Vá lỗ hổng xuất nhập cảnh

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 05:51 - Chia sẻ
Thực trạng người nước ngoài nhập cảnh chui, cư trú chui ở Việt Nam không phải là mới, nhưng sự việc đã trở nên đặc biệt nhạy cảm giữa bối cảnh tái xuất hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Vì sao khi phát hiện ổ dịch mới, chúng ta mới truy dấu vết và phát hiện số ổ nhóm nhập cảnh và cư trú chui nhiều đến vậy? Tại sao phải chờ “ra quân” mới gõ cửa từng nhà để kiểm tra cư trú trong khi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục?

Việc quản lý người nước ngoài tại Việt Nam hiện thực hiện như thế nào mà để những đối tượng này đi sâu vào nội địa, qua nhiều tỉnh, thành phố mà không được kiểm soát, cách ly, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Từ việc phát hiện đường dây đưa 52 người tại Đà Nẵng, 21 người tại Quảng Nam nhập cảnh trái phép, cơ quan chức năng các tỉnh, thành khác cũng đã liên tục phát hiện nhiều ổ nhóm tương tự tại địa phương mình. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn thừa nhận “có lỏng lẻo trong quản lý” và cần phải “khắc phục kịp thời lỗ hổng xuất nhập cảnh”. Tất cả các đối tượng người nước ngoài nhập cư chui đều bị đưa đi cách ly tập trung, chờ ngày xử lý theo pháp luật. Nhưng những hành động này rất có thể đã làm cho nỗ lực của hàng triệu người đổ ra chống dịch Covid-19 phá sản.

Thực tế, việc cư trú chui, lao động chui đã diễn ra từ nhiều năm trước. Năm 2019, vụ việc gần 400 người nước ngoài lưu trú, vận hành đường dây đánh bạc nghìn tỷ tại khu đô thị Our City (quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) trong đó chỉ có 19 người đăng ký tạm trú, còn lại là cư trú chui là một ví dụ điển hình. Đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng khu đô thị này chưa một lần bị kiểm tra hay xử phạt về việc đăng ký tạm trú. Hay trước đó, năm 2018, cũng đã rộ lên tình trạng nhiều địa phương có ngành du lịch phát triển như Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc, người nước ngoài lao động “chui” dưới hình thức đi du lịch, sau đó ở lại làm việc không phép khá phổ biến, nhưng việc kiểm tra và xử lý như “bắt cóc bỏ đĩa” do những bất cập trong cơ chế kiểm tra và quản lý.

Từ những vụ việc trên, câu hỏi đặt ra phải chăng việc quản lý người nước ngoài nhập cảnh, cư trú và lao động vẫn còn những lỗ hổng, thiếu sự kết nối thông tin từ trên xuống dưới để có thể tăng cường việc giám sát, quản lý người nước ngoài? Theo các chuyên gia, việc quản lý người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay có nhiều đơn vị cùng thực hiện như: bộ đội biên phòng, cơ quan xuất nhập cảnh, chính quyền sở tại… nhiều đầu mối nhưng thiếu sự phối hợp. Vì vậy, cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, đồng thời phải có một đầu mối chịu trách nhiệm chính đó là cơ quan quản lý cư trú nói chung, tránh có sự chồng chéo giữa các cơ quan khi xử lý các hành vi vi phạm. Có như vậy, mới kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vi phạm, nhằm quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật đối với người nước ngoài.

Việc thống nhất một đơn vị quản lý là cần thiết nhằm chủ động, sẵn sàng đối phó với các tình huống tiêu cực, xâm hại lợi ích, chủ quyền quốc gia và trật tự xã hội liên quan đến người nước ngoài hay có yếu tố nước ngoài. Bởi lẽ, một số đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích hoạt động phi pháp, thực hiện những hành vi trái pháp luật với quy mô xuyên quốc gia hay gây bạo động lật đổ chính quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị. Do đó, cần gấp rút "vá lỗ hổng" này bằng một hệ thống quản lý thông tin định danh những người nước ngoài lưu trú tại Việt Nam. Danh sách này phải luôn được cập nhật và tự động cảnh báo tới chính quyền địa phương khi có bất kỳ biểu hiện bất bình thường xảy ra như giả định trường hợp có nhiều người nước ngoài cùng quốc tịch, cùng đăng ký lưu trú ở một địa chỉ trong thời gian dài...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, những đối tượng nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép, lao động trái phép tại Việt Nam chính là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự để bảo đảm an ninh, an toàn cũng như phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.

Duy Anh