U hoài xứ Huế

- Thứ Tư, 31/12/2014, 08:47 - Chia sẻ
Tranh của Tôn Thất Đào được vẽ trên nhiều chất liệu như sơn dầu, lụa, giấy dó, chì màu, phấn tiên… Ở chất liệu nào tranh ông cũng luôn mang một vẻ đẹp u buồn và hoài cổ của hội họa xứ Huế.

Trường Mỹ thuật Đông Dương đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Nơi đây đã sản sinh ra những bậc thầy của nền mỹ thuật hiện đại, những người mở đường để hội họa Việt Nam có thể bước vào một không gian với lối tư duy nghệ thuật mới.

Họa sỹ Tôn Thất Đào có được một nền móng vững chắc khi ông tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Đông Dương. Theo họa sĩ Đinh Cường thì Tôn Thất Đào là họa sĩ duy nhất của Huế tốt nghiệp từ ngôi trường này, ông tốt nghiệp khóa VIII (1932 - 1937).


Bến sông

Trong gần ba mươi tác phẩm còn lại ở tư gia, chúng ta thấy tranh của Tôn Thất Đào được vẽ trên nhiều chất liệu như sơn dầu, lụa, giấy dó, chì màu, phấn tiên… Ở chất liệu nào tranh ông cũng luôn mang một vẻ đẹp u buồn và hoài cổ của hội họa xứ Huế. Hội họa của Tôn Thất Đào, từ hình thể, màu sắc, bố cục… luôn mang không khí hoài niệm, người xem có trạng thái đượm buồn của hội họa hiện thực nhưng đã nhiều xô lệch về hình thể. Một trong những đề tài được Tôn Thất Đào vẽ nhiều nhất có lẽ là thiếu nữ. Các tác phẩm như Sen trắng, Chân dung, Họa bản Kiều, Đàn thập lục, Ngự Bình… đều vẽ thiếu nữ. Các tác phẩm này được mở trên một căn bản về bố cục vững chắc và cái neo lại ở thị giác là sự thanh thoát, mềm mại ẩn sau sự thô cứng, mở ra những không gian liên tưởng rộng hơn của hình thể trong tranh.

Ngoài đề tài thiếu nữ thì tranh phong cảnh của Tôn Thất Đào cũng đáng lưu ý: Cảnh đại nội, Bến thuyền, Bến sông… là những tác phẩm với bút pháp tả thực, nhưng hiện thực ở đây lại là từ mơ mộng của con người Huế nên tranh luôn phảng phất hư ảo. Đặc biệt tác phẩm Bến sông, không khí huyền ảo được chuyển từ gam màu đậm qua gam màu trắng. Màu trắng trong hội họa có lẽ là màu của huyền thoại, màu của khói sương và màu của sự xóa nhòa biên giới giữa các hình thể để mở ra một thế giới rộng hơn thế giới mô phỏng khách quan. Các nhân vật trong tranh cũng không xuất hiện một cách rõ ràng, hơn nữa con người trong bức Bến sông cũng đã được nhìn qua một lăng kính khác, lăng kính không tuân thủ theo tỷ lệ chuẩn của hiện thực mà hình thể ở đây đã được xô lệch, để mở ra cái hư ảo, mộng mị.

Tác phẩm Ngự Bình cũng là một trong những tư duy nghệ thuật của Tôn Thất Đào sớm thoát ra khỏi sự chi phối của tư duy nghệ thuật mô phỏng vật thể khách quan. Trong tác phẩm này, tuy vẫn còn lưu giữ lại hình thể của nhân vật trung tâm, của sự vật nhưng hình thể và tỷ lệ giữa các hình họa không còn đồng nhất với sự thật. Hình tượng người con gái mái tóc trải dài được đặt vào không gian của vũ trụ bao la, đường chân trời phía sau kéo không gian sâu hút, ít nhiều gợi nên không khí siêu thực. Không khí bức tranh gợi nên tính huyễn hoặc, tương tự hình ảnh đi ra từ một giấc mơ, từ tiềm thức sâu hút, mang nhiều không khí siêu thực.


… và Ngự Bình

Tôn Thất Đào sinh ngày 15.10.1910 và mất ngày 2.9.1979. Thuộc dòng dõi chúa Nguyễn thứ 6 - Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725). Nguyên là hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Ngôi trường có nhiều tên tuổi như: Phạm Đăng Trí, Mai Lan Phương, Phan Xuân Sanh, Trần Kiêm Hùng, Tôn Thất Văn, Trịnh Cung, Đinh Cường… Đây là một lớp họa sĩ tinh anh đối với nền mỹ thuật Huế và nền mỹ thuật Việt Nam.

Bước vào tư gia của cố họa sĩ ở 53 Mạc Đĩnh Chi, Huế, ta thấy có khoảng ba mươi tác phẩm còn lại của ông. Các tác phẩm này đang bị thời gian, thời tiết khắc nghiệt đe dọa nghiêm trọng. Nhiều tác phẩm gần như mục nát, bụi bặm trong gian nhà cổ xưa ẩm mốc.

Cho đến nay Huế vẫn chưa có bảo tàng mỹ thuật. Điều này, chúng ta đang có lỗi với những bậc thầy hội họa khởi đi từ mảnh đất này. Ngày nay, nếu muốn được chiêm ngưỡng các tác phẩm của họ ngay tại Huế thì không phải là điều dễ dàng đối với những ai yêu thích hội họa.

Lê Viễn Phương