Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp

- Thứ Hai, 07/04/2014, 08:30 - Chia sẻ
Trong quá trình phát triển, việc tái cơ cấu một lĩnh vực hay cả nền kinh tế là điều tất yếu để có được một xung lực mới đáp ứng các yêu cầu của tình hình và bối cảnh mới, quốc gia và quốc tế.

Tái cơ cấu nhất thiết phải dựa trên tổng kết, rút kinh nghiệm mặt được, mặt chưa được, tìm ra nguyên nhân của các bất cập yếu kém. Đó là một điều kiện cần để tái cơ cấu thành công. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp không thể là ngoại lệ.

Ngày 10.6.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QÐ-TTg về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây là một nỗ lực lớn của Chính phủ.

Rất tiếc đề án không có phần đánh giá hiện trạng và cũng không có phần tổng kết, phân tích các nguyên nhân, từ bên ngoài và từ bên trong, của những thành tựu và của những tồn tại, bất cập yếu kém. Không có công đoạn này, tôi e rằng tái cơ cấu nông nghiệp sẽ chông chênh, nguy cơ rơi vào vết xe cũ là rất lớn.

Từ ngày ký quyết định ban hành đề án, tính đến nay đã gần một năm. Nhiều đề xuất đã đua nở từ các viện, trường và từ các chuyên gia, có người đã từng ở vị trí lãnh đạo ngành nông nghiệp, đã từng chủ trương “ngọt hóa” để trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long bất kể môi trường, tính khả thi và hiệu quả.

Những tồn tại lớn hiện nay là gì? Theo số liệu thống kê và từ các Bộ, đó là:

+ Xuất khẩu gạo, cà phê và nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam hiện đang đứng hàng đầu thế giới về sản lượng nhưng đứng hàng cuối về giá xuất;

+ Xuất khẩu nông sản, thủy sản tăng trưởng nhanh và liên tục nhưng thu nhập của người nông dân sản xuất ngày càng tụt giảm;

+ Tình hình nông dân bỏ ruộng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Bắc Trung bộ đang có xu hướng tăng về địa bàn cũng như về diện tích;

+ Chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và do sự cạnh tranh của thịt, trứng và sữa nhập khẩu ngày càng cao vì mức thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình của hội nhập;

+ Ở đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất nông nghiệp và thủy sản vẫn là thế mạnh, cung cấp phần quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu và GDP của cả nước, nhưng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản, (và cả công nghiệp, bán lẻ và dịch vụ) so với cả nước có xu hướng giảm trong những năm gần đây; thu nhập bình quân đầu người so với bình quân đầu người cả nước liên tục giảm trong 10 năm qua;

+ Quy hoạch sử dụng đất được Quốc hội thông qua có hiệu lực không cao;

+ Tình trạng thương lái người nước ngoài hoạt động thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản (kể cả những loại khác lạ) tác động tiêu cực đến cả ba khu vực của nền kinh tế, đến đa dạng sinh học và môi trường;

+ Nguồn nhân lực đã qua đào tạo ở nông thôn còn rất thấp, nhất là ở đồng bằng Sông Cửu Long.

Các tồn tại trên đây không biệt lập mà có quan hệ với nhau. Nếu chúng được giải quyết, đề án sẽ có một bệ phóng vững chắc. Cũng có thể nói quả quyết hơn, phải giải quyết được các tồn tại là điều kiện cần để đề án thành công.

Suy nghĩ về nguyên nhân của các tồn tại trong ngành nông nghiệp, hệ thống lại, tôi muốn nhấn mạnh ba nội dung sau đây:

+ Trong mọi hoạt động sản xuất, đầu ra quyết định sự sống còn của sản phẩm. Khi chuẩn y việc thành lập Bộ Công thương, Quốc hội đã thấy phải gắn thương mại dịch vụ với công nghiệp chế biến, chế tạo, và sự gắn kết này phải tạo ra sức hút đối với khu vực sản xuất nông lâm ngư nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho khu vực này. Theo thiển ý của tôi, sự gắn kết này và sức hút mà nó phải tạo ra sau gần 30 năm đổi mới là chưa đạt yêu cầu.

+ Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua, vẫn ngự trị tư duy coi trọng số lượng hơn chất lượnghiệu quả cuối cùng; coi trọng kinh nghiệm sản xuất hơn cơ sở khoa học; vẫn còn đó những quyết định duy ý chí thiếu căn cứ khoa học (ví dụ sản xuất lúa gạo tối đa mà không tính đến môi trường và hậu quả).

