Góc nhìn văn hóa

Văn hóa và bằng cấp

- Thứ Tư, 16/01/2019, 08:02 - Chia sẻ
Tôi vừa được dự liên hoan của gia đình một người quen thân nhân sự kiện vợ chồng đứa con trai út của họ vừa trở về từ Pháp sau nhiều năm du học. Họ đều là tiến sĩ tuy ở hai lĩnh vực khác nhau.

Vợ chồng tiến sĩ nói trên quen biết và yêu nhau rồi nên vợ chồng trên đất Pháp. Họ học qua đại học, tiếp tục học lên thạc sĩ rồi tiến sĩ, tất cả phải tới gần chục năm ở xứ người. Dịp họ tổ chức đám cưới tại Pháp, mọi người ở Việt Nam đã nhận được giấy báo hỷ của hai bên gia đình, nhưng nay mới được mời dự tiệc.

Tôi hân hạnh được chủ nhân mời ngồi cùng mâm với hai nhân vật chính. Không khí thật vui. Bữa tiệc diễn ra trong bầu không khí trang trọng nhưng thân mật, ấm áp và vô cùng lịch sự vì các thành viên bữa tiệc toàn dân trí thức, có mấy nhân vật là VIP lớn mà nói đến hẳn nhiều người biết.

Một chi tiết khá thú vị là bữa tiệc diễn ra trong âm thanh du dương của những bản nhạc cổ điển vừa đủ nghe để mọi người vẫn có thể vừa có thể thưởng thức ẩm thực vừa nói chuyện. Hóa ra chủ nhân có người nhà là một nhạc sĩ, giảng viên ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Không khí, bối cảnh, tình cảm như thế thì lẽ ra phải khiến tôi rất hưng phấn, thấy thú vị. Vậy mà khi ra về, tôi lại cứ phải suy nghĩ mãi về một việc mình đã chứng kiến.

Mở đầu bữa tiệc, người cha của cặp vợ chồng - một giáo sư đã 80 tuổi - nói những lời mang tính chào hỏi, tuyên bố lý do và chúc tụng mọi người. Do quá vui mừng, cao hứng nên ông nói hơi dài, phải tới gần nửa giờ đồng hồ. Có lẽ cũng do bệnh nghề nghiệp. Tôi thấy cả người con trai và con dâu đều lấy điện thoại ra rồi dán mắt vào mà không nghe cha nói, trong khi mọi người đều chăm chú hướng về ông. Rồi đến lúc khai tiệc, mọi người bắt đầu nâng cốc, cặp vợ chồng có vẻ rất gượng gạo mỗi lúc phải đứng lên chạm cốc ai đó. Đến khi bắt đầu cầm đũa thì người vợ tỏ sự chăm sóc, liên tục gắp món ngon cho chồng. Trong mâm có cả cha, mẹ chồng và mẹ đẻ của cô (cha cô đã qua đời), nhưng cô chỉ lo cho chồng mà không để ý đến ba bậc sinh thành. Họ luôn có những cử chỉ âu yếm thật hạnh phúc. Thỉnh thoảng, họ nói tiếng Pháp với nhau. Do cũng nghe được thứ tiếng rất hay này nên tôi thấy đó là những lời phàn nàn về việc mất thời gian do bữa tiệc bị kéo quá dài mà họ thì quý thời gian, chỉ muốn sớm kết thúc…

Rời khỏi bữa tiệc, tôi cứ nghĩ mãi về văn hóa và bằng cấp. Còn gì sang trọng và… oai hơn bằng tiến sĩ ở nước Pháp. Nhưng cũng còn gì mỉa mai hơn khi họ thể hiện những tấm bằng ấy ở quê nhà?

TS. Nguyễn Đình San