Đồng bằng sông Cửu Long:

Ứng phó vì sự phát triển bền vững

- Thứ Hai, 10/10/2016, 08:05 - Chia sẻ
Cụm từ “đối diện với các thách thức” hay “đối diện với biến đổi khí hậu” trong tựa bài đã được tác giả cân nhắc kỹ. Lý do đơn giản là vì hiện nay, ngoài biến đổi khí hậu, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn đối diện với các thách thức khác mà bài viết này sẽ đề cập.

Đối diện với thách thức

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một hiện tượng toàn cầu mà cộng đồng thế giới đang nghiên cứu, dự báo, và tìm cách kìm hãm sự phát triển, cụ thể là sự tăng trưởng nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ, thông qua nỗ lực giảm thiểu lượng phát thải các loại khí gây nên hiệu ứng nhà kính. Việt Nam chỉ là một điểm trên hành tinh, diễn biến của BĐKH đối với ĐBSCL chỉ có thể được dự báo về xu thế vĩ mô, khó mà dự báo được hết một cách chính xác.

Trong khi đó, các thách thức đến từ việc sử dụng nguồn nước trên thượng nguồn từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống, trước áp lực tăng trưởng dân số, phát triển nông nghiệp, và khai thác tiềm năng năng lượng của sông Mekong, là trực tiếp đối với đồng bằng và có thể dự báo được hậu quả. Còn có thách thức tại địa bàn, do con người muốn cải tạo thiên nhiên, khai thác tài nguyên để phát triển, hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta.

Với nhận thức như trên, đối diện với các thách thức toàn diện hơn là đối diện với BĐKH, việc ứng phó sẽ đầy đủ hơn.


Những vườn mía lưu gốc tại xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang  (Ảnh: Duy Khương)

Coi trọng các giải pháp phi công trình

Hiện nay và trong những thập kỷ tới, ĐBSCL phải đối diện ít nhất với hai thách thức toàn cầu: Một thách thức khu vực và một thách thức từ chính sự khai thác tài nguyên tại đồng bằng. Thách thức toàn cầu, đó là BĐKH, nước biển dâng, và toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế. Thách thức khu vực là việc sử dụng nguồn nước sông Mekong trên thượng nguồn. Các thách thức này và thách thức tại địa bàn không tác động riêng lẻ cùng nhau liên hoàn tác động, nhân lên hậu quả của các tác hại. Đây là thách thức tổng hợp đối với sự phát triển bền vững của đồng bằng.

Mục đích của Ứng phó với các thách thức tại ĐBSCL là nhằm tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống, tổ chức lại sản xuất, là có những cơ chế, chính sách để người dân tìm ra sinh kế, làm giàu trong điều kiện tự nhiên và sinh thái mới, hạn chế tối đa “sự di dân sinh thái”.

Ý nghĩa kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của ứng phó rất rõ.

Điểm nổi bật cần ghi nhớ, là ứng phó với các thách thức được triển khai trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định đến từ BĐKH và toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế; từ việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, và từ chính tác động của con người tại địa bàn. Do vậy, cần cân nhắc kỹ các giải pháp công trình, và coi trọng các giải pháp phi công trình.

Hành động tương ứng vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL

Muốn vậy, thứ nhất, phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực, cơ chế này được quy định bằng một điều ước quốc tế. Trước mắt, cần có quy định về việc chia sẻ các số liệu thủy văn, cơ chế vận hành của đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực, đã và sắp đi vào vận hành, phải là một yêu cầu mang tính bắt buộc để quản lý tốt nguồn nước sông Mekong và các rủi ro từ BĐKH trong lưu vực. Các công việc này, thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Rất phức tạp và khó khăn nhưng phải kiên trì.

Thứ hai, rà soát lại các quy hoạch tổng thể, ngành, địa phương, theo hai hướng. Một là, phải tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả cao nước ngọt; chung sống với hạn, mặn và ngập, khai thác nước lợ và nước mặn ở vùng biển chiếm ưu thế; bảo đảm nước ngọt cho sinh hoạt của người dân. Hai là, vì có nhiều yếu tố bất định, trước khi quyết định các biện pháp công trình, phải cân nhắc hiệu quả KT -XH và tác động đến môi trường. Xếp hạng các công trình theo ưu tiên và theo thời gian. Tham khảo khuyến cáo của Dự án Mekong Delta Plan: Cần phân các công trình thành ba loại: Không hối tiếc, ưu tiên, và dài hạn từ nay đến năm 2050 và từ 2050 đến 2100.

