Nộp phạt trực tuyến vi phạm giao thông qua cổng dịch vụ công quốc gia

Vì sao người dân chưa mặn mà?

- Thứ Tư, 08/07/2020, 05:57 - Chia sẻ
Mặc dù, dịch vụ nộp phạt trực tuyến vi phạm giao thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia rất thuận tiện, thủ tục dễ dàng, nhanh chóng, song phần lớn tài xế vi phạm lựa chọn phương án nộp phạt trực tiếp. Một trong những lý do họ đưa ra là không thông thạo internet, ngại rắc rối và sợ thất lạc giấy tờ khi nộp tiền phạt qua mạng...

Vẫn chọn... nộp trực tiếp

Theo số liệu từ Văn phòng Chính phủ công bố tại cuộc họp báo mới đây về việc triển khai thí điểm dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ tháng 3.2020 tại 5 địa phương gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận cho thấy, số lượng người tra cứu để thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tương đối lớn, khoảng hơn 16.000 lượt tra cứu, thực hiện. Lực lượng cảnh sát giao thông đã cung cấp gần 11.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến, tuy nhiên, số lượng thực hiện nộp phạt trực tuyến thành công còn thấp.

 

Nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí

Tại TP Hà Nội, trong 3 tháng, từ ngày 14.3 - 30.6, triển khai thí điểm nộp phạt giao thông trực tuyến, 15 đội cảnh sát giao thông của TP Hà Nội đã đồng loạt tiến hành triển khai nhập dữ liệu của hàng nghìn tài xế vi phạm trên cổng dịch vụ công quốc gia, nhưng hầu hết trường hợp vi phạm thực hiện nộp phạt qua kho bạc, chỉ có 1 trường hợp nộp tiền phạt qua mạng. Tương tự tại Đà Nẵng, cũng chỉ có hơn 40 trường hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện việc nộp phạt từ khi triển khai thí điểm đến nay.

Đáng chú ý, từ 1.7 đến nay, mặc dù dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đã được triển khai rộng rãi trên toàn quốc, song tại hầu hết địa phương, qua cập nhật, theo dõi số liệu, lực lượng chuyên trách đưa thông tin về xử lý vi phạm giao thông lên Cổng Dịch vụ quốc gia cho biết: Gần như chỉ có một số lượt người vào truy cập thông tin chứ không có mấy người thực hiện nộp phạt vi phạm qua mạng.

Làm sao thay đổi được thói quen? 

Thực tiễn cho thấy, việc nộp tiền phạt online tiện lợi, không mất thời gian và chi phí đi lại, chờ đợi của người dân, đặc biệt phù hợp với những trường hợp đang cư trú tại một nơi khác nhưng lại vi phạm giao thông ở một địa phương khác hoặc trường hợp không có thời gian đi lại. Nắm bắt được những thuận lợi, tiện ích trên, anh Nguyễn Hữu B điều khiển xe tải BKS 29C-599.7x và Vũ Huy H. điều khiển xe tải mang BKS 88C-063.7x đều ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã đăng ký nộp phạt qua Cổng Dịch vụ công quốc gia cho lỗi vi phạm chở vật liệu xây dựng để rơi vãi xuống đường với mức xử phạt là 3 triệu đồng.

Tuy vậy, do tâm lý, thói quen của phần lớn người điều khiển xe vi phạm còn e ngại, nhiều người chưa có thói quen sử dụng internet, sợ bị thất lạc giấy tờ, thông tin khi thực hiện các thao tác khai thông tin cá nhân theo hình thức trực tuyến… nên nhiều tài xế vẫn băn khoăn, không mấy mặn mà chọn hình thức nộp phạt vi phạm qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Khi thực hiện nộp phạt trực tuyến thì điều tiếng về Cảnh sát giao thông sẽ giảm cơ bản vì không tiếp xúc, không gặp gỡ người vi phạm thì đương nhiên triệt tiêu những tiêu cực mà người ta vẫn gọi là tham nhũng vặt. Bởi vi phạm rõ rồi, biên bản, quyết định xử phạt có rồi thì người ta nộp tiền lấy giấy tờ luôn, thay vì cứ hẹn bao nhiêu ngày mới đến lấy giấy tờ. Điều rất quan trọng là người thi hành công vụ không cần biết người vi phạm là ai, ở đâu… vì các dữ liệu đã xử lý trên điện tử hết rồi” .

Trao đổi về vấn đề này, anh Lê Văn Ch - một tài xế chuyên chạy xe du lịch tuyến Hà Nội - Quảng Ninh cho biết: Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi biết từ ngày 1.7, việc nộp phạt vi phạm trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được triển khai rộng trên toàn quốc, song do tâm lý, tôi vẫn rất ngại đăng ký, kê khai thông tin nộp phạt qua hình thức này nếu chẳng may có vi phạm và bị công an lập biên bản xử lý. Bởi nộp qua mạng phải rành công nghệ, trong khi tôi thì không rành lắm, nhỡ thao tác sai hoặc ghi nhầm cái gì thì không xử lý được thì lại mất thời gian tường trình, kê khai lại...

Thông tin về vấn đề này tại buổi họp giữa Văn phòng Chính phủ với các cơ quan liên quan về việc triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến đối với nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, thuế, lệ phí trước bạ và cấp, đổi, giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng: Việc thanh toán xử phạt trực tuyến không những tạo thuận lợi cho người dân mà công tác quản lý của lực lượng Cảnh sát giao thông tốt hơn. Hiện, lực lượng Cảnh sát giao thông đã triển khai tới 63 tỉnh, thành phố, với dữ liệu đó, tất cả quyết định xử phạt cấp Trưởng phòng buộc phải vào phần mềm mới in được quyết định. Cục Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Kho bạc để có mã định danh, thống nhất từ biên bản tới quyết định...

Thiết nghĩ, việc nộp phạt qua mạng mới được triển khai, nhân rộng và không phải người dân nào cũng nắm được. Vì vậy, thời gian tới, để quá trình triển khai thực hiện được thống nhất, hiệu quả, người dân đồng thuận, hưởng ứng tích cực việc triển khai ứng dụng nộp phạt trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cần tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động hướng dẫn người dân, người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông các thao tác, kỹ thuật để họ có thể nắm bắt, biết sử dụng dịch vụ này. Việc tổ chức các hình thức hướng dẫn cũng cần phù hợp, nhằm giúp lái xe hiểu rõ hơn sự thuận tiện của việc nộp phạt qua mạng, từ đó tự nguyện tham gia.

 

Bài và ảnh: Hải Thanh