Việt Nam - đường tới thịnh vượng

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:23 - Chia sẻ
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2035. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, với nội lực hiện tại, Việt Nam cần làm gì để đạt được khát vọng này? Bên thềm xuân mới, Báo Đại biểu Nhân dân trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG; TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và TS. VÕ TRÍ THÀNH, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương.

Phác thảo “bức tranh thịnh vượng”

- Ông hình dung như thế nào về một Việt Nam thịnh vượng?

Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: Theo Báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng, chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2035, thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 USD. Chỉ tiêu này đánh giá độ thịnh vượng của mỗi quốc gia, chứ không phải là tốc độ tăng trưởng hay yếu tố nào khác.


“Chúng ta hoàn toàn có thể mạnh mẽ hơn để tiến lên phía trước, không ngại bất cứ điều gì”!
Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG

Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của nước ta mới đạt 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017 nhưng tốc độ tăng này vẫn đang quá chậm. Bởi các nước xung quanh chúng ta đều đã đạt 6 - 7.000 USD, thậm chí trên 10.000 USD. Ngay như Trung Quốc cũng đã đạt 9.000 USD/người. Nếu chúng ta không tăng nhanh thì khoảng cách này sẽ ngày càng giãn ra, ngày càng có nguy cơ tụt hậu. Vì vậy, cần phải quyết liệt hơn trong hành động, với tư duy mới, tầm nhìn mới tốt hơn để tranh thủ được các cơ hội mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn.

TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN: Mỗi thời, khái niệm “thịnh vượng” sẽ thay đổi. Thời nay, thịnh vượng không chỉ là thu nhập bỏ túi mà còn là cuộc sống văn minh hiện đại, gắn với công nghệ cao, toàn cầu hóa và lối sống của thế giới văn minh. Nhưng nói gì thì nói, hai yếu tố nền tảng của thịnh vượng là thu nhập thực của từng người phải cao, gắn với lượng người đói khổ, sống không giàu phải ít đi; đồng thời, cuộc sống phải hiện đại.

Nếu nói ở cơ cấu quốc gia thì tiêu chuẩn thịnh vượng là phải có một cơ cấu công nghiệp dựa trên công nghệ cao nhiều, dựa trên lực lượng doanh nghiệp của dân tộc mạnh. Ngược lại, nếu phần công nghiệp hiện đại do nước ngoài chi phối thì không thể nói là một nền kinh tế mạnh - cơ sở của thịnh vượng. Tóm lại, quốc gia mạnh, người dân giàu, lối sống hiện đại và cuộc sống trong lành, tính toàn cầu là các tiêu chuẩn của thịnh vượng. Ngoài ra, khái niệm thịnh vượng cũng gắn với dân chủ, công khai, minh bạch, một Nhà nước pháp quyền đầy đủ chứ không phải cai trị bằng những quy định không rõ ràng.

Việt Nam thịnh vượng thì thu nhập bình quân đầu người phải đạt 7.000 - 8.000 USD/người và chênh lệch về thu nhập không quá lớn. So với thu nhập hiện tại, chúng ta phải phấn đấu rất cật lực. Đồng thời, phải bảo đảm cho từng cá nhân, tổ chức phát huy được năng lực sáng tạo - mà muốn vậy thì phải có một xã hội cạnh tranh, công khai, minh bạch. Không có năng lực sáng tạo không có xã hội thịnh vượng mà chỉ có xã hội làm thuê thôi. Đây vừa là nội dung vừa là điều kiện tiền đề, động lực cho một xã hội thịnh vượng.

TS. VÕ TRÍ THÀNH: Thật ra, nói đến thịnh vượng có cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Theo nghĩa hẹp, thịnh vượng là nói đến thu nhập. Nhưng nhìn đầy đủ, thịnh vượng có nghĩa rộng hơn rất nhiều. Đó là phải hướng đến việc gắn với thu nhập là sức sống, sức sáng tạo, dân chủ, bền vững cả về mặt môi trường và xã hội. Tất cả những yếu tố đó tạo nên sự thịnh vượng của quốc gia, nhưng đằng sau hình ảnh đó còn là vị thế của đất nước trên thế giới, là sự đóng góp của dân tộc ấy vào sự thịnh vượng chung cho nhân loại.

Hiện nay, thu nhập của chúng ta vẫn ở mức trung bình thấp. Do vậy, để được thịnh vượng, tối thiểu phải là nước có thu nhập trung bình cao, như trong Báo cáo Việt Nam 2035 có đề cập.

Tăng trưởng phải cao và bền

- Thịnh vượng có nhiều khía cạnh, trong đó thu nhập bình quân đầu người phải đạt mức cao. Cách nào Việt Nam có thể tăng nhanh thu nhập bình quân đầu người, thưa ông?

TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN: Muốn tăng nhanh thu nhập bình quân đầu người, phải bảo đảm tăng trưởng cao và bền vững. Đây là điều kiện then chốt để các nước đi sau vượt lên. Bài học từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đã cho thấy điều đó. Song, kinh nghiệm của các nước này là họ luôn luôn thay đổi cơ cấu lên hiện đại, vì thế phần nội địa của họ tăng lên rất nhanh. Trong khi chúng ta tăng trưởng khá cao nhưng dịch chuyển cơ cấu chậm. Do vậy nền tảng vẫn là công nghiệp công nghệ thấp, khai thác tài nguyên nhiều, gia công nhiều. Nông nghiệp dù có dịch chuyển sang công nghệ cao nhưng nông dân truyền thống vẫn là chủ yếu. Du lịch vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sản lượng khách.


“Không nước nào đóng cửa trong toàn cầu hóa mà thịnh vượng được”.
TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN

Thực tế, một con kiến có thể chạy nhanh, chạy nhiều bước - nhưng sự nhanh đó chỉ là của con kiến. Quy mô GDP của chúng ta nhỏ giống như con kiến vậy. Do đó, muốn chạy được những bước to hơn, rộng hơn thì ta phải “biến hình” thành con khác. Nói cách khác, để tiến đến thịnh vượng Việt Nam phải tăng trưởng cao và bền vững, nhưng mấu chốt là phải liên tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: Chúng ta phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài, có thể còn cao hơn nữa, chứ không phải chỉ khoảng 6,8% (như mục tiêu Chính phủ đề ra trong năm 2019 - PV). Nếu chúng ta có điều kiện, tận dụng tốt các cơ hội, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng này lên được thì phải phấn đấu. Song, trong điều hành vẫn phải hết sức thận trọng, lắng nghe, rà soát, xem xét các rủi ro, những vấn đề của thế giới và nội tại nền kinh tế để điều hành thận trọng và linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là yêu cầu đầu tiên, qua đó củng cố niềm tin của thị trường và bảo đảm cho kinh tế phát triển bền vững. Chúng ta không thể quá cầu toàn là vì ổn định kinh tế vĩ mô mà không làm điều này, điều kia. Nếu có điều kiện thì vẫn phải tính toán, làm để phát triển mạnh mẽ hơn, bảo đảm thịnh vượng của quốc gia, tốc độ tăng trưởng cũng như thu nhập bình quân đầu người.

Kinh tế tư nhân trong nước là trụ cột

- Vậy thì con đường nào sẽ đưa Việt Nam hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng vào năm 2035, thưa ông?

TS. VÕ TRÍ THÀNH: Để Việt Nam thịnh vượng có nhiều biện pháp, nhưng theo tôi có hai vấn đề quan trọng nhất, gồm nhận thức và cải cách thể chế gắn liền những chính sách của nó.

Về nhận thức, chúng ta đã nhận thức được rằng phải coi khu vực tư nhân là động lực quan trọng cho phát triển. Trung ương cũng đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Còn về cải cách thể chế trên thực tế đã rất rõ. Đó là thể chế thị trường hiện đại, hội nhập; là bộ máy Nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch, có khả năng giải trình và có đủ bản lĩnh để làm chính sách và thực thi chính sách đưa đất nước phát triển.


“Phát triển kinh tế tư nhân trong nước là phát triển cho chính chúng ta”.
TS. VÕ TRÍ THANH

Trên con đường đi đến thịnh vượng, khu vực tư nhân là trụ cột quan trọng nhất. Bởi hai lẽ, thứ nhất, chúng ta muốn có một nền kinh tế thị trường thì buộc phải gắn với khu vực tư nhân. Thứ hai, nói đến kinh tế tư nhân thực chất là chính chúng ta, phát triển kinh tế tư nhân là phát triển cho chính chúng ta.

Thực tế, thời gian qua, chúng ta đã tháo gỡ điểm nghẽn về quyền tài sản, quyền sở hữu, cạnh tranh, tiếp cận nguồn lực (vốn, đất đai, công nghệ); giảm thiểu chi phí giao dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như cải thiện môi trường kinh doanh. Thậm chí, chúng ta đã suy nghĩ và có hành động cụ thể để doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị, mạng sản xuất khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nỗ lực dần chính thức hóa được khu vực hộ gia đình kinh doanh, đưa họ làm ăn bài bản, chuyên nghiệp hơn như doanh nghiệp. Gần đây, chúng ta cũng quan tâm tới khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành các hệ sinh thái. Đây là hướng để đưa Việt Nam phát triển thịnh vượng, chúng ta đã làm song vẫn cần quyết liệt hơn.

