UBTVQH không quyết cho lùi dự án Luật Biểu tình

- Thứ Tư, 17/02/2016, 13:42 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- "Luật Biểu tình đã được đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh và căn cứ vào Luật Ban hành văn bản pháp luật nếu Chính phủ không trình thì phải chịu trách nhiệm trước QH. Theo chương trình phải trình mà không trình thì phải báo cáo rõ lý do với QH, chứ UBTVQH không quyết cho lùi" - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nêu rõ.
>> Khai mạc Phiên họp thứ 45 của UBTVQH Khóa XIII

Ảnh: Lâm Hiển

Sáng 17.2, tiếp sau khai mạc, UBTVQH cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Về đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết dự án Luật biểu tình qua thảo luận tại Chính phủ vẫn còn những ý kiến rất khác nhau về những nội dung lớn trong dự án luật. Cụ thể như về đối tượng điều chỉnh của dự án luật, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình... Chính phủ đề nghị UBTVQH cho phép chưa trình dự án Luật Biểu tình tại Kỳ họp thứ 11 của QH Khóa XIII.

Qua thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến thành viên UBTVQH đề nghị không lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình. Các ý kiến đều cho rằng đây là dự án luật rất quan trọng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, bảo đảm quyền con người, quyền công dân…

“Chính phủ đã lùi dự án luật nhiều lần, chủ yếu liên quan đến những quy định liên quan đến quản lý vũ khí, vật liệu nổ, nhưng phạm vi điều chỉnh hoàn toàn khác nhau, không gắn cái này với cái kia được”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu ý kiến.

Theo chương trình xây dựng luật pháp lệnh, Luật Biểu tình sẽ được trình QH tại Kỳ họp thứ 11 tới. Tuy nhiên vào thời điểm này Chính phủ lại xin lùi thời hạn, đặc biệt việc xin lùi này lại không nêu được thời điểm cụ thể việc trình lại.

"Quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân đã được đề cập từ năm 1945 nhưng cứ lùi đi lùi lại mãi!"- Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện bức xúc.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng đề nghị, cần sớm thực hiện chương trình đã quyết định của Luật Biểu tình để bảo đảm 2 mục tiêu lớn là bảo đảm quyền con người và quyền công dân đã được được hiến định; đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia và trật tư an toàn xã hội, tăng cường quản lý nhà nước về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ trình dự án Luật Biểu tình lên QH theo đúng chương trình đã được quyết định (tháng 3.2016).

* Cũng trong sáng nay, cho ý kiến về đề nghị đưa dự án Luật Hành chính công vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình QH Khóa XIII cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11, các ủy viên UBTVQH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
 
Theo các Ủy viên UBTVQH, đây là dự án đã được chuẩn bị rất công phu với sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia, sự hỗ trợ của VPQH, Viện Nghiên cứu lập pháp. Tuy nhiên, hành chính công là lĩnh vực pháp luật có nội dung rất rộng, đang được điều chỉnh trong các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Công chứng, Luật Ban hành văn bản pháp luật... Ngoài ra, còn có nhiều luật chuyên ngành điều chỉnh về hoạt động, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính và thủ tục hành chính trong từng lĩnh vực.
 
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sáng kiến lập pháp cần được khuyến khích, song trình hay không là do UBTVQH quyết định. Nhưng cái gốc của việc trình chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là phải bảo đảm các dự án luật trình khả thi và phải chuẩn bị chu đáo về chất lượng. Nếu UBTVQH thấy chưa đủ chất lượng, chưa đủ mức độ để trình thì chưa nên trình. Theo đó, vẫn nên giữ chương trình như hiện hành, thêm mà chưa đủ căn cứ và điều kiện thì không nên thêm.
 
Đối với dự án Luật Đấu giá tài sản, Chính phủ đề nghị khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội Khóa XIII xem xét, thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 11 tới. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị cần khẩn trương thông qua dự án Luật Đấu giá tài sản. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, dự án Luật đấu giá tài sản có liên quan mật thiết tới Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự. Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) đã được thông qua, nên cần sớm thông qua dự án Luật Đấu giá tài sản để tạo sự đồng bộ trong thực thi pháp luật.
 
Thời gian còn lại của phiên họp, UBTVQH cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về việc cho ý kiến đối với nội dung thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Australia về chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ.
 
Chiều nay, UBTVQH tiếp tục làm việc theo chương trình, cho ý kiến về Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của QH.

Lê Hoa – Phạm Hải