Tuyên bố bất thường

- Thứ Sáu, 15/11/2019, 08:33 - Chia sẻ
Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên vừa ra tuyên bố sẽ có hành động “đáp trả trước bất cứ động thái đe dọa tới chủ quyền và an ninh quốc gia”, nếu quân đội Mỹ - Hàn vẫn tiến hành cuộc tập trận chung vào tháng 12. Đây là động thái gây nhiều chú ý, vì từ trước tới nay, cơ quan tối cao do Chủ tịch Kim Jong Un đứng đầu hiếm khi đưa ra kiểu tuyên bố như vậy.

Cánh cửa đàm phán khép dần?

Theo các nhà phân tích, tuyên bố trên được phía Triều Tiên đưa ra nhằm tăng cường sức ép buộc Washington phải nhượng bộ khi sắp hết thời hạn chót cho đàm phán phi hạt nhân hóa mà ông Kim Jong Un đặt ra cho Mỹ vào cuối năm 2019. Nó cũng đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng không chấp nhận Mỹ - Hàn tập trận chung, dù tuần trước Washington thông báo sẽ giảm bớt quy mô sự kiện.

Tuần trước, một quan chức ngoại giao cấp cao Triều Tiên nhấn mạnh, cuộc tập trận sẽ “dội gáo nước lạnh” vào tiến trình đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington. Lâu nay, Triều Tiên vẫn cáo buộc các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ - Hàn là hành động chuẩn bị cho một cuộc tấn công xâm lược. Mới đây, các quan chức Triều Tiên còn cho biết, họ cảm thấy “bị phản bội” vì những biện pháp Bình Nhưỡng đưa ra làm giảm nhẹ lo lắng cho Washington đã không được chính quyền Tổng thống Trump đáp lại.

Tháng 6 năm ngoái, trong lần gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un tại Singapore, hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận sẽ xây dựng hòa bình lâu dài và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Sau sự kiện này, ông chủ Nhà Trắng đã bất ngờ thông báo sẽ tạm dừng các cuộc tập trận chung với đất nước kim chi. Kể từ đó, các cuộc tập trận lớn đều bị hoãn hoặc giảm quy mô. Tuy nhiên, hồi tháng 4, Chủ tịch Kim Jong Un đã ra “tối hậu thư” với Mỹ về việc nếu Washington không thay đổi quan điểm và nhượng bộ vấn đề giải trừ hạt nhân cho tới cuối năm nay, Bình Nhưỡng sẽ cho hủy bỏ đàm phán. Thực tế, đối thoại Mỹ - Triều đã bế tắc kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội hồi tháng 2 và vẫn tiếp diễn tới nay, nhất là khi cuộc đàm phán cấp chuyên viên tháng trước ở Stockholm, Thụy Điển, kết thúc mà vẫn không đạt được thỏa thuận. Trong thời gian đó, Bình Nhưỡng tiếp tục các vụ thử tên lửa tầm ngắn bất chấp sự phản đối của quốc tế.

Năm 2019 sắp hết trong khi Mỹ vẫn phải đau đầu với quá nhiều vấn đề, từ cuộc luận tội Tổng thống Donald Trump cho tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với diễn biến phức tạp. Thời gian, tâm huyết chính quyền Mỹ đương nhiệm dành cho chủ đề Triều Tiên đang vơi đi. Dường như cánh cửa đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có nguy cơ bị kéo sập lại khi mà bầu không khí tích cực dần tiêu tan.

Nếu đàm phán đổ vỡ?

Chủ tịch Kim Jong Un luôn nhận thức rõ rằng, Triều Tiên đang ở một thời khắc đặc biệt, khi cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae In đều mong muốn đàm phán. Cơ hội đạt được một thỏa thuận với ông Trump cao hơn so với các ứng viên Tổng thống Mỹ khác. Bằng chứng là ông chủ Nhà Trắng còn từng sa thải Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, người có quan điểm rất cứng rắn với Triều Tiên.

Vì thế, theo các nhà quan sát, việc Triều Tiên ra thời hạn chót và tiếp tục đưa ra các tuyên bố sắc lạnh về cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là để tăng đòn bẩy cho mình, tạo sức ép để Mỹ phải thay đổi lập trường. Thậm chí, các cuộc thử tên lửa tầm ngắn cũng nằm trong mục tiêu này. Ngoài ra, khi xét đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào năm sau, đương nhiên Triều Tiên hiểu rằng, để ghi điểm với cử tri Mỹ bằng việc giải quyết được một điểm nóng của thế giới, ông Donald Trump có thể nhượng bộ nhanh chóng để đạt được một thỏa thuận lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Đến đây, một câu hỏi đương nhiên sẽ được đặt ra: Sẽ như thế nào nếu hạn chót trôi qua mà đàm phán thất bại? Theo nhiều nhà phân tích, Bình Nhưỡng vẫn có thể kiểm soát hoàn toàn những hành động tiếp theo và tiếp tục các cuộc thử tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng việc Triều Tiên khó từ bỏ vũ khí hạt nhân vì nó là “thanh bảo kiếm” cho sự sống còn của chế độ chính trị hiện nay. Có thể, nước này không ngăn chặn trực tiếp được một cuộc tấn công từ Mỹ hoặc Hàn Quốc, nhưng họ có thể ngăn theo cách gián tiếp bằng cách đe dọa tấn công trả đũa hạt nhân vào Hàn Quốc hoặc chính Mỹ mà hậu quả của nó thì vô cùng nặng nề.

Thời gian qua, sở dĩ, Chủ tịch Kim Jong Un sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là vì nước này tự tin có đủ kho vũ khí thông thường có sức răn đe với các âm mưu lật đổ chế độ từ bên ngoài. Hơn nữa, để thoát khỏi cô lập về kinh tế, giải quyết các khó khăn trong nước và đạt được những đột phá trong phát triển như các nước láng giềng châu Á khác đòi hỏi Bình Nhưỡng phải giảm nhẹ lệnh trừng phạt, giành được viện trợ nước ngoài, và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tất cả những lập luận đó cho thấy, nếu thời hạn chót vào cuối năm nay không đạt được và Triều Tiên rút ra khỏi bàn đàm phán, điểm nóng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đơn giản là tiếp tục lơ lửng ở đó. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, các đàm phán khác về chủ đề phi hạt nhân hóa sẽ vẫn phải diễn ra vì các bên liên quan đều có lý do để mong muốn như vậy. Chỉ có điều, nó sẽ diễn ra vào thời điểm nào, khi tiếng nói chung có thể gặp nhau, là rất khó xác định.

Ngọc Minh tổng hợp