Trung Tâm Y Tế huyện Cẩm Khê

Vì chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân

- Chủ Nhật, 15/09/2019, 08:32 - Chia sẻ
Chất lượng khám chữa bệnh luôn là tiêu chí được chú trọng hàng đầu tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cẩm Khê. Để tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê đã tập trung đổi mới toàn diện, nâng cấp cơ sở, hạ tầng, trang thiết bị y tế; phối hợp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, từng bước hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Chăm sóc toàn diện cho người bệnh

Chúng tôi có mặt tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc - TTYT huyện Cẩm  Khê, bước chân đi lại thoăn thoắt, tay thao tác nhanh nhẹn, gương mặt tập trung cao độ, xen lẫn là tiếng bíp bíp của máy thở... đủ để chúng tôi cảm nhận được những khó khăn, vất vả, áp lực của các bác sỹ, điều dưỡng khi hằng ngày phải tiếp xúc với hầu hết người bệnh nặng. Có những buồng bệnh, người bệnh gần như vô thức, phản xạ chậm, nằm hôn mê nguy kịch buộc phải cách ly người nhà để bác sĩ theo dõi và chăm sóc. Ngoài thực hiện y lệnh của bác sĩ thì tất cả việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, chăm sóc toàn diện cho người bệnh hầu hết đều do một tay điều dưỡng thực hiện. Hạn chế người nhà người bệnh vào tiếp xúc, thăm nuôi để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, lây chéo, bảo đảm môi trường sạch sẽ, yên tĩnh cho người bệnh nhanh chóng phục hồi. Bởi vậy mà công việc này đã vốn vất vả thì khi làm việc tại đây nỗi vất vả, áp lực ấy còn nhân lên gấp nhiều lần. Không chỉ có vất vả mà công việc của điều dưỡng phải trực tiếp tiếp xúc với người bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, viêm gan B...

Điều dưỡng viên của khoa chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên gặp những trường hợp gây khó khăn trong quá trình chăm sóc. Nhất là những người bệnh bị chấn thương sọ não, ảnh hưởng thần kinh, họ thường xuyên giật ống thở oxy, la hét quậy phá suốt đêm; có người bị loạn thần vừa uống thuốc xong lại đòi uống tiếp, cáu gắt bực bội vô cớ hay những người bệnh vô danh không người thân thiết, tinh thần hoảng loạn... Dù làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm và áp lực quá tải của công việc song họ vẫn luôn đặt sức khoẻ người bệnh lên hàng đầu, chăm sóc hết lòng, nỗ lực hết sức không kể ngày đêm để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người bệnh và gia đình. Ông Nguyễn Văn Anh , xã Tam Sơn, huyện Cẩm Khê , phục hồi thần kỳ sau cơn “thập tử nhất sinh” do đột quỵ, cho biết: “Các điều dưỡng viên tại đây rất chu đáo, nhiệt tình, không nề hà bất cứ việc chăm sóc nào từ đánh răng, lau người, vệ sinh, xoa bóp cho người nằm liệt giường không thể cử động như tôi. Điều đó khiến tôi cảm động và trân trọng vô cùng”.

Ông Nguyễn Giang Long, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc là một trong những khoa chủ lực của Trung tâm, đóng góp rất lớn trong việc khám chữa bệnh. Ðội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của Khoa luôn phải đối diện với tình trạng nguy kịch của người bệnh và sự nóng nảy của người nhà. Vì thế, ngoài nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi cán bộ trong Khoa luôn trau dồi nâng cao y đức, thấm nhuần 12 điều y đức của người thầy thuốc Việt Nam để làm tròn trách nhiệm của mình, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”.

Xây dựng Bệnh viện thông minh

Thông tư số 46/2018/TT-BYT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/3/2019, tuy nhiên cho tới nay trên cả nước chỉ một vài bệnh viện lớn thực sự  quan tâm, đưa giải pháp công nghệ này vào hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. TTYT huyện Cẩm Khê, đã triển khai công nghệ thông tin vào hỗ trợ công tác khám chữa bệnh từ trước cả khi Thông tư 46 có hiệu lực và khá hiệu quả.

Theo Phó Giám đốc TTYT huyện Cẩm Khê, BSCK II – Nguyễn Hải Minh: Hiện tại, TTYT huyện Cẩm Khê đang đưa vào ứng dụng cả hai hệ thống này để phục vụ người bệnh. Người bệnh có thể tải xuống ứng dụng y bạ điện tử miễn phí của cả hai hệ điều hành IOS và Andorid để theo dõi tình hình khám chữa bệnh cũng như sức khỏe của mình ngay trên thiết bị thông minh. Mỗi bệnh nhân đăng ký khám tại TTYT sẽ được cấp một tài khoản để đăng nhập vào ứng dụng y bạ điện tử, nhằm theo dõi quá trình khám, chữa bệnh cũng như sử dụng thuốc theo kết luận của bác sĩ. TTYT sử dụng phần mềm HIS (phần mềm quản lý bệnh viện tổng thể), khi kết thúc khám bệnh, nó sẽ đẩy hồ sơ điện tử về bảo hiểm y tế và cổng Gateway của Bộ Y tế  dưới định dạng file XML.

Về cơ chế bảo mật, mỗi người bệnh sẽ được cấp một tài khoản, một mật khẩu mặc định để đăng nhập lần đầu, sau đó phải đổi mật khẩu cá nhân, và tự quản lý thông tin cá nhân của mình. Ngoài ra, hệ thống cũng được sự hỗ trợ bảo mật công nghệ từ phía Viettel cung cấp. Cho tới giữa năm 2019, có tới 500 tài khoản được cấp cho bệnh nhân tới khám TTYT huyện Cẩm Khê. Tất cả tài khoản này đều được đồng bộ với thông tin khám chữa bệnh tại hơn 30 xã thuộc huyện Cẩm Khê.

Mục tiêu của TTYT huyện là có thể tiến tới việc tự động cập nhật liên tục, thay vì cứ tới cuối mỗi ngày mới tổng hợp lại để chuyển cho người bệnh, đồng thời các tuyến xã cũng theo dõi được điều này mà không thông qua tài khoản bệnh nhân. Công nghệ hướng tới khắc phục việc nhiều người có cuốn y bạ dùng hết năm này qua năm khác, nhàu nát, thiết sót, thậm chí là mất, hay hơn nữa là mỗi hôm dùng một sổ khác nhau thì không thể lưu trữ được gì -  Bs Minh cho biết thêm.

Việt Anh