Vì sao bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách ĐBQH?

- Thứ Hai, 18/07/2016, 09:05 - Chia sẻ
Chiều qua, 17.7, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã họp đột xuất phiên họp thứ 8, tiến hành bỏ phiếu kín công nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV với 494 đại biểu và không công nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH Khóa XIII. Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia NGUYỄN HẠNH PHÚC về nội dung này.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm quy định pháp luật về quốc tịch

- Thưa ông, chiều qua, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã họp đột xuất, trong đó có nội dung không xác nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH Khóa XIII. Xin ông có thể cho biết rõ hơn về việc này?

- Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, chiều qua, 17.7, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã họp đột xuất phiên thứ 8 để tiến hành hai việc. Một là, tiến hành biểu quyết để xác nhận tư cách người trúng cử ĐBQH Khóa XIV đối với 494 người. Hai là, tiến hành biểu quyết không xác nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH Khóa XIII.


Kết quả kiểm phiếu có 100% các thành viên trong Hội đồng Bầu cử Quốc gia có mặt tại phiên họp nhất trí xác nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV đối với 494 đại biểu và 100% các thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia bỏ phiếu không xác nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì không đủ tiêu chuẩn ĐBQH Khóa XIV và cá nhân bà Hường cũng có đơn xin rút không tham gia ĐBQH Khóa XIV.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã biểu quyết và ban hành 2 Nghị quyết về việc không xác nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV đối với 2 trường hợp. Đó là ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 do bị cơ quan chức năng tiến hành quy trình xem xét, xử lý khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, khuyết điểm. Và chiều qua là trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH Khóa XIII, trúng cử ĐBQH Khóa XIV tại đơn vị bầu cử số 5 của TP Hà Nội (gồm các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức).

- Cụ thể nguyên nhân dẫn đến việc không công nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là gì? Mức độ sai phạm đến đâu mà Hội đồng Bầu cử Quốc gia phải quyết định xử lý như vậy, thưa ông?

- Theo báo cáo của cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đang là công dân của nước CHXHCN Việt Nam, đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, nhưng bà Hường lại đăng ký thêm một quốc tịch của nước ngoài trong khi chưa làm thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 17 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam: Công dân nước CHXHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam; và Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam: Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Như vậy, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Nếu công dân Việt Nam nào muốn đăng ký một quốc tịch khác thì phải làm thủ tục (quy định rõ tại Mục 2, từ Điều 27 đến Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam về thôi quốc tịch Việt Nam). Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã đăng ký một lúc hai quốc tịch (một quốc tịch Việt Nam và một quốc tịch của nước khác) là không đúng quy định của pháp luật về quốc tịch. Còn trường hợp công dân là kiều bào Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài thì khi về Việt Nam sinh sống hoặc làm việc, kiều bào đăng ký sử dụng quốc tịch nào là quyền của họ. Nếu kiều bào đăng ký sử dụng quốc tịch nước ngoài thì họ sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách, pháp luật như một người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Ngược lại, nếu kiều bào đăng ký sử dụng quốc tịch Việt Nam thì sẽ được hưởng đầy đủ các quyền, cơ chế, chính sách như một công dân Việt Nam theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

- Căn cứ và trình tự xử lý tiếp theo sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia không xác nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng như trước đó là trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh sẽ như thế nào, thưa ông?

- Ngay khi Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử Quốc gia về việc không công nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV đối với 2 trường hợp nêu trên có hiệu lực, ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sẽ không được xem xét các bước tiếp theo để trở thành ĐBQH Khóa XIV. Theo kết quả Phiên họp thứ 8 chiều qua, thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ chỉ cấp Giấy xác nhận là ĐBQH Khóa XIV cho 494 người trúng cử trong cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV vừa qua. Đồng nghĩa, tới đây chỉ có 494 đại biểu vừa được Hội đồng Bầu cử Quốc gia xác nhận đủ tư cách ĐBQH Khóa XIV mới được quyền tham dự Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20.7 tới đây.

Đã ứng cử ĐBQH phải trung thực

- Thưa ông, nhiệm kỳ Khóa XIII, QH đã xem xét, bãi nhiệm hai ĐBQH là doanh nghiệp. Và trong cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV lần này là trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Qua những vụ việc như vậy, có bài học kinh nghiệm nào cần được rút ra cho các doanh nghiệp khi tham gia ứng cử ĐBQH không?

- Đây là điều rất đáng tiếc và cũng là bài học cho các doanh nghiệp. Không riêng với doanh nghiệp mà với bất cứ ai khi xác định tham gia ứng cử để trở thành ĐBQH thì phải hết sức thận trọng và trung thực. Những vụ việc cụ thể vừa qua cho thấy, nếu các ứng cử viên không trung thực thì trước sau gì cũng sẽ bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật, không thể giấu được.

Tuy nhiên, qua những vụ việc cụ thể như vậy cũng cho thấy, nếu chỉ nhìn vào hồ sơ không thì chưa đủ, vì tất cả các ứng cử viên ĐBQH đều phải trải qua quy trình bầu cử rất chặt chẽ, từ việc giới thiệu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, nơi cư trú đến các vòng hiệp thương…

- Để không xảy ra những trường hợp nêu trên, theo ông, có cần xem xét, sửa đổi quy định pháp luật về bầu cử để bất cứ ai muốn không trung thực ngay khi làm hồ sơ ứng cử ĐBQH cũng không thể được?

 - Trước hết, cần phải khẳng định, QH luôn mong muốn và mở rộng cửa đối với tất cả những công dân đủ tiêu chuẩn thuộc mọi giới, mọi lứa tuổi, ngành nghề… có nguyện vọng ứng cử để được bầu làm ĐBQH. Đối với đại biểu nữ, theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 phấn đấu có ít nhất 35% nữ ứng cử ĐBQH, nhằm khuyến khích sự tham gia của nữ giới vào hoạt động của QH, cụ thể là trong nhiệm kỳ QH Khóa XIV này. Nhưng vấn đề dù là cơ cấu cứng, thì các ứng cử viên đều phải đủ tiêu chuẩn ĐBQH. Trường hợp là ĐBQH nhưng lại vi phạm pháp luật hoặc không trung thực trong quá trình khai hồ sơ ứng cử ĐBQH thì làm sao chấp nhận được (?) Cụ thể như trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là vi phạm pháp luật về Luật Quốc tịch Việt Nam, thì làm sao có thể được xem xét để công nhận tư cách ĐBQH. Cá nhân bà Hường cũng nhận thấy sai sót của mình và có đơn xin không tham gia ĐBQH Khóa XIV. Do vậy, 100% thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia có mặt tại Phiên họp đã nhất trí bỏ phiếu không xác nhận tư cách ĐBQH Khóa XIV đối với bà Hường.

- Xin cảm ơn ông!

T. Tâm - T. Chi thực hiện