Phiên họp thứ Ba mươi tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Vẫn có thể áp dụng Công ước số 98 dù chưa sửa Luật Công đoàn

- Thứ Sáu, 10/05/2019, 17:49 - Chia sẻ
Đây là quan điểm của cơ quan thẩm tra nêu trong Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trình bày tại Phiên họp chiều nay, 10.5.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước 98
Ảnh: Quang Khánh

Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước 98 do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày tại Phiên họp nêu rõ, Ủy ban Đối ngoại tán thành với Tờ trình của Chủ tịch Nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ. Ủy ban Đối ngoại nhận thấy, Công ước số 98 không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013. Nội dung Công ước số 98 cơ bản phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, Công ước số 98 không có quy định liên quan đến vấn đề bảo lưu, nếu Việt Nam gia nhập Công ước thì phải chấp nhận toàn bộ nội dung của Công ước. Trong khi đó, theo Tờ trình của Chủ tịch Nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ, nội dung Công ước số 98 liên quan đến các điều luật của Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn năm 2012, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Do vậy, có ý kiến trong Ủy ban Đối ngoại băn khoăn, khi trong dự kiến kế hoạch tổ chức thực hiện Công ước số 98 của ILO mới chỉ đề cập việc sửa đổi, bổ sung với Bộ Luật Lao động, Nghị định số 05/2015, Nghị định số 88/2015 và Nghị định số 95/2013 của Chính phủ mà không đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn. Trong khi một số nội dung quy định giữa các văn bản quy phạm pháp luật này cần được cân nhắc, xem xét nhất là cách hiểu về phân biệt đối xử chống công đoàn giữa Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn năm 2012.

Cụ thể, tại Điều 190 Bộ luật Lao động và Điều 9, Điều 25 của Luật Công đoàn đều chỉ đưa ra các hành vi bị cấm và trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với công đoàn.

Một số Ủy viên UBTVQH cũng có ý kiến về việc sửa đổi các bộ luật, luật, nghị định liên quan để nội luật hóa Công ước số 98, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực thi công ước quốc tế này.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Thúy Anh đặt vấn đề, Công ước số 87 của ILO được ban hành trước, nên về nguyên tắc khi áp dụng Công ước số 98 sẽ phải hiểu khái niệm tổ chức công đoàn theo tinh thần của Công ước số 87. Vậy, có hợp lý không khi chưa đưa việc sửa đổi Luật Công đoàn vào kế hoạch dự kiến thực hiện Công ước số 98, để quy định về thành lập, hoạt động của tổ chức khác bên cạnh tổ công đoàn, phù hợp với tinh thần của Công ước số 87?

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp giải trình về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)  
Ảnh: Quang Khánh

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, trong số các quốc gia đã phê chuẩn Công ước số 98,  cũng có 35 quốc gia chưa phê chuẩn Công ước số 87 của ILO.  “Đối với Việt Nam, kể cả chưa phê chuẩn Công ước số 87 vẫn phải thực hiện bảo vệ đoàn viên công đoàn, có các hành vi tránh sự can thiệp, thao túng của giới chủ đến tổ chức công đoàn… Sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước số 98 không có nghĩa sẽ phải thực hiện ngay việc thực hiện các tổ chức bên cạnh tổ chức công đoàn”.

Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nêu rõ, việc thành lập các tổ chức bên cạnh tổ chức công đoàn chỉ được phép sau khi dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được QH thông qua và các dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung được ban hành.

Phương Thủy