Ủy ban Pháp luật thẩm tra 8 đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

- Thứ Bảy, 16/11/2019, 15:25 - Chia sẻ
Ngày 16.11, Ủy ban Pháp luật đã họp Phiên toàn thể lần thứ 23, để thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 của các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Thuận.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của QH; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ; lãnh đạo UBND các tỉnh…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình và Đề án về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 của các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên và Bình Thuận. Theo Tờ trình của Chính phủ, Hòa Bình thực hiện sắp xếp với 2/11 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị), sắp xếp 106/210 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 59 đơn vị). Bắc Giang không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp, thực hiện sắp xếp 40/230 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 21 đơn vị). Tương tự, Thái Nguyên cũng không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp, song chỉ thực hiện sắp xếp với 4/130 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 2 đơn vị). Điện Biên thực hiện điều chỉnh địa giới với 2/10 đơn vị hành chính cấp huyện; sắp xếp 6/127 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 1 đơn vị). Đặc biệt, Bình Thuận không có đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp nhưng đã chủ động thực hiện sắp xếp 6 đơn vị cấp xã, giúp giảm 3 đơn vị.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp. 

Trình bày Báo cáo tóm tắt ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật về các đề án nêu trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng, các Đề án đều đã được lấy ý kiến cử tri, của HĐND ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp, với tỷ lệ tán thành cao. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ và chính quyền địa phương các tỉnh giải trình, làm rõ một số nội dung.

Đối với Hòa Bình, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc tiếp tục duy trì thị trấn Kỳ Sơn thuộc thành phố Hòa Bình (sau khi sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào) không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Ngoài ra, đối với việc điều chỉnh địa giới hành chính của xã Dân Chủ, Thống Nhất và phường Chăm Mát để thành lập hai phường mới không thể áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 653 của UBTVQH về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, vì chỉ có thể nhập lại thành hai xã, không thể tách ngược lại thành hai phường như đề xuất của Chính phủ và địa phương.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Điện Biên lý giải về phương án đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị tại thành phố Điện Biên Phủ phù hợp với phạm vi đô thị sau khi sáp nhập. Bởi thành phố này sau khi được mở rộng có diện tích tự nhiên tăng gấp 5 lần, quy mô dân số tăng 1,3 lần so với hiện tại. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhận thấy, việc điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số xã Thanh Luông và Than Hưng thuộc huyện Điên Biên vào hai phường của thành phố Điện Biên Phủ không làm giảm số lượng đơn vị hành chính, nên không đưa ra trong lần này.

Đối với việc sắp xếp các xã, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, có nhiều đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Khi sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính ở đô thị chưa nêu rõ phương án, giải pháp đầu tư, phát triển đô thị trong tương lai để các đô thị mới được thành lập đạt tiêu chí đề ra. Đồng thời, lý giải việc chọn tên gọi của một số đơn vị hành chính mới thành lập do không trùng với tên đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc lấy một tên gọi hoàn toàn mới.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản đồng tình với ý kiến của Thường trực Ủy ban. Một số ý kiến băn khoăn khi nhiều đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, vì khi hình thành đơn vị hành chính mới đã gây xáo trộn hoạt động của chính quyền địa phương, ảnh hưởng đến đời sống người dân, mà vẫn chưa đạt hết các tiêu chí, có nguy cơ phải tiếp tục sắp xếp. Một số đại biểu cũng lưu ý, Chính phủ và chính quyền địa phương các tỉnh cần quan tâm xử lý bài toán đầu tư nông thôn mới khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính, nhất là khi sáp nhập giữa đơn vị đã hoàn thành và chưa hoàn thành. Tại các đơn vị hành chính thành lập mới có tiếp tục ghi nhận kết quả đã thực hiện được hay không? Trách nhiệm thực hiện, biện pháp nào để hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở địa bàn chưa hoàn thành sau khi được sáp nhập?

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn và đại diện UBND tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang đã giải trình ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, thành viên Ủy ban. Qua nghe giải trình, bước đầu, Ủy ban Pháp luật tán thành trình các Tờ trình và Đề án của các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên và Bình Thuận ra UTVQH tại phiên họp trong tuần tới. Tờ trình và Đề án của tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục hoàn thiện, trong đó chú ý xây dựng hồ sơ chuyển huyện Kỳ Sơn thành phường, xóa bỏ thị trấn Kỳ Sơn. Nếu Chính phủ và chính quyền địa phương chuẩn bị kịp sẽ trình ra UBTVQH cho ý kiến trong tuần tới, ngược lại sẽ để lùi sang phiên họp trong tháng 12.2019.

Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm có tờ trình về việc thành lập tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân ở các đơn vị hành chính mới thành lập sau khi sáp nhập.

Phương Thủy