Góc nhìn

Vì một bầu không khí sạch

- Thứ Năm, 31/01/2019, 08:25 - Chia sẻ
Những ngày qua, không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng, có thời điểm chỉ số chất lượng không khí tại 10 điểm đo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều ở màu cam (mức kém) và màu đỏ (mức xấu), thậm chí có điểm sắp chạm ngưỡng nguy hại - mức ảnh hưởng đến sức khỏe được cảnh báo mọi người hạn chế ra khỏi nhà.

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô từ ngày 20 - 29.1 giảm xuống rõ rệt, số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức “trung bình” chiếm tỷ lệ thấp. Nguyên nhân được nhận định là do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, sự gia tăng đột xuất về lượng người tham gia giao thông và sự gấp rút hoàn thành các hạng mục công trình để chuẩn bị đón Xuân Kỷ Hợi, tạo ra lượng bụi lớn gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi lơ lửng, gồm bụi thô (TSP và PM10) và bụi mịn (PM2,5). Bụi mịn được mệnh danh là “tử thần” bởi chúng có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như hô hấp, tim mạch, ung thư và đột biến gene. Các loại khẩu trang thông thường vô hiệu trước loại bụi này.

Tại Hội nghị Tổng kết ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2018, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nêu hai nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội là giao thông và xây dựng. Trong khi Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân không dễ ngày một ngày hai có thể thực hiện, thì việc hạn chế phát tán bụi từ các công trình xây dựng hoàn toàn có thể thực hiện nhưng lại đang bị bỏ ngỏ. Hà Nội nhiều năm qua như một đại công trường với hàng loạt dự án xây dựng nhà ở, giao thông. Quy định về bảo vệ môi trường trong xây dựng có từ lâu, ví dụ công trình xây dựng phải được che chắn để hạn chế phát tán bụi, xe chở vật liệu ra vào công trường phải được che chắn, lốp xe phải được xịt nước… nhưng thực tế hiếm khi điều này được thực hiện.

Dường như hành lang pháp lý chưa đủ mạnh để buộc các công trường giữa Thủ đô phải tuân thủ những tiêu chuẩn về môi trường khi thi công. Hậu quả là, tất cả đều phải hít bụi, nhất là người đi bộ và đi xe máy. Một chuyên gia môi trường cho biết, ông đã chứng kiến hai công trình xây dựng cạnh nhau, một của người Việt, một của người Hàn. Trong khi công trình xây dựng của người Hàn chấp hành tốt các quy định nên tương đối sạch sẽ, phát tán ít bụi, thì công trình bên cạnh đó lại mù mịt. Rõ ràng, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong xây dựng của một bộ phận nhà thầu thi công của Việt Nam chưa cao.

Dẫu thời gian qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường thành phố nhưng thực tế cho thấy, chính quyền thành phố cũng “bó tay” nếu người dân, doanh nghiệp, các đơn vị khác không chung tay, vì ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí đều do phần lớn tác động từ con người. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của thành phố cần có ngay các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay. Về lâu dài, những quy định pháp lý chặt chẽ cùng chế tài nghiêm khắc đối với các tác nhân gây ô nhiễm không khí cần được ban hành và thực thi nghiêm túc. Đó là việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn khí thải, môi trường; triển khai các ứng dụng mới tiết kiệm nhiên liệu. Người sử dụng phương tiện cũng cần nâng cao ý thức bảo dưỡng phương tiện, không sử dụng xe quá niên hạn cho phép, xe không bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Có như vậy, chất lượng không khí của Thủ đô mới được cải thiện.

Duy Anh