Ứng dụng công nghệ lấy nước ngầm cho đồng bào Tây Bắc

- Thứ Hai, 18/11/2019, 07:51 - Chia sẻ
Để giải quyết khó khăn về cấp nước sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi cho đồng bào Tây Bắc, các nhà khoa học thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc) do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì đã nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ lấy nước ngầm kiểu mới cho công trình đập dâng tại xã Cốc San, Bát Xát, Lào Cai.

Theo đó, ứng dụng công nghệ thu lọc nước ngầm tầng nông tại lòng suối, khe tụ thủy thông qua hệ thống đập ngầm, hào thu nước được xây dựng bằng các loại vật liệu đơn giản như đá xây, vải chống thấm địa kỹ thuật kết hợp với hệ thống ống thu có gắn băng thu lọc nước theo nguyên lý mao dẫn được chế tạo sẵn bằng nhựa PVC để dẫn nước ra phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt.

Chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Chí Thanh cho biết, trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm đã nghiên cứu sâu và đã đề xuất được bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đập dâng, các vấn đề như hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, tính dễ bị tổn thương. Qua quá trình vận hành được các chuyên gia, người dân địa phương đánh giá đạt hiệu quả thu nước tốt, thi công nhanh và đơn giản, dễ dàng vận hành và bảo dưỡng, độ ổn định cao đã được kiểm chứng là ổn định sau 2 đợt lũ lớn. Đề tài sản phẩm đã được đăng ký sáng chế “phương pháp thu nước ngầm đáy sông, suối kiểu nằm ngang” do Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ cấp.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao và sẽ sớm được chuyển giao cho tỉnh Lào Cai nhằm tháo gỡ khó khăn về cấp nước sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi của đồng bào tại xã Cốc San, huyện Bát Xát. Các đoàn kiểm tra, thanh tra của Bộ Khoa học - Công nghệ, Sở Khoa học - Công nghệ Lào Cai đã có đề nghị bằng văn bản để cho phép tiếp tục nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình này.

Tây Bắc có các khu vực trồng lúa (khu tưới) nhỏ hẹp với diện tích phổ biến từ 10 - 50ha. Để cấp nước phục vụ sản xuất cho các khu tưới đó thì công trình hiệu quả nhất là đập dâng. Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Sửu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai - đơn vị đặt hàng, với đặc thù tự nhiên khu vực này, hằng năm khi lũ về, đập thường bị hư hỏng, bị bồi lấp, cuốn trôi… dẫn đến hiệu quả cấp nước bị suy giảm nghiêm trọng. Theo kết quả thống kê của các tỉnh trên địa bàn nghiên cứu, hầu hết công trình đập dâng chỉ bảo đảm được khoảng 50 - 60% năng lực so với thiết kế, thậm chí rất nhiều công trình không còn khả năng cấp nước. Vì thế, ông Sửu đánh giá cao mô hình thiết kế đập dâng, mong muốn Chương trình Tây Bắc phối  hợp với đơn vị chủ trì đề tài sớm triển khai rộng rãi dự án này để bà con địa phương có nguồn nước ổn định, tăng gia sản xuất cũng như thay hệ thống lọc thô của hệ thống cấp nước sạch hiện nay.

Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát thực địa của Chương trình Tây Bắc, do GS. TS Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, chủ nhiệm đề tài KHCN-TB.X27 làm trưởng đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng cũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của đội ngũ cán bộ khoa học thuộc Chương trình Tây Bắc khi triển khai tại địa phương. Ông cho rằng, ngoài công nghệ lấy nước kiểu ngầm, Chương trình Tây Bắc đã triển khai và bàn giao ứng dụng, cung cấp luận cứ khoa học, phục vụ hoạch định chính sách, ứng dụng để phát triển sản xuất, quản lý xã hội phù hợp với điều kiện tình hình thực tế, khai thác được các tiềm năng lợi thế của địa phương như phát triển sản xuất dược liệu, chế biến sản phẩm có giá trị cao và giải pháp hữu hiệu cho những khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân vùng Tây Bắc, trong đó có Lào Cai.

Chương trình Tây Bắc là chương trình có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn; giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Bắc. Đại học Quốc gia Hà Nội được giao làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học, các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai Chương trình từ năm 2013 - 2018. Có 58 đề tài, dự án đã và đang triển khai 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của Thanh Hóa và Nghệ An.

Hoàng Anh