Thứ ba, có chương trình khoa học làm cơ sở cho việc ứng phó, đi từ dự báo, đánh giá tác động, đến tìm các giải pháp phi công trình (các giống cây, con cho vùng lợ, mặn, các vật liệu xây dựng nhẹ, bền cho vùng đất ngập mặn, lọc nước mặn thành nước ngọt…) trong từng tiểu vùng và cho cả ĐBSCL, bao gồm các chính sách để tái tạo rừng tràm, rừng ngập mặn.

Thứ tư, mô hình phát triển ở đồng bằng phải sát với điều kiện sinh thái của các tiểu vùng. Tiến tới một nền nông nghiệp thông minhphát thải ít khí nhà kính.

Sản xuất lúa ít hơn nhưng gạo có giá trị xuất khẩu cao. “Dưỡng đất” (vì phù sa về ngày càng ít), và bồi dưỡng đất bằng luân canh với các cây họ đậu.

Tổ chức lại cuộc sống và sản xuất trong vùng mặn và ngập mặn, làm giàu trong điều kiện mới có ý nghĩa to lớn về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Điều này khó nhưng không phải không khả thi trong điều kiện khoa học và công nghệ ngày nay. Điều cần thiết là Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo điều kiện và khuyến khích những nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học thành công trong việc đưa KH - CN phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Thứ năm, nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Tiến tới nông dân, xã viên hợp tác xã có kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp, về môi trường, về quản lý tài chính và quản trị kinh doanh vì suy cho cùng mỗi nông hộ là một doanh nghiệp.

Thứ sáu, giải quyết tình trạng “thừa chồng chéo, thiếu phối hợp”, quản lý tốt hơn việc khai thác tài nguyên, theo dõi các biến động do việc khai thác nguồn nước trên thượng nguồn, đo đạc và lưu trữ số liệu về khai thác cát sông, về lượng phù sa chảy về đồng bằng, về khai thác nước ngầm (sự sụt giảm của mực nước ngầm), về độ sụt lún mặt đất tự nhiên và gia tốc (do tác động của con người).

Thứ bảy, hơn bao giờ, xâu kết chuỗi giá trị, liên kết phát triển vùng  là việc bức thiết phải làm trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế.

Kết quả thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội ở các tiểu vùng không chỉ là tăng được bao nhiêu phần trăm so với trước liên kết, mà còn là các kiến nghị về cơ chế chính sách, những đổi mới về thể chế, những cải cách trong thiết chế nhà nước cần được Nhà nước ban hành.

Thứ tám, để phát triển bền vững, phải giải quyết tình trạng đồng bằng đang là vùng trũng về giáo dục. Cần đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng cơ sở ở đồng bằng, tương ứng với những đóng góp của nó.

Thứ chín, tranh thủ nguồn lực (vốn, công nghệ) từ bên ngoài, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hợp tác có hiệu quả các dự án, chương trình do các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ chính phủ và phi chính phủ góp sức cùng Viêt Nam ứng phó với BĐKH sau COP 21. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành là điều kiện tiên quyết để các dự án hợp tác thành công.

Để ứng phó tốt, cần nhận thức đúng 5 nội dung sau đây:

(1) Nguồn nước sông Mekong phải được xem là tài sản chung của tất cả các quốc gia trong lưu vực. Sử dụng nguồn nước này liên quan đến tương lai của đồng bằng.
(2) Nước và trầm tích là hai yếu tố cấu thành đồng bằng. Cán cân trầm tích về đồng bằng âm, đồng bằng có nguy cơ bị lún chìm và bị xâm thực từ phía biển.
(3) ĐBSCL là một châu thổ rất phẳng, cao trình mặt đất thấp. Yếu tố triều và sự giao thoa sông - triều là vô cùng quan trọng.
(4) Sự khan hiếm nước ngọt, những tình huống cực đoan (sẽ xảy ra nhiều hơn, với cường độ mạnh hơn), lũ sẽ thấp hơn, phù sa sẽ về ít hơn, nguồn lợi thủy sản sẽ giảm, là những điều được dự báo.
(5) Khắc phục bất cập trong quản lý nhà nước, đổi mới mô hình phát triển, là những biện pháp ứng phó phi công trình, và là điều kiện tiên quyết để đồng bằng sông Cửu Long đi tới.

Gs.TsKH. Nguyễn Ngọc Trân