Ưu tiên nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia

- Thứ Sáu, 21/08/2020, 09:03 - Chia sẻ
Qua giám sát về xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và việc cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông công lập trên địa bàn Thủ đô, đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cho rằng Hà Nội cần khắc phục những tồn tại trong quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trường chuẩn quốc gia để có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong tình hình mới.

Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chưa đồng đều ở các cấp học

Theo đánh giá của đoàn giám sát Ban VH - XH HĐND thành phố: Trong những năm qua, Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là một nội dung trọng tâm. Qua giám sát thực tế của Ban VH - XH cho thấy kết quả việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đã từng bước thay đổi diện mạo trường học, các trường đạt chuẩn cơ bản có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, là môi trường học tập tốt cho học sinh Thủ đô. Đồng thời, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, các trường chuẩn quốc gia có bộ máy tổ chức hoàn thiện, bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, cơ cấu bảo đảm; chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà được nâng lên qua từng năm... "Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại thì tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đã hoàn thành vượt mức so với Nghị quyết HĐND thành phố đề ra" - Trưởng ban VH - XH HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Về công tác cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố từ năm 2012 đến nay, đoàn giám sát cho rằng những năm qua, quy mô trường lớp của thành phố ngày càng phát triển, mở rộng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2012 đến tháng 5.2020, Hà Nội đã xây mới được 641 trường công lập các cấp, vượt yêu cầu so với mục tiêu xây mới 439 trường theo Nghị quyết của HĐND thành phố; cải tạo được 3.579 trường học công lập các cấp...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đoàn giám sát Ban VH - XH cho rằng công tác xây dựng, công nhận trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia chưa đồng đều ở các cấp học, các địa bàn. Đồng thời, số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 của toàn thành phố chưa nhiều, trong khi số lượng trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia đã quá 5 năm cần công nhận lại rất lớn. "Đáng chú ý, một số trường chuẩn quốc gia gặp khó trong việc bảo đảm, duy trì các tiêu chí, tiêu chuẩn. Điển hình như việc các trường thuộc khu vực nội thành có sỹ số học sinh/lớp cao vượt quá điều lệ trường học" - ông Nguyễn Thanh Bình dẫn chứng.

 

 

Đề xuất được trường học khu vực nội thành được phép nâng tầng

Theo Trưởng ban VH - XH HĐND thành phố, nguyên nhân dẫn tới những tồn tại nêu trên một phần do các tiêu chuẩn, tiêu chí về trường đạt chuẩn quốc gia do Trung ương quy định có nhiều thay đổi, một số tiêu chí rất khó khăn để thực hiện trong điều kiện của các thành phố lớn, đặc biệt là đối với khu vực nội thành Hà Nội. Trong khi đó, năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác đầu tư sửa chữa, mua sắm cho các trường xây dựng chuẩn quốc gia. Việc xây dựng một số dự án xây mới, cải tạo, sửa chữa trường học chậm tiến độ có một phần nguyên nhân cho việc thẩm định hồ sơ xây dựng, hồ sơ PCCC thời gian còn dài, bất cập... "Đặc biệt, có một số trường chưa chủ động duy trì và phát huy kết quả sau khi được công nhận trường chuẩn quốc gia, chưa thực sự tích cực trong việc tiếp tục cải tiến và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục" - đoàn giám sát Ban VH - XH đánh giá.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, Ban VH - XH HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố cần chỉ đạo rà soát, cập nhật, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đồng thời, thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu cơ chế với Bộ Xây dựng, cơ quan PCCC nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cho phép nâng tầng xây dựng các trường học trong khu vực nội thành. Ngoài ra, thành phố cần có giải pháp quyết liệt, yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện đầu tư xây dựng trường học tại các khu đô thị; ưu tiên dành quỹ đất đối với các công trình phải di dời khỏi nội đô để xây dựng trường học...

Về phía các sở ngành, UBND các quận huyện, đoàn giám sát đề nghị sớm rà soát toàn bộ các trường chuẩn quốc gia trên địa bàn Thủ đô, đối chiếu các quy định mới để tham mưu cho thành phố các kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cho giai đoạn tiếp theo.

Nguyên Khôi