Vì sao tiến độ vẫn chậm?

- Thứ Sáu, 07/08/2020, 07:53 - Chia sẻ
Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg ĐMDN, đến nay việc cổ phần hóa doanh nghiệp mới đạt 28,3% kế hoạch. Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm so với kế hoạch đề ra. 6 tháng đầu năm, hầu như chưa thực hiện được cổ phần hóa hay thoái vốn doanh nghiệp nào lớn - là thực trạng được nêu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp diễn ra hôm qua, 6.8.

Lý giải điều này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đặt câu hỏi: Phải chăng các vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương gặp phải là do chậm sửa đổi một số nghị định như Nghị định 126, Nghị định 167, Nghị định 32, nhất là việc xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn? Phải chăng vướng mắc ở các tập đoàn, tổng công ty có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều địa phương… nên việc xử lý tài chính, sắp xếp lại nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn? Quy trình, thủ tục mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp?

Đây có thể là những nguyên nhân chính, nhưng để xác định nguyên nhân cốt lõi là điều không dễ. Một chuyên gia kinh tế khi bình luận về việc vì sao tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quá chậm đã cho rằng, có thể vì doanh nghiệp nhà nước quá quen với lợi ích đang được hưởng, dẫn đến động lực đó ảnh hưởng đến ý chí có muốn chuyển đổi hay không. Bởi khi chuyển đổi sẽ đồng nghĩa với việc chịu sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn, chấp nhận "cuộc chơi" khắt khe của thị trường và phải tuân thủ những quy định vốn không chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước mà áp dụng phổ quát cho các doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng hơn với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, khả năng tiếp cận nguồn lực của Nhà nước.

Vị chuyên gia này lý giải thêm: Đó có thể còn bởi việc quyết định dự án đầu tư cho một công ty cổ phần theo một quy trình khác, không theo quy trình của doanh nghiệp nhà nước. Một đôi chỗ có lợi ích mà doanh nghiệp nhà nước nếu cổ phần hóa sẽ bị ảnh hưởng nhiều… Do vậy, điều này chưa tạo ra động cơ thật sự, trừ một số ngành nghề phải chuyển đổi. Trong nội dung này, có một động cơ thực sự cần phải thay đổi đó là cần có con người mới hoàn toàn.

Như vậy có thể thấy, ngoài những vướng mắc về định giá, về đất, tài sản trên đất, trang thiết bị, tải sản nhà nước… yếu tố cốt lõi chính là con người. Thực tế này cũng đã được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ ra, đó là còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp thực hiện chậm cổ phần hóa, chuyển giao về SCIC, niêm yết trên sàn chứng khoán...

Tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là một trong ba trụ cột của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Nhưng muốn được vậy, phải dẹp bỏ những lấn cấn về lợi ích, sợ trách nhiệm và đặc biệt phải bảo đảm công khai, minh bạch - những nguyên nhân vốn dĩ không mới và đã được đề cập đến từ lâu.

Khánh Ninh