Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương

Ủy quyền vấn đề cần thiết, cụ thể

- Thứ Hai, 13/05/2019, 07:34 - Chia sẻ
Để việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp kịp thời, bảo đảm hợp pháp, phù hợp với các quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền và điều kiện thực tế địa phương, cần bổ sung quy định HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND cùng cấp giải quyết một số vấn đề cụ thể, cần thiết phát sinh giữa hai kỳ họp, để tạo sự linh hoạt, chủ động trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương.

Bất cập và thiếu đồng bộ

Giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh là nhiệm vụ rất quan trọng thường xuyên của Thường trực HĐND tỉnh. Thực hiện tốt công tác này sẽ giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương phát sinh giữa hai kỳ họp; tạo điều kiện thuận lợi và giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh thông suốt, kịp thời, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn đặt ra tại địa phương.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương và văn bản hướng dẫn thực hiện không giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND tỉnh trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Cụ thể, Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 ngày 30/01/2019 của UBTVQH chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND là đề xuất, chuẩn bị kỳ họp, tổ chức giám sát và một số công việc khác của Thường trực HĐND (Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 ngày 30.1.2019 của UBTVQH hướng dẫn một số hoạt động của HĐND quy định “Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND thì Thường trực HĐND tự mình hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND quyết định triệu tập kỳ họp bất thường của HĐND để xem xét, quyết định...”).


Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị giao ban với Thường trực HĐND các huyện, thành phố lần thứ 5 tại huyện Phù Cừ
Ảnh: Bách Hợp

Trong khi đó, một số luật và văn bản quy phạm chuyên ngành có giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND tỉnh, cụ thể: Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2014 quy định: Phương án sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách; phân bổ, điều chỉnh ngân sách nhà nước; phân bổ chi tiết các khoản chi; quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công (đối với dự án nhóm B và nhóm C trọng điểm)… Tuy nhiên, Điều 3 Nghị định 120/2018/NĐ-CP ngày 13.9.2018 đã bãi bỏ quy định giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND cùng cấp xem xét, cho ý kiến, quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công…

Như vậy, việc quy định thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh chưa được làm rõ, đầy đủ và thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật; rất khó cho việc áp dụng và thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là những nhiệm vụ cấp bách. Bên cạnh đó, việc thực hiện của các địa phương cũng không thống nhất, mỗi địa phương áp dụng một văn bản khác nhau.

Tạo linh hoạt, chủ động trong quản lý, chỉ đạo, điều hành

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, trên cơ sở các quy định của pháp luật và tình hình thực tế địa phương, HĐND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết về việc ban hành Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh; Quy chế làm việc của Thường trực HĐND tỉnh. Đây là 2 văn bản quan trọng để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật trên địa bàn, giống như nhiều tỉnh, thành bạn. Các quy chế đó ban hành theo hướng cải cách hành chính, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp trên cơ sở đúng quy định pháp luật về nội dung, thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh.

Việc xem xét, cho ý kiến, quyết định kịp thời các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, của các cấp, các ngành ở địa phương; thậm chí có những vấn đề kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, nếu chậm có thể ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết những vấn đề bức xúc của cử tri và người dân. Mỗi năm, Thường trực HĐND tỉnh thường xử lý khoảng 50 - 60 văn bản đề nghị của UBND tỉnh, nội dung tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Giao bổ sung dự toán NSNN, phân bổ chi tiết kinh phí Chương trình MTQG, thông qua danh mục dự án thu hồi đất lúa dưới 10ha hàng năm; danh mục, định mức máy móc thiết bị chuyên dùng, xe ô tô chuyên dùng, diện tích nhà làm việc chuyên dùng…

Về trình tự thực hiện, sau khi nhận được báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh, Thường trực HĐND phân nhóm những nội dung thuộc thẩm quyền, nội dung cấp thiết phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương; giao các ban HĐND liên quan thẩm tra, báo cáo tại Hội nghị Thường trực HĐND tỉnh. Hầu hết các nội dung UBND tỉnh trình đều có văn bản thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nên việc thẩm tra, quyết định của Thường trực HĐND cũng thuận lợi hơn. Tại Hội nghị Thường trực HĐND tỉnh có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan trực tiếp. Vì vậy, các nội dung được cơ quan trình (UBND tỉnh, các sở trực tiếp tham mưu nội dung) giải trình làm rõ, các đại biểu dự họp bàn bạc dân chủ khách quan, bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể, khách quan, công tâm của các đại biểu dự họp, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận. Sau hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh ban hành văn bản gửi UBND tỉnh để kịp thời triển khai thực hiện, đồng thời giao Văn phòng tổng hợp để báo cáo với HĐND tại kỳ họp gần nhất.

Nhìn chung, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên xử lý kịp thời những văn bản báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh theo thẩm quyền giữa hai kỳ họp, tạo điều kiện để UBND, các cấp, các ngành kịp thời triển khai thực hiện; tháo gỡ khó khăn trong quản lý, điều hành; góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng tình, từ đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Vì vậy, để việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp kịp thời, nội dung quyết định bảo đảm hợp pháp, phù hợp với các quy định và điều kiện thực tế địa phương; khắc phục những bất cập, thiếu đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật như đã nêu ở phần trên, cần thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng bổ sung quy định: HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND cùng cấp giải quyết một số vấn đề cụ thể, cần thiết phát sinh giữa hai kỳ họp, để tạo sự linh hoạt, chủ động trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương.

Đỗ Xuân Tuyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên