Ấn Độ công bố gói cứu trợ kinh tế tái thiết hậu Covid-19

Vì một Ấn Độ tự lực

- Thứ Sáu, 15/05/2020, 08:16 - Chia sẻ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa công bố gói kích thích kinh tế lên đến 20 nghìn tỷ rupee (tương đương 265 tỷ USD), một trong những gói cứu trợ quy mô lớn nhất thế giới, tương đương với khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ. Gói tài chính này được kỳ vọng sẽ giúp tái tạo nền kinh tế và hiện thực hóa chiến lược mới đưa Ấn Độ trở thành một nền kinh tế tự lực, tự cường.

Tập trung vào yếu tố nội địa

Thủ tướng Ấn Độ cho biết, gói kích thích này nhằm làm dịu tình hình sau những thiệt hại khủng khiếp của việc phong tỏa toàn quốc do virus Corona, khiến hàng triệu người thất nghiệp và đẩy hàng nghìn doanh nghiệp đến bờ vực phá sản khi nền kinh tế đột nhiên ngừng hoạt động. Đặc biệt, đây sẽ là một phần quan trọng của nỗ lực thúc đẩy Ấn Độ hướng tới nền kinh tế tự lực, tự cường.

“Đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế đi theo nó đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của nền sản xuất nội địa, của thị trường địa phương và chuỗi cung ứng nội địa. Tất cả nhu cầu của chúng ta trong khủng hoảng đều được đáp ứng bởi các doanh nghiệp trong nước”, ông Modi tuyên bố. “Để bảo vệ chính mình và chủ động đối phó, cũng như thực hiện ước mơ xây dựng Ấn Độ thế kỷ XXI, con đường phía trước của chúng ta là bảo đảm rằng, đất nước trở nên tự chủ”.

Gói cứu trợ mới, tương đương với gần một năm tổng doanh thu thuế của Ấn Độ, sẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động, người bán hàng rong và kinh doanh nhỏ lẻ, và các nhóm khác có xu hướng ít được quan tâm trước đây. Gói cứu trợ này cũng bao gồm các biện pháp nới lỏng tiền tệ do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ công bố.

Ông Modi cho biết, kế hoạch Vì một Ấn Độ tự lực, sẽ phụ thuộc vào năm trụ cột: Phát triển nền kinh tế mới, tạo ra cơ sở hạ tầng hiện đại, thiết lập hệ thống phân phối dựa trên công nghệ, tận dụng dân số trẻ và khai thác nhu cầu trong nước. Ông nói: “Chúng ta sẽ tạo ra những sản phẩm tốt nhất, cải thiện chất lượng và cải thiện chuỗi cung ứng của chúng ta”.

Rút kinh nghiệm sau trận động đất Kutch tàn khốc năm 2001, ông Modi cho biết, với quyết tâm tái thiết, khu vực này đã đứng lên được trên đôi chân của chính mình. Đất nước Ấn Độ cần có tinh thần quyết tâm tương tự để trở nên tự lực. Khủng hoảng đã mang đến một thông điệp cho Ấn Độ, và cũng mang đến một cơ hội. Ông Modi nói: “Khi khủng hoảng bắt đầu, Ấn Độ không sản xuất được bộ đồ bảo hộ cá nhân PPE và hầu như không sản xuất khẩu trang N95. Giờ đây, tất cả những mặt hàng này đều đang được sản xuất hàng ngày trong nước”.

Thời gian qua, New Delhi đã cố gắng giảm nhập khẩu từ Trung Quốc trong bối cảnh thâm hụt thương mại của nước này với nền kinh tế số hai thế giới đã lên tới 87 tỷ USD. Tháng trước, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra các kế hoạch nhằm khuyến khích tự sản xuất sản phẩm điện tử, từ lâu vốn được coi là thế mạnh của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thậm chí, Ấn Độ còn thành lập các đơn vị đặc trách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn rời khỏi Trung Quốc.


Nguồn: Financial Express

Tìm vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Thông điệp của ông Modi được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Thời gian qua, chuỗi cung ứng toàn cầu mà Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt đã trở nên rối loạn sau khi nhiều thành phần kinh tế của Trung Quốc phải đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã liên tục phát đi tín hiệu cho thấy sẵn sàng trở thành một mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mới đây, Ấn Độ đã có những động thái nỗ lực lôi kéo hơn 1.000 doanh nghiệp Mỹ khi quốc gia này xúc tiến quá trình đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Hãng tin Bloomberg trích dẫn các quan chức Ấn Độ cho biết, trong số các công ty mà Chính phủ Ấn Độ kêu gọi, có nhiều nhà sản xuất thiết bị y tế, chế biến thực phẩm và dệt may, sản xuất da và phụ tùng ô tô. Nhiều cuộc đàm phán đã bắt đầu tiến hành từ tháng 4 vừa qua và được thực hiện thông qua Đại sứ quán Ấn Độ ở nước ngoài.

Arindam Guha, người phụ trách hợp tác với đối tác khối chính phủ và các dịch vụ công tại Công ty Deloitte Ấn Độ, cho biết: “Ấn Độ đang tìm cách đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi chúng ta chờ đợi lộ trình chi tiết của gói kích thích kinh tế, có khả năng gói này sẽ ưu tiên các lĩnh vực có thị trường nội địa rộng lớn và tạo ra nhiều việc làm. Chúng ta cũng có thể mong đợi những cải cách đáng kể tác động đến tất cả các giai đoạn trong chuỗi giá trị của các lĩnh vực này, từ trang trại đến người tiêu dùng, với mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi cho công việc kinh doanh. Tôi khá tự tin rằng, gói này sẽ thúc đẩy các công cụ tài chính như bảo lãnh tín dụng… do đó, tình hình tài chính của đất nước cũng sẽ được cải thiện”.

Các quan chức Ấn Độ được cho là đã phát đi tín hiệu rằng, Ấn Độ sẵn sàng cung cấp lao động giá rẻ mặc dù chi phí tổng thể vẫn cao hơn so với mức sản xuất ở Trung Quốc. Bù lại, Ấn Độ đã hứa hẹn cho các công ty nước ngoài một số đặc quyền. Ví dụ, New Delhi có thể xem xét trì hoãn đưa ra thuế giao dịch kỹ thuật số, loại thuế đã khiến nhiều công ty nước ngoài bất bình.

Gần đây, chính quyền của Thủ tướng Modi cũng xúc tiến các biện pháp cải cách để trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, đặc biệt là xem xét khả năng sửa đổi Luật Lao động; cũng như tiến tới loại bỏ một rào cản khác đang khiến các nhà đầu tư do dự, đó là thủ tục mua lại đất rất mất thời gian và phức tạp. Ấn Độ đang phát triển tổng diện tích 461.589ha - tương đương một nửa lãnh thổ đảo Síp - cho mục đích công nghiệp.

Trong khi ông Donald Trump từ lâu đã ủng hộ các công ty Mỹ trở về Mỹ, thì cách đây hai tuần, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tuyên bố nước này sẽ “nói chuyện” với các “quốc gia thân thiện” như Ấn Độ để “tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm ngăn chặn sự tái diễn của sự rối loạn vừa qua”.

Bình mới, rượu cũ?

Tuy nhiên, kế hoạch mới của ông Modi cũng khiến không ít chuyên gia và doanh nghiệp hoài nghi.

Đó là bởi khi lên nắm quyền năm 2014, ông Modi từng thúc đẩy sáng kiến “Make in India”, được xem như bước ngoặt đánh dấu thời kỳ bùng nổ đối với tiềm năng sản xuất của Ấn Độ. Tuy được nhìn nhận vì có cách tiếp cận đầy tham vọng với mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một “điểm đến sản xuất” thay thế Trung Quốc, nhưng sáng kiến này trên thực tế lại chung chung và thiếu trọng tâm chính sách. Việc đầu tư vào một dự án diện rộng, gồm 25 lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất da cho tới các thiết bị không gian, đồng nghĩa với việc chỉ tập trung vào bức tranh lớn mà hy sinh chi phí của những lĩnh vực cụ thể hơn. Sau một thời gian, các nhà tư bản công nghiệp của nước này đã phải thừa nhận rằng họ nhanh chóng hết nguồn lực.

Giờ đây phe đối lập thì cho rằng, chiến lược “Vì một Ấn Độ tự lực” chẳng qua chỉ là “bình mới rượu cũ” của chiến lược Make in India. Một số doanh nghiệp hàng đầu trong khi ngoài mặt chào đón chiến lược mới, lại ngấm ngầm tỏ ra hoài nghi. Một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực viễn thông yêu cầu giấu tên cho rằng, kinh nghiệm quá khứ cho thấy, phần lớn những lời có cánh không được cụ thể bằng hành động. “Sau khi chiến lược Make in India được thúc đẩy, chúng tôi chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến Ấn Độ, nhưng họ nhanh chóng nhận ra hệ thống của chúng ta vô tổ chức đến mức họ phải từ bỏ mọi kế hoạch phát triển ở đây”.

TS. Geeta Kochhar, Giáo sư trợ giảng tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện tại là cơ hội cho Ấn Độ. “Nhưng để thực sự chớp được thời cơ này, giới lãnh đạo Ấn Độ phải thực sự biến lời nói thành hành động cụ thể, đó là xóa bỏ các rào cản đối với đầu tư, như Trung Quốc đã làm khi họ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa”.

Quốc Đạt