên trong cuộc hành trình tư tưởng của Người là tiếp thu được tư tưởng Lênin về quyền tự quyết của các dân tộc, năm 1920 và gia nhập nhóm cộng sản Mác xít Pháp, trở thành đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, từ lập trường dân tộc Người đến với chủ nghĩa quốc tế, giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng vô sản. Tư tưởng đổi mới của Người khi còn là Nguyễn Ái Quốc là giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội để giải phóng con người trên lập trường của giai cấp công nhân, bằng con đường cách mạng vô sản để thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa cộng sản, gắn liền với độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Người viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925) và Đường Kách Mệnh (1927), những tác phẩm lý luận xuất sắc, đặt nền móng tư tưởng lý luận và đường lối chính trị cho cách mạng Việt Nam, cho sự ra đời của Đảng năm 1930. Tư tưởng đổi mới của Người thể hiện rất rõ trong việc Người quan tâm đào tạo những người cách mạng trẻ tuổi, Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí liên hệ với quốc tế cộng sản, gửi nhóm nòng cốt thanh niên đi đào tạo ở Liên Xô. Người hy vọng rằng, từ những con chim non cộng sản đầu tiên này rồi sẽ nở ra cả một đàn chim cộng sản. Đó sẽ là những hạt giống đầu tiên của phong trào cách mạng.

Vậy là, tổ chức tiền thân của Đảng lại là tổ chức Đoàn thanh niên.

Đó là điểm đặc thù thứ nhất trong lịch sử hình thành Đảng cách mạng chân chính của Việt Nam. Sau này, ở cương vị người sáng lập Đảng ta, Người còn phát hiện ra quy luật ra đời của Đảng, đó là sự kết hợp không chỉ chủ nghĩa Mác - Lênin (chủ nghĩa xã hội khoa học) với phong trào công nhân mà còn với phong trào yêu nước của dân tộc. Đây là điểm đặc thù thứ hai quy định sự xuất hiện Đảng kiểu mới ở Việt Nam.

Từ đó, Người dày công huấn luyện cán bộ đảng viên không chỉ bản chất giai cấp công nhân mà còn là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, gắn bó mật thiết đặc tính giai cấp với đặc tính dân tộc. Càng mang bản chất giai cấp công nhân, Đảng càng phải gắn bó máu thịt với nhân dân và trung thành với lợi ích của dân tộc, Đảng là đại biểu trung thành với lợi ích của dân tộc và nhân dân. Đó là bảo đảm bền vững cho sức mạnh của Đảng cách mạng, thể hiện rõ phát kiến mới về lý luận của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đến Di chúc như một sự kết tinh, Người nêu bật lý luận về Đảng cầm quyền cũng với một sự nhất quán sâu sắc đó.

Từ rất sớm, khi Đảng còn chưa ra đời, năm 1925, trong dự thảo Điều lệ “Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí”, Người đã trù tính, sau này khi cách mạng thành công, đi vào kiến thiết chế độ mới theo lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhất định chúng ta phải áp dụng “Tân kinh tế chính sách” của Lênin (Chính sách kinh tế mới-NEP). Trù tính chiến lược này càng nổi bật tư tưởng đổi mới của Người, là kết quả của việc Người trực tiếp nghiên cứu nước Nga Xô Viết hồi sinh nhờ có NEP của Lênin, khi Người đến nước Nga (1923) và hoạt động trong quốc tế cộng sản (1924-1925).

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, chế độ cộng hòa dân chủ được thành lập sau Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945, đất nước lại rơi vào tình hình đặc biệt khó khăn, thù trong giặc ngoài, vận mệnh dân tộc trong thế ngàn cân treo sợi tóc, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, theo lời kêu gọi của Người 19.12.1946, “thà hy sinh tất cả quyết không chịu làm nô lệ”, cả dân tộc vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Ngay năm đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến, năm 1947, tại An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên, Người đã viết tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” với bút danh X.Y.Z. Cùng năm đó, với bút danh Tân Sinh, Người còn viết “Đời sống mới”. Cũng như vậy, năm 1948, Người viết Văn kiện “Thi đua ái quốc”. Người còn có thư gửi ông Hoàng Mai, mới 26 tuổi đã là Giám đốc Công an Khu vực XII, gồm 7 tỉnh, từ Bắc Giang đến Quảng Yên, trong thư nêu rõ 6 điều rèn luyện “Tư cách người công an cách mệnh”. Cho đến năm 1947, Người viết tác phẩm nổi tiếng “Dân vận”, nhất là tác phẩm về đạo đức cách mạng với tựa đề “Cần kiệm liêm chính” và tác phẩm “Đảng ta”, nhấn mạnh vai trò của chi bộ, của đảng viên, của cấp ủy. Các tác phẩm đó đều đề cập tới đổi mới, mà trước hết là đổi mới phương thức công tác, phương thức lãnh đạo, Người gọi một cách giản dị “Sửa đổi lối làm việc”. Đây là những tác phẩm tiêu biểu về đổi mới trong điều kiện Đảng đã đảng cầm quyền, dù Đảng đã rút lui vào bí mật từ tháng 11.1945, đến Đại hội II, năm 1951, Đảng mới ra công khai trở lại với tên gọi mới “Đảng Lao động Việt Nam”. Đáng lưu ý, là những tư tưởng đổi mới sau đây:

Một, nhận thức và xử lý mối quan hệ giữa cũ và mới.

Hai, đổi mới là một quá trình, một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ như một cuộc cách mạng “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”.

