Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ lần thứ 5 tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có hợp lý? (*)

- Thứ Tư, 21/08/2019, 08:06 - Chia sẻ
Lược ghi Báo cáo đề dẫn của Ủy viên Trung ương Đảng, ỦY VIÊN ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI, TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU TRẦN VĂN TÚY tại hội nghị

Kính thưa Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội

Kính thưa các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể các đồng chí.

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Trên thực tế, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động giám sát, thẩm tra các chương trình, dự án đầu tư công thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là: Một số quy định liên quan đến đầu tư công chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể nên gặp khó khăn trong quá trình giám sát. Việc triển khai giám sát, thẩm tra các chương trình, dự án đầu tư công còn gặp nhiều lúng túng, nhất là cấp huyện và cấp xã. Qua giám sát chuyên đề, chất vấn, giải trình, HĐND, Thường trực HĐND tỉnh đã kịp thời phát hiện, chỉ ra tồn tại, hạn chế trong thực hiện đầu tư công và yêu cầu các cấp có thẩm quyền thực hiện những giải pháp khắc phục nhưng hiệu quả chưa cao, vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, dẫn đến lãng phí ngân sách đầu tư công… việc giải quyết một số kiến nghị sau giám sát của cơ quan có liên quan còn chậm, chưa đạt yêu cầu; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị sau giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ…

Trước những mặt tồn tại, hạn chế như đã nêu ở trên, trong khuôn khổ hội nghị này, đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi sâu phân tích, trao đổi những kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn, những vấn đề đặt ra hiện nay đối với hoạt động giám sát, thẩm tra các chương trình, dự án đầu tư công, việc quản lý, sử dụng tài sản công, có thể trong báo cáo tham luận chưa đề cập đến. Đồng thời đề xuất, kiến nghị những nội dung cụ thể với UBTVQH, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Hoạt động giám sát của QH, HĐND; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đất đai; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kịp thời hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công.


Ảnh: Trung Thành

Kính thưa các vị đại biểu!

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được Chính phủ trình QH xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến QH sẽ xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIV. Tại phiên họp thứ 35 của UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về các nội dung giải trình, tiếp thu của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo về tổ chức và hoạt động.

Trong tổ chức, việc thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp được quy định tại khoản 1, Điều 18 (đối với cấp tỉnh); Khoản 1, Điều 25 (đối với cấp huyện); Khoản 1, Điều 32 (đối với cấp xã); Khoản 1, Điều 39 (đối với cấp thành phố trực thuộc Trung ương); Khoản 1, Điều 46 (Đối với cấp quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương); Khoản 1, Điều 53 (đối với thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) trong Dự thảo Luật sửa đổi có hợp lý? Có nên đề xuất bổ sung quy định về việc giảm tỷ lệ đại biểu ở các cơ quan nhà nước? Có nên quy định cụ thể tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách không?

Việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và tăng số Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II được quy định tại Khoản 2, Điều 18 (đối với cấp tỉnh) và tại Khoản 2, Điều 25 (đối với cấp huyện), Khoản 2, Điều 39 (đối với thành phố trực thuộc Trung ương); Khoản 2, Điều 46 (đối với cấp quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương); Khoản 2, Điều 53 (đối với thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) có hợp lý không hay nên giữ nguyên như hiện nay, lý do vì sao? Việc thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã, trong dự thảo không có quy định. Xin ý kiến các đồng chí có nên kiến nghị thành lập Tổ đại biểu HĐND xã không, lý do vì sao?

Cơ cấu tổ chức của UBND quy định như hiện nay đã hợp lý chưa? Hay chỉ cần Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an và một số Ủy viên khác là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND?

Về việc thành lập bộ máy tham mưu, giúp việc HĐND, cần sớm tổng kết Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4.10.2018 của UBTVQH (ở hội nghị này có TP Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang đang thực hiện) nên đề nghị mô hình tổ chức bộ máy giúp việc như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế? Lý do?

Dự thảo Luật chưa quy định mối quan hệ và trách nhiệm của UBND với Thường trực HĐND cấp tỉnh, mối quan hệ giữa Thường trực HĐND cấp tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện; mối quan hệ giữa Thường trực HĐND cấp huyện với Thường trực HĐND cấp xã. Vậy có nên bổ sung nội dung này vào trong dự thảo Luật sửa đổi không?

Trong hoạt động, về thẩm quyền của Thường trực HDNĐ giữa hai kỳ họp, dự thảo Luật quy định bổ sung Khoản 11 vào Điều 104 “Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của các luật chuyên ngành”, quy định như vậy có phù hợp không hay cần quy định cụ thể hơn để dễ áp dụng trong thực tế. Về hoạt động TXCT của Thường trực HĐND, dự thảo Luật chưa quy định, vậy có nên đề nghị bổ sung?

Để bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung Luật khắc phục được những vướng mắc trên thực tế và phù hợp với chủ trương của Đảng, tiếp tục nâng cao chất lượng vai trò của HĐND. Tại hội nghị này, Ban Công tác đại biểu đã chủ động chuẩn bị dự thảo “Luật Tổ chức chính quyền địa phương - những vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của HĐND” và đã được gửi đến tất cả các đại biểu tham dự hội nghị. Tôi đề nghị các vị đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, đóng góp trí tuệ, tâm huyết cùng với Ban Công tác đại biểu hoàn thiện dự thảo văn bản để báo cáo UBTVQH xem xét, nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn!

______________

(*) Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

NGUYỄN NAM lược ghi