Tử vong sốt xuất huyết do chủ quan

- Chủ Nhật, 19/05/2019, 07:49 - Chia sẻ
Bốn tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh ghi nhận gần 21.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 3 người tử vong. Nguyên nhân từ sự chủ quan, nhập viện trễ khi mắc bệnh. Sốt xuất huyết gây ra những biến chứng đặc biệt nguy hiểm, cộng đồng nên chủ động phòng và điều trị bệnh.

Tử vong do chủ quan

Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Nga cho biết, 4 tháng qua được xem là giai đoạn thấp điểm của dịch bệnh hàng năm, các loại bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đều giảm nhưng mức giảm khá chậm. Song, đi cùng với đà giảm của dịch bệnh là tâm lý chủ quan từ cộng đồng đã khiến ít nhất 3 trường hợp bị sốt xuất huyết cướp đi mạng sống. Cả 3 ca tử vong đều xảy ra trong tháng 4, nạn nhân xấu số là 2 người lớn tại huyện Củ Chi; quận Bình Tân và 1 trẻ nhỏ sinh sống tại quận Tân Phú.

Điều tra dịch tễ ghi nhận, khu vực các nạn nhân sinh sống đang có sốt xuất huyết lưu hành. Trước khi nhập viện, các bệnh nhân đều có những biểu hiện đặc trưng của sốt xuất huyết. Tuy nhiên, do chủ quan và nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh còn thấp nên người bệnh nhập viện trễ, khi rơi vào nguy kịch với những biểu hiện sốc, suy đa cơ quan, gia đình mới đưa đến bệnh viện nhưng việc điều trị không mang lại kết quả.


TP Hồ Chí Minh ghi nhận gần 21.000 ca sốt xuất huyết trong 4 tháng đầu năm 

Thống kê sơ bộ của Trung tâm Y tế dự phòng cho thấy, đến hết tháng 3.2019 toàn thành phố có khoảng 21.000 người được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Số ca bệnh đã tăng 230% so với cùng kỳ năm 2018. Lý giải cho mức tăng “khủng” của dịch sốt xuất huyết, bác sĩ Hồng Nga cho rằng, đỉnh dịch của năm 2018 - 2019 rơi vào tuần thứ 3 của năm nay, trễ hơn đỉnh dịch năm trước khoảng 10 tuần. Số ca bệnh giảm chậm nên tích lũy những tháng đầu năm 2019 cao hơn cùng kỳ”.

Người dân cần chủ động phòng tránh

Để ngăn bệnh sốt xuất huyết tăng khi bước vào mùa mưa, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh tập trung xử lý triệt để các ổ dịch, kêu gọi người dân diệt loăng quăng. Bởi thành phố rất dễ lây lan bệnh do khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và nằm trong vùng lưu hành của loại muỗi này. Ngoài ra, mật độ dân cư đông đúc, tốc độ đô thị hóa, xây dựng và phát triển hạ tầng nhanh cũng làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết lan rộng ở thành phố.

Ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh muỗi đốt, không cho muỗi phát triển. Tăng cường diệt muỗi, diệt lăng quăng, đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thay nước ở các bình hoa, thả muối vào chén nước kê chân chạn. Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến...

Các bác sĩ khuyến cáo, khi nghi ngờ và phát hiện bệnh, cần đến cơ sở y tế điều trị. Người bệnh thường sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn, người bệnh xuất hiện chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng... Nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Cao Linh