Phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

Vẫn nhiều rào cản

- Thứ Ba, 11/08/2020, 08:34 - Chia sẻ
Hiện đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm tăng khả năng giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên gia, việc triển khai chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước về giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật chưa được như mong đợi.

Ít được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ

Luật Người khuyết tật năm 2010 được đánh giá là có nhiều điểm mới mang tính đột phá, bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Theo đó, Luật Người khuyết tật dành một chương quy định về giáo dục đối với người khuyết tật (từ Điều 27 - Điều 32), trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm hòa nhập của người khuyết tật. Đồng thời, Luật này cũng đã quy định cụ thể về phương thức giáo dục người khuyết tật, chính sách hỗ trợ với nhà giáo và nhân viên hỗ trợ người khuyết tật học tập, trách nhiệm của cơ sở giáo dục và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

Để đưa những quy định này vào cuộc sống, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như quy định về thống nhất sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong toàn quốc; nghiên cứu biên soạn tài liệu ngôn ngữ ký hiệu dành cho các cấp học phổ thông, xây dựng các chương trình giáo dục đặc biệt đối với trẻ khuyết tật, đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt...

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện nay trên cả nước có hơn 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và khoảng hơn 100 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục cấp tỉnh đã và đang thực hiện tốt các chức năng cơ bản là tư vấn, hỗ trợ cho giáo viên, phụ huynh học sinh và trẻ khuyết tật, can thiệp sớm, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, cán bộ nhân viên và cộng đồng.

Mặc dù vậy, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo quá trình triển khai còn nhiều bất cập; giữa những chính sách đã được ban hành và thực tiễn triển khai cũng còn có những khoảng cách. Trong đó, đa số người khuyết tật vẫn bị coi như đối tượng cần được bảo trợ và ít được tiếp cận tới các dịch vụ hỗ trợ khác. Khảo sát thực tế ở các địa phương cho thấy, hiện nay nhiều nơi vẫn chưa có trung tâm, trường chuyên biệt hay đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập dành riêng cho học sinh khuyết tật cũng không có giáo viên được đào tạo chuyên sâu về giáo dục trẻ khuyết tật nên việc chăm sóc, dạy dỗ các em còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp trẻ đến trường nhưng khả năng nhận thức kém, quá hiếu động hoặc khả năng nghe kém, gây khó khăn cho giáo viên giảng dạy. 

Giáo viên Trường Tiểu học Đông Mai, TX Quảng Yên, Quảng Ninh dạy học sinh khuyết tật  

Tiếp cận toàn diện

Hiện nay, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục hiện tại không đủ điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật. Giáo viên dạy học sinh khuyết tật còn thiếu các tài liệu hướng dẫn; các thiết bị trợ giúp như xe lăn, máy trợ thính, các phần mềm hỗ trợ, chữ nổi, kính, gậy cho người mù... người khuyết tật phải tự trang bị hoặc được các tổ chức từ thiện tài trợ và thường không có sẵn cho học sinh trong các trường học.

Theo phản ánh từ các địa phương, một trong những nguyên nhân chính là do sự không thống nhất và chồng chéo; thậm chí thiếu quy định hướng dẫn thực hiện. Đơn cử, Thông tư số 42/2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật hướng dẫn về việc nhập học, tuyển sinh, miễn giảm học phí. Đây được xem là quy định tiếp sức cho trẻ khuyết tật đến trường. Tuy nhiên, triển khai chính sách này gặp không ít bất cập do quy định "việc chi trả các chế độ cho học sinh khuyết tật cần có Giấy chứng nhận khuyết tật", nhưng hiện nay còn rất nhiều học sinh khuyết tật chưa có Giấy chứng nhận khuyết tật; dẫn đến không được nhận các chế độ chính sách về bảo trợ xã hội và chính sách hỗ trợ giáo dục.

Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến việc học sinh không được cấp Giấy chứng nhận là do Hội đồng xác định khuyết tật cấp xã không có thành phần làm công tác giáo dục và bộ công cụ xác định dạng tật và mức độ khuyết tật ban hành theo Thông tư liên tịch số 37/2012 quy định về việc xác định mức độ khuyết tật không có những tiêu chí để xác định những dạng tật có khó khăn trong học tập. 

Từ thực tế này, để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện, rà soát lại các văn bản liên quan thì cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác nâng cao nhận thức, phổ biến, hướng dẫn chính sách hỗ trợ về giáo dục người khuyết tật cho tất cả cán bộ, giáo viên, người khuyết tật và cộng đồng. Để làm được điều này, giáo dục phải là ngành tiên phong xây dựng những chiến lược để củng cố và phát triển hệ thống hỗ trợ giáo dục của ngành từ nay đến ít nhất là năm 2025. Theo nhiều chuyên gia, các chiến lược này nên tập trung vào việc cung cấp dịch vụ toàn diện, đa dạng để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của người khuyết tật, phát triển dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ tại cộng đồng, đặc biệt tập trung vào việc phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật... 

Thái Yến