Một hướng nữa là phải làm sao để số doanh nghiệp có vốn nhiều, lao động nhiều, quy mô lớn phải thực sự lớn, có năng lực đổi mới sáng tạo, trở thành doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt. Hiện, đã có một số tập đoàn bắt đầu chuyển sang những lĩnh vực gắn hơn với công nghệ, nghiên cứu và triển khai (R&D) nhưng vẫn còn khoảng cách rất lớn để đủ sức cạnh tranh, thực sự và đủ sức là doanh nghiệp dẫn dắt, tiên phong. Để có được đội ngũ doanh nghiệp này, phải khuyến khích đầu tư cho công nghệ. Muốn vậy, phải thực sự coi trọng khởi nghiệp và sáng tạo. Song song với đó, phải hướng những doanh nghiệp lớn thực sự chuyển sang công nghệ. Một mặt, các doanh nghiệp này phải “dám chơi” và “biết chơi”. Mặt khác, Nhà nước phải hỗ trợ như về mặt giáo dục đào tạo, hạ tầng, hoạt động R&D, đơn đặt hàng của Nhà nước đối với doanh nghiệp - đây là những hỗ trợ không vi phạm các cam kết quốc tế. Nên nhớ, thuế không phải là yếu tố quyết định!

Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: Để đạt được mục tiêu thịnh vượng, chúng ta vẫn phải dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiệu quả hơn; cải cách cũng phải toàn diện, sâu rộng và thực chất hơn. Đặc biệt, phải đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.

Về hạ tầng cơ sở hiện nay cũng còn nhiều vấn đề bức xúc. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, muốn phát triển trong nước và hội nhập tốt thì phải có năng lực cạnh tranh, muốn có năng lực cạnh tranh thì phải có hạ tầng tốt. Nhưng hạ tầng của chúng ta vẫn chưa theo kịp Nghị quyết 13 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; triển khai vẫn chậm, chưa đạt. Thể chế cũng thế! Cơ hội để chúng ta cải cách, cơ hội để đổi mới, đưa thể chế tốt, mới, tiếp cận thông lệ tốt của quốc tế, tiến theo xu hướng nền kinh tế thị trường nếu không làm lần này thì mất đi các cơ hội.

Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh cuộc cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, dựa vào năng suất là chính, chứ không phải dựa vào vốn hay công nghệ.

TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN: Không nước nào đóng cửa trong toàn cầu hóa mà thịnh vượng được. Nước nào muốn đi nhanh, vươn lên nhanh phải nhập cuộc với thế giới, càng kết nối với lực lượng phát triển cao càng tốt. Nhưng trước hết, anh phải chuẩn bị trong nước thật tốt. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) - đều mở cửa, thu hút công nghệ thế giới và có thể chế thị trường hiện đại. Cải cách trong nước là điều kiện, mở cửa hội nhập tạo thành nguồn lực cho họ phát triển. Ta mở cửa tốt nhưng nội lực chưa chuẩn bị tốt.

Lực lượng kinh tế nào cũng quan trọng, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng đều có chức năng riêng có mình. Để chuẩn bị nội lực, Việt Nam phải có môi trường cạnh tranh để doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển bình thường - chỉ cần bình thường thôi, đất nước sẽ tốt lên ngay.

Hơn 30 năm qua, doanh nghiệp tư nhân không lớn được là do bị phân biệt đối xử. Trong các tầng của doanh nghiệp tư nhân trong nước, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa lại được quan tâm hơn. Bây giờ phải tư duy lại về lực lượng doanh nghiệp và cả hệ thống cơ chế chính sách để ủng hộ doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong khối doanh nghiệp tư nhân trong nước thì mỗi doanh nghiệp - lớn, nhỏ và vừa - có chức năng khác nhau; trong đó doanh nghiệp lớn phải đóng vai trò trụ cột. Việc phát triển doanh nghiệp tư nhân đồng thời phải thay đổi chiến lược đầu tư nước ngoài. Khối doanh nghiệp nước ngoài phải kéo doanh nghiệp tư nhân trong nước lên chứ không phải để cạnh tranh những cơ hội phát triển. Hiện, Cách mạng 4.0 đang tạo ra thay đổi, thế giới đang dịch chuyển chuỗi sản xuất. Đây là cơ hội tốt để chúng ta mặc cả, chọn lựa đầu tư nước ngoài.

Hai năm qua, chúng ta đã tiến hành cải cách bên trong lẫn hội nhập bên ngoài, với việc Đảng chống tham nhũng và khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, thực tế, chúng ta chưa giải quyết được vấn đề nền tảng mang tính triệt để, chưa chuẩn bị tốt cho hội hội nhập. Chừng nào chiến lược khoa học - công nghệ chưa trở thành trục chính của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại này thì chừng đó chưa giải quyết được hai vấn đề là nhân lực và khoa học công nghệ. Kỳ này phải đặt câu chuyện này ra.

Nói tóm lại, nhiệm vụ sống còn để đưa Việt Nam thịnh vượng - một là, phải phát triển lực lượng doanh nghiệp của Việt Nam hiện đại; hai là, chiến lược khoa học công nghệ phải trở thành trục chính của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; ba là, có chiến lược liên kết hội nhập quốc tế. Có thể hy vọng giai đoạn 2019 - 2020 là nền tảng cho thay đổi cơ cấu, thoát khỏi thân phận con kiến để biến hình sang nấc thang khác, đẳng cấp khác. 

- Xin cảm ơn các ông!

Hà Lan - Vũ Thủy - Thái Bình thực hiện