Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018

Vì tính mạng, tài sản của nhân dân

- Thứ Năm, 14/11/2019, 08:22 - Chia sẻ
Truy trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, các ĐBQH cho biết, thời gian qua, câu chuyện đổ lỗi vẫn diễn ra thường xuyên. Cấp trên cho rằng cấp dưới không chấp hành, cấp dưới quy cấp trên không có hướng dẫn. Suy cho cùng, sự thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền chính là sự vô cảm với tính mạng của người dân. Vì thế, điều cần hơn cả một đạo luật, một nghị quyết về giám sát tối cao của QH vẫn phải là cái tâm, kiên quyết không thỏa hiệp với các sai phạm và sự tắc trách.

Bức tranh “ám khói”

Hôm qua, hội trường Diên Hồng tiếp tục “nóng” với một trong những nỗi lo đang trở thành thường trực đối với người dân, doanh nghiệp và xã hội: Cháy, nổ. ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu thực tế, nếu thảm kịch 39 người thiệt mạng trong xe container làm cả thế giới rung động, bàng hoàng thì thảm cảnh người dân bị thiệt mạng do cháy còn gấp đôi con số đó, chưa kể số người bị thương gấp 5 lần. Hàng nghìn tỷ đồng thiệt hại, hàng nghìn hecta rừng bị thiêu rụi. Và đó mới chỉ là con số trung bình một năm mà Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018 đã nêu. Hơn 1 năm kể từ sau thảm kịch Carina, dù nỗi đau đã nguôi ngoai nhưng trong tâm trí những người lính cứu hỏa và người dân nơi đây mọi thứ vẫn như mới xảy ra. “Nhiều người dân ở chung cư vẫn chưa hết giật mình mỗi khi chợt nghe tiếng còi cứu hỏa. Điều gì có thể bù đắp những mất mát và giúp họ quên đi ký ức kinh hoàng khi chứng kiến người thân ra đi trong ngọn lửa quá khủng khiếp? Vậy nhưng PCCC đang mang trong mình quá nhiều tồn tại, thiếu sót”, ĐB Phạm Trọng Nhân nói.


Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Thật vậy, từ báo cáo giám sát cho thấy nhân lực và vật lực PCCC đều không đạt cả về chất lẫn về lượng. Đội dân phòng cho công tác này chỉ đạt 23%. Lực lượng ở cơ sở và chuyên ngành cũng chỉ hơn 60%. Nhân lực ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, khó bố trí nhân sự trong lực lượng chuyên ngành. Nghĩ gì về số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, xe chất lượng kém hư hỏng, chiếm hơn 50%? Số trụ nước, bể nước, bến nước không chỉ thiếu vài chục mà nhiều địa phương con số lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn. Điển hình như Hà Nội, thiếu gần 300 bể nước, 400 bến lấy nước, 7.000 trụ nước. Khánh Hòa thiếu 3.559 trụ, Hải Phòng thiếu 3.500 trụ nước. Nguồn nước tự nhiên ở các ao, hồ, sông ngòi để phục vụ cho PCCC thì ngày càng cạn kiệt, bên cạnh việc bị san lấp, xây công trình che chắn lối vào lấy nước thì cũng đang oằn mình gánh hàng tấn rác mỗi ngày. Hệ quả không chỉ nguồn nước bị “bức tử” gây ngập lụt mà còn tước đi cơ hội được sống trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra.

Đáng ngại hơn là hệ thống thiết bị PCCC không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến không hoạt động mà vụ cháy chung cư Carina là một điển hình. Công tác kiểm tra chung cư được tiến hành 21 lần trong 5 năm, tuy nhiên khi cháy xảy ra thì hệ thống chuông báo cháy không hoạt động. Hệ thống báo khói, đầu phun nước tự động không tác dụng. Đèn hướng dẫn thoát hiểm cũng không, các trụ bơm cũng không sử dụng được. 4 “không” sau 21 lần kiểm tra liệu đã đủ để làm đậm thêm bức tranh “ám khói” về thực trạng công tác kiểm tra PCCC hay chưa? Hàng loạt câu hỏi đặt ra, song có lẽ theo ĐB Phạm Trọng Nhân vẫn không là gì so với trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chủ đầu tư và ý thức của ai đó đang tâm vô hiệu hệ thống thoát nạn mà cái giá phải trả là sự ra đi trong oan ức của 13 sinh mệnh.

