Mở rộng độ bao phủ tham gia bảo hiểm xã hội

Ủy thác thu, nên chăng?

- Thứ Hai, 28/10/2019, 08:15 - Chia sẻ
Một trong những mục tiêu tổng quát về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được đề cập tại Nghị quyết Trung ương 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII là “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân”. Tuy nhiên, hiện nay việc mở rộng độ bao phủ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) gặp không ít khó khăn, nhất là với khu vực phi chính thức.

Số người tự nguyện tham gia còn khiêm tốn

Báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, số người tham gia BHXH tự nguyện tính đến tháng 9.2019 đạt hơn 463 nghìn người, tăng hơn 185 nghìn người so với 2018. Mặc dù số người tăng lớn so với những năm trước, nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện còn khiêm tốn. Chia sẻ về những khó khăn trong việc mở rộng diện bao phủ tham gia BHXH tự nguyện, Phó Trưởng ban Thu (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) Đinh Duy Hùng cho rằng, để người dân tham gia BHXH tự nguyện thì người dân cần biết chính sách, ý nghĩa của chính sách, quyền lợi của họ khi tham gia BHXH tự nguyện. Thí dụ, chính sách lương hưu, chính sách quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT) khi hưởng lương lưu, mức đóng, số tiền phải đóng, cách thức thực hiện… Rõ ràng, hiểu biết về chính sách BHXH cũng như cách tổ chức thực hiện còn có bất cập.

Trong khi đó, việc rà soát đơn vị, doanh nghiệp, người lao động chưa đóng, trốn đóng BHXH, BHYT chưa được đầy đủ, thường xuyên. Theo dữ liệu của cơ quan thuế, năm 2018 có 204.720 đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT và 256.819 đơn vị chưa tham gia đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động với số lao động, cá nhân có thu nhập cần phải rà soát khoảng trên 3,5 triệu người (số liệu cơ quan thuế cung cấp khoảng 18 triệu lao động, cá nhân có thu nhập, nhưng cơ quan BHXH mới đang quản lý thu BHXH, BHYT bắt buộc trên 14,4 triệu người). Lao động là người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có trên 500.000 người, nhưng mới chỉ có trên 6.000 người đang tham gia BHXH bắt buộc, chiếm khoảng 1,2% số người thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Người lao động Việt Nam làm việc tại các cơ quan nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam khó khăn trong việc tiếp cận chính sách và tham gia đóng BHXH, BHYT...

Làm rõ cơ chế thực hiện

Việc ủy thác thu được nghiên cứu hướng tới mục tiêu chung là đa dạng hóa các phương thức thu BHXH, BHYT để phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn cũng như mở rộng đối tượng tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 125/NQ-CP, bảo đảm thu BHXH đúng, đủ, kịp thời, minh bạch, giảm thiểu tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH. Điều này cũng góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý, giúp BHXH tập trung vào tăng cường, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHYT và giảm nợ đọng.

Có thể thấy, để đạt mục tiêu mà nghị quyết Trung ương 7 đặt ra là 1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện vào năm 2021 và 2,5% vào năm 2025 là một nhiệm vụ không hề đơn giản, cần phải thể hiện quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đối với công tác này. Tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu vấn đề ủy thác thu BHXH, do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện nhiều địa phương cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định cụ thể trách nhiệm từng cơ quan trong thực hiện BHXH, nhưng để bảo đảm thực hiện cần có sự chỉ đạo của Thủ tướng, để có cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin, quy định rõ nhiệm vụ của các đơn vị thông qua việc ủy thác thu BHXH và không cần thực hiện thí điểm. Bởi từ trước đến nay cơ quan BHXH đã triển khai thực hiện, nhưng chưa có cơ chế. Khu vực ngoài quốc doanh dường như rất khó kiểm soát số người tham gia BHXH.

Ngày 8.10.2018, Chính phủ có Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Trong đó, đã giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu vấn đề ủy thác thu BHXH để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, lập Tổ nghiên cứu “Vấn đề ủy thác thu BHXH” để triển khai nghiên cứu các nội dung về ủy thác thu aBHXH, BHYT, các căn cứ pháp lý, cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế về ủy thác thu…

Đánh giá việc xây dựng đề án ủy thác, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh già hóa dân số nhanh, nhóm người dân trong độ tuổi lao động tham gia BHXH chưa đạt mục tiêu kỳ vọng; tình trạng nợ đọng BHXH vẫn còn, thì việc triển khai ủy thác thu BHXH rất cần thiết, nhằm đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Việc huy động sự tham gia của các tổ chức dịch vụ công ích trong thực hiện nhiệm vụ thu BHXH, BHYT là một xu hướng hiện đại để BHXH tập trung vào các nhiệm vụ khác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, bảo đảm an toàn Quỹ BHXH. Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo cần làm rõ kết quả đạt được khi triển khai ủy thác thu BHXH; cần thống nhất, đồng bộ với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội; bảo đảm tính pháp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhiệm vụ đặt ra… Đặc biệt tính liên kết dữ liệu giữa cơ quan quản lý và đơn vị được ủy thác thu để phục vụ tốt công tác quản lý BHXH.

Bảo Anh