Việt Nam đủ khả năng chữa trị dịch bệnh Covid-19

- Thứ Tư, 19/02/2020, 09:32 - Chia sẻ
Ngày 18.2, 2 bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 chính thức được xuất viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Sau khi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 2 bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm âm tính với chủng virus Corona mới. Để hiểu rõ về công tác điều trị, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trò chuyện cùng TS. LƯƠNG NGỌC KHUÊ - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

Phác đồ đúng, trúng và kịp thời

- Sự kiện 2 bệnh nhân mắc Covid -19 chính thức được xuất viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, quả thực là tín hiệu rất đáng mừng đối với nền y tế Việt Nam. Xin ông chia sẻ thêm về công tác điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 thời gian qua?

- Trước hết tôi xin khẳng định, đây không chỉ là niềm vui của riêng ngành y tế mà là niềm vui của cả đất nước, cộng đồng khi đã đưa bệnh nhân trở lại hòa nhập cộng đồng. Sự thành công này cũng đánh một mốc rất quan trọng, ở thời điểm mà cả thế giới lo lắng, đặc biệt là ở Vũ Hán thì Y tế Việt Nam có những người khỏi bệnh liên tiếp.

Về công tác điều trị, các bệnh viện đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Các phác đồ điều trị của Bộ Y tế đã bước đầu cho thấy hiệu quả. Đây không chỉ là thành quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời mà còn là công sức của cán bộ y, bác sĩ. Mỗi bệnh nhân ra viện sẽ tạo thêm niềm tin cho cộng đồng và thậm chí cho cả thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đánh giá cao những thành quả mà y tế Việt Nam đạt được.

Tuy chỉ có 16 người bệnh nhưng chúng ta đã có đủ mô hình bệnh nhân từ già, trẻ, nam, nữ và cả bệnh nhân nhi. Có những bệnh nhân sức khỏe yếu, có nhiều bệnh nên thậm chí đã từng bị cắt một phần phổi cùng với nhiều bệnh lý huyết áp, tim mạch…, cũng có người đi ra từ chính vùng dịch Vũ Hán nhưng đã được điều trị hết sức tích cực và không ít người đủ điều kiện ra viện.

Đặc biệt, hiện Việt Nam chưa có trường hợp bệnh nhân tử vong do Covid-19 trong khi nhiều nước có y học phát triển đã ghi nhận có người tử vong. Đây là tín hiệu đáng mừng của y tế nước ta khi đã có được phác đồ đúng, trúng và kịp thời.

- Sự thành công này là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của những y, bác sĩ cùng sự phối hợp, sát cánh của Bộ Y tế, thưa ông?

- Đối với một bệnh dịch nguy hiểm khi WHO phải công bố lệnh khẩn cấp, cứ mỗi ngày lại có hàng nghìn người mắc mới, hàng trăm ca tử vong thì không trừ thầy thuốc ở tuyến đầu mà mọi tuyến đều nguy hiểm. Hơn nữa, theo thông tin từ phía Trung Quốc, đã có hàng nghìn cán bộ y tế nhiễm bệnh và có ca tử vong. Bộ đã sát cánh cùng với các thầy thuốc ở Trung ương và ở tuyến đầu Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), nên dù ở Trung ương hay cơ sở chúng tôi đều thấu hiểu được sự vất vả, sự cố gắng cũng như nỗi lòng của những các bộ y tế tham gia công tác chống dịch. 

Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đánh giá cao tất cả thầy thuốc đã tham gia vào công cuộc điều trị, phòng chống dịch. Họ là những người đã quên mình, không màng lợi ích cá nhân để chữa trị cho người bệnh. Để rồi, điều đọng lại trong tâm trí của những bệnh nhân xuất viện là những “thầy thuốc như mẹ hiền”, rất gần gũi và tận tình.

Thực hiện tốt công tác cách ly

- Vừa qua, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có công văn chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm các trường hợp cách ly trong bệnh viện. Ông có thể nói cụ thể hơn về yêu cầu này?

- Một trong những nguyên tắc hàng đầu đối với bệnh truyền nhiễm là phải cách ly thật tốt. Đối với Covid-19, đặc biệt trong khu vực bệnh viện, càng phải bảo đảm tuyệt đối cách ly nguồn bệnh. Người bệnh có thể ở trong tình trạng nghi ngờ, có thể đã dương tính nhẹ hay thậm chí là bệnh nặng thì bước đầu tiên khi họ tới viện là phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế.

 Cách ly để bảo đảm an toàn cho công tác chuyên môn, an toàn cho thầy thuốc, cho người bệnh, cộng đồng, vì vậy phải được phân loại và tổ chức hợp lý ở tất cả các tuyến của hệ thống y tế. Mục tiêu là sẽ không để bệnh lây lan cho các thầy thuốc và từ bệnh viện cũng không để lây lan trong cộng đồng.

Để giúp cho công tác cách ly hiệu quả, công văn đã chia ra 3 nhóm cách ly cụ thể. Nhóm thứ nhất là các đối tượng nghi ngờ, chưa phải người bệnh dương tính sẽ tiến hành cách ly tại nhà, hoặc địa điểm cách ly tập trung để tiện việc theo dõi cho các cơ quan chức năng. Nhóm 2 là những người đã bị bệnh ở mức nhẹ vẫn có thể trạng tốt nhưng vẫn phải cách ly chặt chẽ. Cuối cùng là những ca bệnh nặng, công tác cách ly phải tuyệt đối nghiêm ngặt, từ quần áo, vật dụng, chất thải, các nguồn vi sinh vật đều được xử lý theo chuẩn an toàn sinh học, kiểm soát nhiễm khuẩn.

- Thưa ông, việc phân tuyến trong điều trị Covid-19 có tầm quan trọng như thế nào?

- Bộ Y tế ngay từ đầu đã phân tuyến điều trị ở các cấp, theo phương châm 4 tại chỗ. Phương châm 4 tại chỗ gồm: Phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi được tổ chức ở các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện là tuyến cơ sở đầu tiên, sau đó lên tuyến trên khi người bệnh có triệu chứng cần phải đáp ứng được nhu cầu điều trị.

Ngành y tế hạn chế chuyển bệnh nhân lên các tuyến trên và các tỉnh khác nhau. Các ca bệnh thông thường được giám sát cách ly, điều trị tại trung tâm y tế huyện, nếu nặng hơn mới lên tuyến tỉnh và tùy diễn biến nặng hơn mới chuyển lên tuyến Trung ương. Y tế tuyến xã, thôn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp chính quyền địa phương theo dõi, chăm sóc, động viên tinh thần bệnh nhân sau khi điều trị khỏi, trở về gia đình và cộng đồng.

Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm Covid-19 được thực hiện từ tuyến huyện, chỉ chuyển tuyến về các bệnh viện cao hơn (tỉnh, Trung ương) khi quá khả năng điều trị. Điều này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

- Xin cảm ơn ông!

Tùng Dương thực hiện