Việt Nam lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng đại học thế giới của THE

- Thứ Năm, 12/09/2019, 12:35 - Chia sẻ
Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) vừa công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới 2020 (World University Rankings 2020) tại Hội nghị Thượng đỉnh về học thuật của THE tổ chức tại Zurich (Thụy Sỹ). Theo đó, lần đầu tiên 3 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam lọt vào danh sách này, cùng với gần 1.400 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới. Cụ thể, ĐHQG Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 801 - 1.000 thế giới, ĐHQG TP Hồ Chí Minh trong nhóm 1.000+.

ĐHQG Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng đạt mức điểm 22,2 - 28,2, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đạt mức điểm 10,7 - 22,1 của THE. Trong đó, ĐHQG Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu nhóm cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có mặt trong Bảng xếp hạng này. ĐHQG TP Hồ Chí Minh đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp, trong khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.


Thứ hạng các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong Bảng xếp hạng THE thế giới

Năm nay, THE xếp hạng cho 1.395 cơ sở giáo dục đại học trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục đại học tham gia. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong quy mô xếp hạng đại học thế giới của THE. Các cơ sở giáo dục này thuộc 92 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Xếp hạng thế giới của THE dựa trên 5 nhóm tiêu chí. Thứ nhất là giảng dạy (môi trường học tập) với trọng số điểm xếp hạng là 30% và 5 tiêu chí xếp hạng, bao gồm: Kết quả khảo sát về uy tín giảng dạy (15%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (4,5%), tỷ lệ học viên nghiên cứu sinh/sinh viên đại học (2,25%), tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ (6%), và thu nhập của đơn vị (2,25%). Thu nhập của trường đại học được THE tính thông qua chỉ số sức mua tương đương, phản ánh mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hoạt động dạy và học ở trường đại học. Thứ hai là nghiên cứu (số lượng; thu nhập; uy tín) với trọng số 30%, bao gồm: Kết quả khảo sát về uy tín nghiên cứu khoa học (18%), thu nhập từ nghiên cứu (6%), và năng suất nghiên cứu (6%).


ĐHQG Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu nhóm cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong Bảng xếp hạng này

Thứ ba là trích dẫn (số trích dẫn quốc tế trung bình của một công trình của trường đại học) với trọng số 30%. Dữ liệu được tính thông qua 23,400 tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liêu Scopus trong giai đoạn từ 2014 - 2018. Lượng trích dẫn được tính cho các ấn phẩm này trong giai đoạn từ 2014 - 2019. Đã có 12,8 triệu công bố và 77,4 triệu trích dẫn được tính toán. Thứ tư là quốc tế hóa (về cán bộ, sinh viên, nghiên cứu) với trọng số 7,5%, bao gồm: Tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%), và chỉ số hợp tác quốc tế (2,5%, thông qua số công bố khoa học có ít nhất 1 đồng tác giả là học giả quốc tế). Thứ năm là thu nhập từ doanh nghiệp (chuyển giao tri thức) với trọng số 2,5% tính thông qua tổng thu nhập từ chuyển giao công nghệ và tri thức cho doanh nghiệp.

Để có dữ liệu xếp hạng, THE căn cứ vào cơ sở dữ liệu khoa học SCOPUS (của Nhà xuất bản Elsevier) cho các tiêu chí về năng suất nghiên cứu, trích dẫn khoa học và hợp tác quốc tế. Các khảo sát về uy tín giảng dạy và nghiên cứu khoa học được THE chủ động gửi cho các tác giả có công bố trong cơ sở dữ liệu SCOPUS. Các tiêu chí về thu nhập được chuẩn hóa dựa trên chỉ số sức mua tương đương (PPP). Các tiêu chí còn lại được THE đánh giá dựa trên dữ liệu do trường đại học cung cấp. Việc tính điểm và xử lý dữ liệu của THE được tổ chức kiểm toán độc lập, chuyên nghiệp là PricewaterhouseCoopers (PwC) giám sát đầy đủ và độc lập.


Quốc tế hóa là một trong năm nhóm tiêu chí để xếp hạng thế giới của THE

Theo Bảng xếp hạng thế giới 2020 của THE, ĐH Oxford năm thứ 4 liên tiếp giữ vị trí số 1, ĐH Cambridge rơi xuống vị trí thứ 3, trong khi Viện Công nghệ California tăng 3 bậc, lên vị trí thứ 2. Các trường đại học Stanford, Yale, Harvard đều có mặt trong top 10. Ở châu Á, các trường đứng đầu là Đại học Thanh Hoa (thứ 23 thế giới), Đại học Bắc Kinh (24) và Đại học Quốc gia Singapore (25). Khu vực Đông Nam Á, trong top 1.000 của bảng xếp hạng này, Thái Lan có 16 trường, Malaysia 13 trường, Indonesia 6 trường, Singapore 2 trường.

 Ngoài việc lọt vào nhóm 801 - 1.000 thuộc Bảng xếp hạng đại học thế giới của THE, ĐHQG Hà Nội còn nằm trong nhóm 801 - 1.000 thuộc Bảng xếp hạng đại học thế giới của QS, đứng thứ 124 trong Bảng xếp hạng đại học châu Á của QS. Tại Bảng xếp hạng Webometrics (về xây dựng đại học số hóa), ĐHQG Hà Nội cũng tiếp cận top 1.000 thế giới và đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. ĐHQG Hà Nội cũng có nhiều ngành đào tạo thuộc top 1.000 thế giới trong bảng xếp hạng QS như: Nhóm ngành vật lý và thiên văn học thuộc nhóm 501 - 550 thế giới (đứng đầu ở Việt Nam); nhóm ngành kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo đứng thứ 451 - 500, và nhóm ngành khoa học máy tính và hệ thống thông tin đứng thứ 551 - 600. Riêng đối với lĩnh vực Vật lý, ĐHQG Hà Nội là cơ sở đại học duy nhất ở Việt Nam được US NEWS xếp hạng và đứng thứ 502 thế giới.

Hương Linh