Trích dẫn số lượng các vụ cháy do hệ thống sự cố thiết bị điện chiếm tới 57%, đại biểu đặt câu hỏi, liệu như vậy có bình thường? Đâu là sự lơ là, chủ quan của người dân và đâu là sự tắc trách của ngành chức năng liên quan? Có nghịch lý không khi càng tổ chức các buổi kiểm tra, tuyên truyền, huấn luyện, càng phát hành pano, khẩu hiệu tuyên truyền thì cháy xảy ra càng nhiều? Trong giai đoạn giám sát gần 150.000 lớp tuyên truyền, huấn luyện được tổ chức, hơn 4 triệu pano, khẩu hiệu được phát hành, 1.500.000 lượt tổ chức kiểm tra và hàng triệu tồn tại, thiếu sót đã được chỉ ra nhưng số vụ cháy năm 2017 lại gấp đôi năm 2015 và mới 7 tháng năm 2018 đã vượt quá nửa cùng kỳ. Cháy bất kể nơi đâu, bất cứ lúc nào, cháy trước khi đoàn giám sát đến và ngay khi đoàn vừa rời đi. Như vậy công tác tuyên truyền, kiểm tra, huấn luyện có ý nghĩa và mang lại hiệu quả gì? Bao nhiêu nguồn lực xã hội đã bỏ ra, tuy nhiên làm nhiều nhưng đọng lại ít và hệ quả là “những cái giá như” không có hồi kết.

Có sự du di, thỏa hiệp và “đi đêm”?

Thực trạng trên có nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm và nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ, kéo dài thời gian khắc phục lỗi vi phạm. Nhấn mạnh đây chính là sự khinh nhờn pháp luật, ĐB Phạm Trọng Nhân một lần nữa đặt vấn đề “có hay không sự du di, thỏa hiệp, “đi đêm” giữa chủ đầu tư với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền trong quy trình thực hiện PCCC, đặc biệt là công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra công trình? Nếu có thì đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, khác gì tội ác khi cơ hội được sống và sống an toàn của người dân bị tước đi sau những lần du di, thỏa hiệp? Lẽ nào những nỗi đau tận cùng sau thảm kịch Carina vẫn chưa đủ thức tỉnh lương tri những ai có trách nhiệm để chấm dứt câu chuyện phạt cho tồn tại hay sao?

ĐBQH Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cũng cho rằng, sự vô cảm với tính mạng của người dân đã và đang diễn ra ở không ít cán bộ, đặc biệt là một số khu chung cư cao tầng… Báo cáo giám sát của QH cho biết, không ít các tòa chung cư do chủ đầu tư, chủ cơ sở vì muốn cắt giảm chi phí nên đã cố tình lắp đặt các thiết bị, các phương tiện PCCC không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém và chưa được kiểm định, rất dễ hỏng, khi xảy ra cháy thì không thể báo cháy được.

Đã đến lúc cần phải truy rõ trách nhiệm và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan - ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị. Từ thực tế tham gia một số đoàn giám sát, đại biểu chỉ rõ, lỗ hổng trong việc triển khai thực hiện khá rõ. Cơ quan chức năng khẳng định là làm tốt công tác tuyên truyền nhưng người dân lại bảo là chúng tôi không biết. Cơ quan chức năng khẳng định là có kiểm tra, có giám sát và rất quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát nhưng sai phạm trong cháy, nổ thì được xử lý rất ít. Cháy rừng ở một vài địa phương thì các địa phương khác mới quan tâm tới công tác phòng, chống cháy rừng. Cháy quán karaoke ở một địa phương thì các địa phương khác mới rà soát việc phòng, chống cháy, nổ…. Đáng buồn là khi truy cứu trách nhiệm có vấn đề thì trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, còn dưới thì quy là trên không hướng dẫn. Người dân thì cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành. Hãy ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Bức tranh tổng thể về PCCC như nhận xét của ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, không có gì mới, nguyên nhân không có gì bất ngờ. Vậy nên, điều quan trọng nhất sau giám sát tối cao của QH là những hạn chế, tồn tại này sẽ được chấn chỉnh như thế nào chứ không phải như vừa qua, sau khi cơ quan chức năng kết thúc kiểm tra thì mọi việc lại đâu vào đấy chẳng khác nào “ném đá ao bèo”.

ĐB Phạm Trọng Nhân nhắn nhủ, điều cần hơn cả một đạo luật, một nghị quyết về giám sát tối cao của QH chính là cái tâm kiên quyết không thỏa hiệp với các sai phạm và sự tắc trách từ các cơ quan chức năng, cũng như tinh thần cảnh giác cao độ, không lơ là của doanh nghiệp và người dân trong ý thức PCCC để không còn tái diễn những thảm kịch, không còn nỗi ám ảnh bởi tiếng còi cứu hỏa và những cái chết oan ức, thương tâm như vừa qua.

Ý Nhi