Việt Nam lần đầu tiên có tạp chí khoa học lọt top uy tín thế giới

- Thứ Năm, 02/07/2020, 09:09 - Chia sẻ
Web of Science-Clarivate, một cơ sở dữ liệu khoa học uy tín của thế giới vừa công bố chỉ số ảnh hưởng Impact Factor (IF) năm 2020. Theo đó, Tạp chí Khoa học: Vật liệu và Linh kiện tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên đạt chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor-IF) = 3.783 lọt nhóm Q1 (25%) của Scimago.
Tạp chí Khoa học Vật liệu và Linh kiện tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội (Journal of Science: Advanced Materials and Devices)
Tạp chí Khoa học Vật liệu và Linh kiện tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội
(Journal of Science: Advanced Materials and Devices)

SCImago (trụ sở ở Tây Ban Nha) là một tổ chức nghiên cứu làm nhiệm vụ cung cấp thông tin về chất lượng nghiên cứu khoa học của các quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, mức độ uy tín của các tạp chí thông qua việc phân tích các chỉ số dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus do Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan, xây dựng từ năm 2004.

SCImago xếp hạng chất lượng tạp chí bằng chỉ số SJR (SCImago Journal Ranking), trong đó tính đến số lượng trích dẫn mà mỗi tạp chí nhận được và uy tín của các tạp chí trích dẫn lại tạp chí đó. Chỉ số này được SCImago phát triển từ thuật toán xếp hạng trang web của Google (Google PageRank).

Dựa trên chỉ số SJR, các tạp chí được phân thành 4 nhóm: Q1, Q2, Q3, và Q4 theo các chủ đề nghiên cứu, trong đó, Q1 bao gồm 25% các tạp chí hàng đầu. Chỉ số SJR có thể biến đổi, phụ thuộc vào kết quả đánh giá hàng năm.

Các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đánh giá, đây là những chỉ số đáng tự hào, cho thấy sự phát triển nhanh và thành tựu xuất sắc của JSAMD.

Nếu nhìn sang các cộng đồng tạp chí rộng lớn của Ấn Độ và các ấn phẩm của châu Á, hiếm có tạp chí nào đạt được chỉ số cao trong thời gian như vậy. Các nhà khoa học kỳ vọng, JSAMD sẽ là đầu tàu thúc đẩy các tạp chí khác, góp phần thiết thực đưa các nghiên cứu của Việt Nam lên tầm thế giới.

Ấn phẩm đầu tiên của JSAMD - Tạp chí khoa học Vật liệu và Linh kiện tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội được xuất bản năm 2016. Như vậy, sau hơn 4 năm thành lập, JSAMD đã có những bước tiến đáng ghi nhận khi trở thành tạp chí thuộc hệ thống SCIE, SCOPUS và có chỉ số IF 3,78, thuộc danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới lĩnh vực khoa học vật liệu.

Ra mắt số đầu tiên vào tháng 3.2016, JSAMD tập trung công bố các công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực vật liệu và linh kiện tiên tiến bao gồm: vật liệu sinh học, vật liệu xanh, vật liệu năng lượng, siêu vật liệu biến hóa, vật liệu nano và composite, các vật liệu thông minh, vật liệu từ, vật liệu điện môi, vật liệu bán dẫn, vật liệu siêu dẫn, linh kiện và ứng dụng...

Số lượng bài báo khoa học gửi đến nhiều nhưng việc xét đăng bài trên tạp chí này chiếm tỉ lệ không cao. Sự khắt khe này cũng thể hiện uy tín của tạp chí và các bài đăng trên tạp chí đều được trích dẫn cao.

Những bài báo được chú ý, có trích dẫn cao gần đây như: Ảnh hưởng của nhiệt độ phản ứng và nồng độ chất phản ứng đến đặc tính kháng khuẩn của kết tủa đồng được tổng hợp bằng axit L-ascorbic làm chất khử; Đặc tính cảm biến của ống nano carbon đa thành sulfonated và vật liệu nano graphene với polyaniline; Ảnh hưởng của xử lý nhiệt độ thủy nhiệt đến phương sai của huỳnh quang trong Ca2SiO4: Tb 3+...

Một năm trước, JSAMD lần đầu tiên được Scimago xếp hạng, trong đó, 2 lĩnh vực Vật liệu composite và Vật liệu từ, điện tử, quang được xếp nhóm Q1; còn 2 lĩnh vực Khoa học vật liệu và Vật liệu sinh học được xếp nhóm Q2.

Đầu tháng 6.2020, theo xếp hạng Tạp chí Scimago 2020 (cho kết quả xuất bản 2019), JSAMD tiếp tục duy trì nhóm Q1 với 3 nhóm lĩnh vực, cụ thể: Khoa học Vật liệu: top 18%; Vật liệu từ, điện và quang: top 15%; Vật liệu composite: top 19%. Riêng lĩnh vực vật liệu sinh học còn ở nhóm Q2, top 38%.

JSAMD xuất bản 4 kỳ/năm, mỗi kỳ dày khoảng 120 trang, với hội đồng biên tập gồm 31 nhà khoa học uy tín, trong đó có 23 nhà khoa học nước ngoài, và được cố vấn bởi GS S. Bland - Tổng biên tập Tạp chí Materials Today (IF= 24.537). JSAMD ra số đầu tiên vào tháng 3.2016, và đã được đưa vào hệ thống danh mục Web of Science và Scopus. Tạp chí được phát hành trên hệ thống Science Direct của Nhà xuất bản Elsevier.

Chỉ số IF là một số đo phản ánh số lượng trích dẫn trung bình theo năm của các bài báo khoa học được xuất bản gần đây trên tạp chí đó, dựa vào các thống kê của các tạp chí nằm trong danh mục Journal Citation Reports (Báo cáo Trích dẫn Journal - JCR).

Hiện nay, có khoảng trên 12.800 tạp chí được nằm trong danh sách của danh sách JCR và có chỉ số IF.

Theo xu hướng chung, các tạp chí sẽ có IF tăng do số lượng các bài báo có xu hướng tăng nhưng cũng có nhiều tạp chí có IF thay đổi không đáng kể hoặc thậm chí giảm.

 

Xuân Tùng