15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể

Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực

- Thứ Năm, 10/10/2019, 08:21 - Chia sẻ
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18.03.2002 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, Khóa IX (Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), bức tranh KTTT, hợp tác xã (HTX) đã có bước phát triển ổn định. Tuy vậy, trong bối cảnh mới, để thúc đẩy HTX phát triển, một trong những giải pháp căn cơ là phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực.

Thu nhập bình quân lao động đạt 36,6 triệu đồng

 Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của khu vực KTTT, nòng cốt là HTX trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, đặc biệt kể từ khi có Luật HTX năm 2012, bức tranh KTTT bao gồm tổ hợp tác và HTX đã phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài.

Tại cuộc họp báo Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng qua, Cục trưởng Cục Phát triển HTX Nguyễn Văn Đoàn minh chứng bằng những con số thuyết phục. Cụ thể, hiện cả nước có hơn 101.000 tổ hợp tác, thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia. Doanh thu bình quân của mỗi tổ hợp tác là 408 triệu đồng, tăng 75,7%; lãi bình quân là 61,2 triệu đồng/năm, tăng 127,5%; thu nhập bình quân của 1 lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 26 triệu đồng/năm, tăng 21% so với năm 2003.

Đối với HTX, cả nước hiện có 22.861 HTX, tăng khoảng 59% so với năm 2003. Trong đó, có khoảng 57% HTX hoạt  động hiệu quả. Năm 2018, doanh thu bình quân của 1 HTX đạt 4,4 tỷ đồng, tăng 3,6 tỷ đồng (gấp khoảng 5,2 lần); lãi bình quân đạt khoảng 240 triệu đồng/năm, tăng 225%; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 36,6 triệu đồng, cao gấp 133% so với thời điểm 2003…

Nhìn vào những con số tăng trưởng này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho rằng “đây là những dấu hiệu đáng mừng, cho thấy KTTT, HTX đang phục hồi và phát triển đúng hướng”.


Toàn cảnh họp báo Ảnh: Đan Thanh

 Dự kiến, chiều ngày 14.10 tới, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà  Nội) sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Buổi sáng cùng ngày, Bộ Kế  hoạch và Đầu tư phối hợp Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức  Diễn đàn Kinh tế hợp tác và hợp tác xã năm 2019 với chủ đề “Cơ chế chính sách thúc đẩy và khơi thông tiềm năng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã”.

Hợp tác xã phải tự đổi  mới

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều HTX, liên hiệp HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực HTX còn hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, một số HTX thực hiện đăng ký lại còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh còn thụ động. Sự liên kết, hợp tác giữa các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp HTX chưa được phát huy. Công tác kế toán, tài chính của HTX chưa được thực hiện nghiêm túc, bài bản, do đó chế độ báo cáo của HTX chưa thường xuyên. Việc xây dựng báo cáo tài chính, phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Trong bối cảnh đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, đi kèm với đó là nhu cầu nội địa ngày càng tăng, cùng với đó là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với trọng tâm là phát triển kinh tế số, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đây vừa là cơ hội song cũng là thách thức để khu vực KTTT, HTX có thể mở rộng vai trò sang các lĩnh vực phi truyền thống. Theo đó, các HTX cần đóng vai trò tích cực, kết nối và mở rộng hợp tác, tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế thành viên và các chủ thể khác nhằm nâng cao chuỗi giá trị. Muốn vậy, các HTX cần phải tự đổi mới nhằm đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nền kinh tế thị trường.

Là một trong những HTX kiểu mới (thành lập sau khi Luật HTX năm 2012  được ban hành), HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đang là một trong những điểm sáng trong hoạt động. Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, Chủ tịch HĐQT HTX Lê Thị Hương cho biết, Luật HTX năm 2012 đã thay đổi căn bản  nhận thức thành viên HTX. “Nếu như trước đây, HTX đại diện cho hộ sản xuất thì nay không còn đại diện nữa”. Đồng thời, ban quản trị cũng đã ý thức hơn về vấn đề thị trường, đưa khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất, cơ giới hóa khép kín từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy lúa... Nhờ đó, chi phí tiền công trên mỗi sào ruộng đã giảm một nửa, từ khoảng 1 triệu đồng/sào nay chỉ còn khoảng 450.000 đồng. “Bây giờ, nông dân chỉ việc ra đồng bón phân thôi, còn lại mọi việc đều đã có máy”, bà Hương hồ hởi.

Tuy vậy, đại diện HXT này thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Theo đó, muốn phát triển, HTX cần được đầu tư chỗ làm việc. Đồng thời, cần đầu tư cho nông dân hệ thống mương máng, đường nội đồng để thuận lợi trong việc  tưới tiêu, vận chuyển. Mặt khác, cần có thêm những chính sách  để các HXT cũng như nông dân được vay vốn với lãi suất thấp. Song, “quan trọng nhất vẫn là con người”. “Hiện, việc thu hút người trẻ vào làm việc trong các HTX rất khó, chưa nói đến người trẻ được đào tạo. Trong khi đó, cán bộ HXT hầu như chỉ có kinh nghiệm sản xuất nên hạn chế nhiều mặt, nhất là những kiến thức về thị trường. Do đó, cần có chính sách quan tâm đào tạo để cán bộ trẻ về làm việc ở các HTX. Chỉ khi đó, các HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng mới thực sự phát triển”, bà Lê Thị Hương nói.

Vũ Thủy