Ủy ban Đối ngoại giám sát tại Ninh Thuận

- Thứ Sáu, 09/08/2019, 19:32 - Chia sẻ
Sáng 9.8, tại Ninh Thuận, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận.

Biến đổi khí hậu gây nhiều thời tiết cực đoan làm gia tăng tình trạng nắng nóng, hạn hán kỷ lục, mưa lũ trên địa bàn Ninh Thuận. Năm 2004 - 2005, Ninh Thuận xảy ra hạn lịch sử, gây thiệt hại khoảng 165 tỷ đồng; năm 2014 - 2016 “hạn chồng hạn” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gây thiệt hại hơn 1.347 tỷ đồng; năm 2018 lũ lụt gây thiệt hại 300 tỷ đồng.

Từ năm 2009 đến nay, Ninh Thuận đã tham gia 6 điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và 1 hiệp định dự án ký kết với ngân hàng phát triển châu Á nhằm triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, nhiều công trình được triển khai thực hiện từ công tác phối hợp, tài trợ của các tổ chức quốc tế mang lại kết quả khả quan, điển hình là Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu”.


Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận

Từ những dự án cụ thể như trên, việc triển khai thực hiện điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên đã phát huy hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân Ninh Thuận.

Đề xuất với Đoàn giám sát, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, thúc đẩy nhanh các thủ tục ký kết điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các dự án sẽ triển khai trên địa bàn Ninh Thuận. Cụ thể là dự án phát triển đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí khậu do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ; dự án chống hạn, kè chống xói lở, ngập lụt - ứng phó biến đổi khí hậu do AFD tài trợ. Ninh Thuận cũng đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm giải quyết vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư để triển khai nhanh các dự án.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương đánh giá cao nỗ lực của Ninh Thuận trong việc thực hiện các dự án liên quan đến điều ước quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù địa phương còn nhiều khó khăn, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, nhưng nhiều dự án được tỉnh thực hiện đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong việc chống biến đổi khí hậu. Ví dụ như Dự án “Mô hình thủy lâm kết hợp, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng”; Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu”, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA…

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ còn diễn biến phức tạp, do đó Ninh Thuận cần tập trung hơn thực hiện có hiệu quả các dự án liên quan đến điều ước quốc tế mà tỉnh đang triển khai. Đồng thời, cần sớm có phương án tập trung nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa, điều tiết nước, sử dụng hiệu quả nguồn nước gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; nâng cao nâng lực, dự báo tình tình biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó có hiệu quả.

Tin và ảnh: Trần Hằng