Vụ pate Minh Chay chứa chất độc tố

Vì sao vẫn chưa tìm được “địa chỉ” nhận trách nhiệm?

- Chủ Nhật, 13/09/2020, 08:38 - Chia sẻ
Đã 3 tuần trôi qua kể từ thời điểm phát hiện các ca ngộ độc nặng do sử dụng pate Minh Chay chứa vi khuẩn gây độc tố nhưng cho đến nay, chưa có cá nhân, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về vụ việc trên. Lỗ hổng nào khiến sản phẩm không bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng nhưng vẫn bán được hàng chục nghìn hộp ra thị trường? Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành thế nào khiến việc truy trách nhiệm đơn vị chịu trách nhiệm chính lại khó khăn đến vậy?

“Phải xác định được nguyên nhân mới quy được trách nhiệm”

Mặc dù Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã cảnh báo, các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ nhưng vẫn có thêm bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn pate Minh Chay. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với thông tin; vẫn còn một lượng sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Lối sống mới (trong đó chủ yếu là pate Minh Chay) vẫn chưa được thu hồi hết, nhất là trong các gia đình và có nguy cơ tiếp tục gây ngộ độc.

Đặc biệt, đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây ngộ độc là từ nguyên liệu hay từ quá trình chế biến, từ con người hay từ thiết bị... Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chu Phú Mỹ cho rằng, do chưa tìm ra được nguyên nhân nên chưa thể đánh giá được “hổng” ở khâu nào, trách nhiệm chính thuốc về ai. “Việc này cần phải chờ ngành y tế kết luận xem nguyên nhân gây ngộ độc là từ đâu ra, vi khuẩn đó từ đâu mà có thì chúng tôi mới phân tích được” - ông Mỹ khẳng định.

Về trách nhiệm quản lý, ông Mỹ cho biết, Sở giao cho Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội việc cấp giấy chứng nhận, sau khi cấp giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện thì thường xuyên kiểm tra giám sát. Tuy nhiên, trong suốt quá trình giám sát (theo quy định là 1 năm 1 lần), Chi cục không phát hiện có gì bất thường. Chủ yếu vẫn là cơ sở phải chịu trách nhiệm về quy trình, phải tự bảo đảm và báo cáo lại với cơ quan chức năng.

Sáng 11.9, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thành lập đoàn kiểm tra rà soát nguồn gốc của các nguyên liệu tạo nên sản phẩm pate Minh Chay. Bước đầu đoàn kiểm tra nhận thấy nguyên liệu được nhập từ rất nhiều tỉnh thành về nên phải truy xuất nguồn gốc xem nguyên liệu đó có bảo đảm hay không. Trước đó, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở, tại thời điểm kiểm tra, công ty không duy trì điều kiện vệ sinh như: vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh dụng cụ, cống rãnh thoát nước. Một điểm đáng chú ý nữa là sản phẩm pate Minh Chay được xác nhận bán hoàn toàn qua hình thức online. Như vậy, sản phẩm của đơn vị này liên quan đến cả 3 ngành: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Công thương.

Một sản phẩm thực phẩm liên quan đến 3 ngành, trách nhiệm của đơn vị nào còn chưa ngã ngũ, người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi về hiệu quả cuối cùng của công tác quản lý và việc phối hợp. Có hay không sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với một sản phẩm thực phẩm được lưu hành trên thị trường? Người tiêu dùng không cần biết cách thức phối hợp như thế nào, họ chỉ quan tâm sản phẩm ra thị trường phải bảo đảm mức độ nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Một sản phẩm được phép lưu hành, có nhãn mác đàng hoàng, được quảng cáo rầm rộ rằng nguyên liệu bảo đảm nhưng lúc kiểm tra lại không rõ nguồn gốc, phải chăng đang diễn ra tình trạng “mỗi ngành quản một khúc”?

Sản phẩm pate Minh Chay  

Cần mô hình quản lý tập trung về an toàn thực phẩm

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Như Tiệp, khi một sản phẩm “có vấn đề”, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp cùng vào cuộc xử lý. Trong đó, ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến bán buôn, chợ đầu mối, chuyên doanh về nông lâm thủy sản. Hoạt động bán lẻ ở siêu thị, trung tâm thương mại thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương. Còn thực phẩm trong nhà hàng, khách sạn, thức ăn đường phố, căng tin, bếp ăn tập thể là của ngành y tế quản lý.

Ông Nguyễn Như Tiệp cũng khẳng định rằng, ở các nước khác cũng áp dụng mô hình tương tự như vậy, không một cơ quan nào đảm trách được toàn bộ nhiệm vụ liên quan đến an toàn thực phẩm. Ở nước ta, ngành y tế, nông nghiệp hay công thương không thể tự đảm trách lĩnh vực này mà phải phối hợp với nhau. “Với trường hợp vụ pate Minh Chay, trách nhiệm quan trọng nhất là UBND các cấp, vì Bộ làm chính sách pháp luật, kiểm tra công vụ, hỗ trợ đào tạo cán bộ, chuyên môn nghiệp vụ chứ không thể làm thay” - ông Tiệp nhấn mạnh.

Theo quy định hiện hành, phần lớn thực phẩm lưu hành đang được nhà sản xuất tự công bố tiêu chuẩn chất lượng. Nếu có sai phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra và xử lý khi hậu kiểm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh rất lớn, tỷ lệ được hậu kiểm không đáng là bao so với tổng số cơ sở. Đặc biệt càng khó quản lý với các cơ sở chế biến bằng phương pháp truyền thống, quy mô hộ gia đình hoặc các công ty nhỏ lẻ không có công nghệ để kiểm nghiệm từng lô, loạt sản phẩm, không bảo đảm độ đồng đều về chất lượng.

Mặt khác, hiện nay thông tin công khai về thực phẩm vi phạm chất lượng mới chỉ có Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố trên website, còn lại rất ít cơ quan khác có thông tin, dù có thêm hai bộ tham gia quản lý lĩnh vực này là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Điều này dẫn đến có những trường hợp sai phạm về chất lượng thực phẩm, người dân muốn nắm rõ cũng không biết tìm đọc ở đâu. Chính vì vậy, cần thiết có những đợt hậu kiểm được tổ chức thường xuyên, tổ chức kiểm tra chủ động phát hiện và cung cấp giúp người dân dễ tiếp cận thông tin để phòng ngừa.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý, cần có công cụ truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kèm theo đó là một cơ chế trách nhiệm rõ ràng hơn giữa các cơ quan quản lý. Để làm được điều này, cần những mô hình quản lý tập trung thông qua ban quản lý an toàn thực phẩm. Hiện nay, được biết cả nước chỉ có ba tỉnh, thành phố là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh có ban quản lý an toàn thực phẩm riêng. Việc quản lý tập trung này trên thực tế tại các địa phương mang lại hiệu quả thanh tra, kiểm tra cao. Trước thực tế lực lượng chuyên ngành nhiều địa phương còn yếu và thiếu thì việc tập hợp lực lượng lại sẽ dễ quản lý hơn.  

Chi An