+ Đi vào kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế nhưng quản lý nhà nước, theo tôi, chưa theo kịp yêu cầu, từ tư duy (đã nói ở trên) đến hành động. Có hay không sự buông lỏng trong một số khâu trong các ngành và sự thiếu phối hợp giữa các ngành, trước nhất là ngành công thương và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn? Việc tự do hoạt động của thương lái nước ngoài là một minh chứng.

Bài viết này không phải là một bài phản biện đề án. Chỉ xin nêu lên một số suy nghĩ về đề án từ hiện trạng ngành nông nghiệp. 

+ Đề án đề cập đến thị trường, cạnh tranh, xuất khẩu nhưng không tìm được một từ hay ý nào về hội nhập kinh tế trong văn bản.

Xuất khẩu nông sản, thủy sản tăng trưởng rất nhanh nhờ hội nhập kinh tế. Nhưng hội nhập đã mang lại được gì cho người nông dân? Và đã tác động như thế nào lên quy hoạch sử dụng đất đai, lên môi trường, đến sự phát triển bền vững?

Có phải kim ngạch xuất khẩu đã tận hưởng công sức của nông dân và độ màu mỡ của đất đai mà chưa trả lại bằng công nghiệp hóa nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp và chưa làm cho người nông dân làm giàu lên từ sản phẩm họ làm ra? Nguyên nhân từ đâu, từ hội nhập hay từ quản lý nhà nước? Đề án sẽ khắc phục tình trạng này như thế nào?

Trong xuất khẩu, chúng ta liên tục bị kiện, nhiều mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá, trong khi đó khả năng tự vệ của ta về kinh tế, đặc biệt là khung pháp lý, có được nâng lên hay không và ra sao 12 năm sau Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, và sau 6 năm gia nhập WTO?

+ Đề án định hướng về trồng trọt vào năm 2020 là 45 triệu tấn lúa, 8,5 triệu tấn ngô… (vẫn tư duy sản lượng là tiêu chí đầu tiên).

Đề án dự kiến sẽ xuất ngô đi địa bàn nào, sẽ phải cạnh tranh với ai, và giống gì? Hay là giống ngô lai của Monsanto (một công ty có liên quan đến sản xuất thuốc diệt cỏ mà quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng ở Việt Nam) vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tôn vinh gần đây, trong khi những ai am hiểu đều biết rằng con đường nhập giống ngô lai của Monsanto đã làm cho Mexico và nhiều nước khác lệ thuộc mặt hàng này vào Monsanto?

+ Đề án đưa ra năm hướng giải pháp. Đó là nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch; khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công; cải cách thể chế; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách.

Hướng giải pháp thứ nhất đã được nêu lên trong Quốc hội từ nhiệm kỳ Khóa X và nhất là nhiệm kỳ Khóa XI nhưng kết quả vẫn còn ở phía trước. Làm cho được lần này đối với sử dụng đất là một thách thức lớn phải vượt qua đối với đề án.

Giải quyết tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả đất; giúp các hộ chăn nuôi vượt qua các khó khăn đang dìm họ trong nợ nần chồng chất là một cách cụ thể, có tác dụng lan tỏa, khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân.

Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công là một trong những yêu cầu bức xúc nhất hiện nay, và từ nhiều năm nay, mà việc thực hiện còn rất trầy trật. Nó đi đôi với nhiệm vụ chống tham nhũngngăn chặn lợi ích nhóm đục ruỗng ngân sách nhà nước. Nó đòi hỏi sự minh bạch, phải phá vỡ sự khép kín trong các bộ ngành từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch, đến lập và phê duyệt dự án công trình. Nó sẽ đạt kết quả ngay nếu Quốc hội biết sử dụng quyền lực của mình, lắng nghe, tiếp thu và, tốt hơn nữa, biết khơi dậy những ý kiến phản biện những dự án đầu tư công trước khi phê duyệt ngân sách.   

Cải cách thể chế; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách là những công việc đòi hỏi một sự phối hợp giữa hành pháp và lập pháp trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm những vướng mắc hiện nay và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của những người trong cuộc.

+ Cuối cùng, một thiếu sót lớn là đề án không đề ra các chương trình mục tiêu giúp đạt được mục tiêu mà đề án đề ra cho năm 2020. Chính thông qua các chương trình này mà nội dung phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương được xác định cụ thể; nội dung cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống chính sách cũng vậy. 

Gs.Tskh. Nguyễn Ngọc Trân(1) 

_______________

1. Nguyên Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp Nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983 - 1990); ĐBQH Khóa IX, X, XI; nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại.