Vá “lỗ hổng” quản lý

- Thứ Tư, 19/08/2020, 08:43 - Chia sẻ
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, từ đầu năm đến nay xảy ra 7 vụ tai nạn hàng hải, trong đó có tới 4 vụ do đâm va giữa tàu hàng với tàu cá (chiếm hơn 57%). Ngoài một phần do nguyên nhân là thời tiết xấu làm giảm tầm nhìn, hầu hết là do yếu tố chủ quan của con người.

Đơn cử, trường hợp tai nạn xảy ra ngày 9.6 giữa tàu chở khí đốt Annie Gas 09 và tàu cá TH 90282 TS tại khu vực cách phao số 0 Hải Phòng 43 hải lý về phía Nam Đông Nam đã khiến 5 ngư dân tử vong. Hiện, nguyên nhân vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ, song kết quả bước đầu phân tích cho thấy, yếu tố chủ quan của con người đang là nguyên nhân hàng đầu như sự thiếu hiểu biết của thuyền viên tàu cá khi không rõ quy định pháp luật, không rõ vùng biển đang hoạt động, cũng như các quy tắc giao thông trên biển.

Phức tạp hơn đường bộ, tai nạn trên biển thường gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, gây ô nhiễm môi trường biển. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 104.000 người được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề trên tổng số hơn 552.000 lao động trực tiếp trên tàu cá (chiếm tỷ lệ chưa tới 19%). Chưa kể, năng lực chuyên môn của một bộ phận thuyền viên tàu hàng hiện cũng chưa đáp ứng được vị trí công tác, dù hơn 40.000 thuyền viên tàu biển đã được cấp giấy chứng nhận chuyên môn, nhưng trình độ và kỹ năng chuyên môn khác nhau nên khả năng xử lý, phán đoán và giải quyết các tình huống trên biển cũng rất khác nhau.

Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn của tàu khi hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, các trang thiết bị trên tàu hàng ngày càng hiện đại, phương thức thông tin liên lạc ngày càng tối tân, một bộ phận quá phụ thuộc vào các trang thiết bị mà lơ là các kỹ năng cơ bản. Trong khi đó, các chuyến đi biển thường dài ngày, gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi khiến người điều khiển phương tiện khó tránh khỏi sự mất tập trung khi làm nhiệm vụ.

Việc từ trước tới nay, thuyền viên tàu cá đi biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và học theo kiểu cha truyền con nối, không được đào tạo bài bản nên thiếu kiến thức về an toàn hàng hải. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng chục nghìn thuyền viên, lái tàu đang hoạt động trên biển mà chưa qua đào tạo; hàng nghìn con tàu đang ra khơi mà chưa được kiểm soát chất lượng. Trên thực tế, kinh nghiệm là rất quan trọng, song đó vẫn chưa đủ để nhận diện và xử lý các tình huống mất an toàn.

Nói cách khác, việc thuyền viên tàu hàng chủ quan, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về an ninh, an toàn hàng hải; cũng như chưa sử dụng triệt để các trang thiết bị trên tàu như rada, còi tàu để cảnh giới, phát hiện mục tiêu; đồng thời chưa đánh giá đầy đủ nguy cơ đâm va; không tuân thủ nghiêm các quy định khi tàu hành trình trong điều kiện thời tiết xấu… chính là những “lỗ hổng” trong quản lý, kiểm soát người lái, khiến nguy cơ tai nạn luôn rình rập trên mỗi hải trình.

Với hơn 96.600 tàu cá hoạt động trên biển, nhưng phần lớn là tàu vỏ gỗ, công nghệ lạc hậu, thiếu các thiết bị cảnh báo và đều trong trạng thái đã sử dụng nhiều năm. Trong đó, hơn một nửa số này thuộc diện phải đăng kiểm định kỳ, còn gần 47.000 tàu không thuộc diện đăng kiểm; cùng đó là 81% lao động trực tiếp trên tàu cá chưa qua đào tạo và cấp chứng chỉ đã cho thấy sự nghiêm trọng trong nhận thức và kỹ năng của người lái phương tiện, trong các chính sách quản lý an toàn hàng hải.

Do vậy, để chấn chỉnh trước khi có thêm các tai nạn tiếp theo, cần khẩn trương “vá” lại những “lỗ hổng” trong việc kiểm soát phương tiện và người lái. Bởi, sự thiếu an toàn dù đến từ yếu tố con người hay phương tiện giao thông, cũng bắt nguồn từ khâu quản lý.

Hiểu Lam