Sổ tay

Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý nhà thuốc

- Thứ Sáu, 05/10/2018, 09:23 - Chia sẻ
Trước tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, nhất là thuốc kháng sinh dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng cao; tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường cũng khá phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng... một trong những giải pháp được Bộ Y tế đưa ra để tiến tới loại bỏ hành vi không trong sạch, có tính gian lận trong sản xuất, kinh doanh thuốc là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các nhà thuốc.

Các chuyên gia về y tế cho biết, do hệ thống phân phối thuốc ở nước ta còn trải qua nhiều khâu trung gian, trong khi đó việc quản lý vẫn theo hình thức thủ công, hầu hết các nhà thuốc, nhất là các nhà thuốc tư nhân chưa ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng chung (hiện, trên toàn quốc có 61.867 cơ sở bán lẻ thuốc, mặc dù đã có tới 71,15% các cơ sở có kết nối internet, nhưng chỉ có gần 48% trong số cơ sở này sử dụng phần mềm để quản lý kinh doanh thuốc của cơ sở với 23 phần mềm đang được sử dụng). Điều này, không chỉ gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc, mà hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc bất cập, lỗ hổng: Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh vẫn diễn ra phổ biến, dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng hiện hữu. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng cũng ngang nhiên xuất hiện.

Khắc phục tình trạng trên, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc, song song với việc xây dựng các quy định nhằm pháp chế hóa yêu cầu bắt buộc ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc, trong đó triển khai thí điểm ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ… Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc.

Kết quả đến nay việc triển khai thí điểm tại các tỉnh được lựa chọn đã có những kết quả tích cực: Toàn bộ các nhà thuốc, các tủ thuốc tại trạm y tế xã các tỉnh thí điểm đã được tập huấn; chất lượng, hạn sử dụng, giá từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán thuốc tại các nhà thuốc, quầy thuốc được tiến hành thông qua sổ sách cũng thuận tiện, dễ dàng hơn, chỉ cần vào mạng là có được dữ liệu tương đối đầy đủ, không mất nhiều thời gian như trước. Người dân có thể so sánh giá để mua thuốc với chi phí hợp lý qua việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại, hoặc tra cứu thông tin trên website… Đơn cử tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - một trong những cơ sở đã triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động này của TP Hà Nội cho thấy, việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà thuốc đã giảm đáng kể số nhân viên. Cụ thể, khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin, đội cấp phát thuốc của bệnh viện cần khoảng 7 người mới đủ phục vụ 600 bệnh nhân/ngày, nhưng nay chỉ cần 4 người...

Từ thực tế triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý nhà thuốc tại một số tỉnh, thành phố cho thấy, việc tham gia kết nối mạng tại các nhà thuốc là giải pháp cần thiết và đúng đắn, thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đạo đức xã hội đối với nhân dân. Thiết nghĩ tới đây, ngành chức năng, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục triển khai giải pháp này. Cụ thể, cần có hỗ trợ kỹ thuật, phần mềm cho các nhà thuốc trong quản lý bán hàng, kết nối với các cơ quan chức năng, bởi việc kết nối mạng hệ thống nhà thuốc, quầy thuốc sẽ gián tiếp, tiến tới trực tiếp loại bỏ hành vi không trong sạch, có tính gian lận trong sản xuất, kinh doanh thuốc.

Trần Hải