Ba, Đảng phải đi tiên phong trong đổi mới, chống bệnh chủ quan, hẹp hòi, thói ba hoa, sâu xa là phải đánh bại, tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân, “giặc ở trong lòng”, phải thực trong sạch để thực vững mạnh, do đó phải suốt đời trau dồi cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Bốn, phải ra sức làm công tác dân vận, “thật thà nhúng tay vào việc”, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì dân mới giúp đỡ, ủng hộ, bảo vệ và cách mạng mới thành công.

Năm, phải ra sức thực hành dân chủ, thực hành dân vận, thực hành đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, cùng phấn đấu cho sự nghiệp chung. Quan trọng và quyết định là sự gương mẫu, tiên phong của Đảng, “nói ít làm nhiều”, “lãnh đạo bằng sự gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất”, 12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng trong “Sửa đổi lối làm việc” chỉ có 456 từ mà thực sự là lý luận xây dựng Đảng, là cả một chủ thuyết về Đảng cầm quyền(1). Cho đến cuối đời, tác phẩm lý luận cuối cùng của Người vẫn xoay quanh chủ đề đạo đức cách mạng: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”(2).

Từ các dòng sự kiện nêu trên trong hơn 6 thập kỷ hoạt động của Người, chúng ta tìm hiểu tư tưởng của Người về đổi mới qua bản Di chúc. Vấn đề này được Người đặc biệt quan tâm, trù tính rất kỹ lưỡng trong bản viết năm 1968.

Công cuộc đổi mới phải bắt đầu từ Đảng

Người căn dặn, ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Theo Người, đây là việc cần kíp, bức xúc để ổn định cuộc sống cho nhân dân, từ chiến tranh sang hòa bình. Người hình dung, “đây là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn”(3). Người nhấn mạnh, “chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”(4). Đây là điều kiện trước tiên để đổi mới mà cũng là trách nhiệm của Đảng và Chính phủ, trong chương trình nghị sự, trong kế hoạch hành động.

Công cuộc đổi mới phải bắt đầu từ Đảng, do đó, Người xác định việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng. Ý tưởng này là sự cụ thể hóa, là sự phát triển hợp logic và nhất quán với điều Người đã đề cập trương bản văn Di chúc được viết lần đầu từ tháng 5.1965 “trước hết nói về Đảng” với lời căn dặn đầu tiên là giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng từ Trung ương tới chi bộ. Người đồng thời nói rõ mục đích của việc chỉnh đốn lại Đảng là “làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”(5). Người tin tưởng rằng, “làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(6). Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng bởi như thực tế đã cho thấy, Đảng là lực lượng lãnh đạo và cầm quyền, sự nghiệp cách mạng thành hay bại đều tùy thuộc vào năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đặc biệt là phẩm chất đạo đức, tính tiên phong và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, làm nên uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong quần chúng. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng thật trong sạch để thật vững mạnh không những là một trong những nội dung trọng yếu của đổi mới mà còn là điều kiện căn bản, là nhân tố quyết định thành công của đổi mới trong tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh.

Dù không trực tiếp sử dụng khái niệm “đổi mới”, nhưng trong Di chúc của Người, đổi mới được thể hiện rất rõ ràng, đậm nét không chỉ nội dung, mục đích mà còn nổi bật tính chất, đặc điểm, tầm vóc lịch sử của nó, như một cuộc cách mạng. Có thể nhận ra định nghĩa về đổi mới của Người, khi Người viết “đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(7). Người còn hình dung cuộc chiến đấu này là một cuộc chiến đấu khổng lồ với sự tham gia, nhập cuộc của khối quần chúng nhân dân đông đảo. Trọng trách tập hợp lực lượng nhân dân, phát huy vai trò nhân dân thuộc về Đảng bằng công tác giáo dục, công tác tổ chức, Đảng phải ra sức dựa vào dân, giữ mối liên hệ mật thiết với dân, từ đó, Người khẳng định: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(8).

Đó là những luận điểm căn bản và hết sức quan trọng, có giá trị và ý nghĩa định hướng cho hành động đổi mới của Đảng và nhân dân ta.

Bằng cách đó, tư tưởng đổi mới gắn với hội nhập và phát triển mà Người nêu ra trong Di chúc có tác dụng đặt nền móng tư tưởng lý luận cho đường lối và các quyết sách đổi mới của Đảng ta sau này.

Phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước hiện nay không thể không nhấn mạnh tới môi trường tự nhiên - sinh thái trong mối liên hệ không tách rời với kinh tế và xã hội, với nước ta, đổi mới còn phải dựa trên tiền đề ổn định chính trị - xã hội tích cực, còn phải thực hiện đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, chú trọng nhân văn hóa mà cốt lõi chủ đạo lại là con người. Đó là con người với tổng hòa các quan hệ, các vị thế: Mục tiêu, động lựcchủ thể. Có thể thấy trong Di chúc của Người những chỉ dẫn quan trọng đó.

Với giá trị và tầm vóc như thế, Di chúc đã trở thành Bảo vật quốc gia. Đó không chỉ là Quốc bảo mà còn là Pháp bảo của Đảng, của dân tộc Việt Nam. Bởi, Người không chỉ nêu bật những tư tưởng lớn mà còn chỉ dẫn sâu sắc về phương pháp, cách làm trong thực tiễn, hướng dẫn chúng ta hành động sáng tạo, linh hoạt, kiên định lý tưởng, mục tiêu, giữ vững nguyên tắc mà cũng vô cùng uyển chuyển, mềm dẻo “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong những hoàn cảnh mới, điều kiện mới.

__________________

(1) Tô Huy Rứa, Hoàng Chí Bảo (đồng chủ biên): Chủ thuyết phát triển Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2017

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.546 - 548

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.616

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.616

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.616

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.616

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.617

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.617

GS.TS. Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương