Nhịp cầu

Ưu tiên phòng chống dịch

- Thứ Năm, 30/05/2019, 07:54 - Chia sẻ
Cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, chăn nuôi lợn là một trong những ngành mũi nhọn trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Song những ngày qua, ngành chăn nuôi của tỉnh đang phải gồng mình đối phó với dịch tả lợn châu Phi.

Theo thống kê, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 10 huyện, thành phố với hơn 200 xã, phường, thị trấn, số lợn bị tiêu hủy chiếm khoảng 10% tổng đàn (khoảng 100.000 con). Hiện, toàn tỉnh có hơn 822.000 con lợn đang đứng trước nguy cơ đe dọa của dịch bệnh. 

Dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ đã khiến người dân bất an về những hệ lụy không chỉ về mặt kinh tế mà còn về vấn ô nhiễm môi trường, trong đó, đáng lo lại nhất là môi trường nước và không khí. Lợn chết nhiều, thay vì phải tiêu hủy theo đúng quy trình, nhiều địa phương người dân lựa chọn cách chôn lấp tạm bợ, hoặc thả trôi các sông và kênh mương như ở Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lục Nam, Việt Yên. Ông Nguyễn Văn Thanh, người dân thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương (huyện Hiệp Hòa) phán ánh: Dọc dòng kênh tưới 1A nhiều ngày phải chịu mùi hôi thối do lợn chết vứt xuống lòng kênh. Có ngày, dòng kênh xuất hiện cả chục xác lợn, người dân phải cùng nhau vớt lên chôn. Những người dân ở xã Tân Liễu, thị trấn Neo (huyện Yên Dũng) phải huy động lực lượng vớt xác lợn ở sông Thương đem đi chôn. 

Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho biết: Sau khi nhận được phản ánh từ cơ sở, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung cao nguồn nhân lực, vật lực để đối phó với dịch bệnh. Tỉnh cũng đã thẳng thắn phê bình các huyện: Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn đã để dịch bệnh bùng phát mạnh và yêu cầu các địa phương này phải ưu tiên nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mặc dù đã chủ động với kịch bản trước khi có dịch và khi xảy ra dịch để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi tốc độ lây lan nhanh, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh hạn chế, chủ yếu là phòng bằng vôi bột và phun hóa chất. Thời gian chống dịch dài, địa bàn rộng, có địa phương còn chủ quan, lơ là, buông lỏng, có thời điểm lợn ốm, chết nhiều dẫn đến không kịp thời xử lý, chôn hủy đã khiến người dân và dư luận bức xúc.

Nhằm sớm kiểm soát, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: UBND tỉnh đã yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung cao công tác phòng chống dịch, kịp thời khắc phục tình trạng lơ là, chủ quan, buông lỏng ở một số địa phương (nhất là đối với cấp xã); làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và người chăn nuôi, khi có lợn ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương để tiêu hủy, tuyệt đối không vứt xác lợn chết ra môi trường. Huy động các lực lượng trên địa bàn (các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ...) tham gia công tác phòng, chống dịch để kịp thời phát hiện, xác minh lợn ốm chết, thiết lập hồ sơ pháp lý và tổ chức việc tiêu hủy theo đúng quy định, thực hiện ngay trong vòng 12 giờ kể từ khi nhận được tin báo và phát hiện lợn bệnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Đặc biệt là tình trạng để người dân vứt xác lợn ra môi trường; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Vũ Oanh