VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Áp Lãng Chân Nhân

- Thứ Sáu, 10/12/2010, 00:00 - Chia sẻ
Áp Lãng Chân Nhân là đạo hiệu của Đạo Sĩ người họ La, còn tên của Đạo Sĩ này là gì thì chưa rõ. Chuyện về Áp Lãng Chân Nhân đã được tác giả sách NAM ÔNG MỘNG LỤC ghi lại như sau:

 “Đời Tống Nhân Tông(1), nhà Lý nước An Nam đem binh thuyền đi đánh Chiêm Thành. Tới cửa Thần Đầu thì bỗng có sóng gió nổi lên liên tục mấy ngày liền, không sao qua được. Hoàng Đế nghe tin ở dãy núi gần đấy có vị Đạo Sĩ tu luyện một mình trong am, bèn cho mời tới để giúp việc cầu khẩn. Đạo Sĩ tới và nói rằng:

- Đã có sức mạnh của phúc đức thì thần cam đoan rằng tất cả chẳng đáng phải lo. Ngày mai xin cứ việc lên đường, chớ ngại gì cả.

Nửa đêm hôm đó, trời bỗng ngưng nổi gió. Sáng sớm, khi quân vừa ra biển, trông xa vẫn thấy sóng cao như núi, nhưng binh thuyền tới đâu thì sóng yên tới đó. Bấy giờ lại còn thoáng thấy bóng Đạo Sĩ bước đi trên mặt nước, khi phía trước, lúc đàng sau, rõ ràng mà không sao gần tới được. Ngày trở về, tới cửa Thần Đầu, Đạo Sĩ ra để nghênh tiếp, Hoàng Đế vui mừng ủy lạo cho. Đạo Sĩ nói:

- Thần biết Hoàng Đế có phúc lớn, chẳng có gì phải lo, tất cả là nhờ thần linh giúp đỡ chớ chẳng phải là do hạ thần.

Hoàng Đế lấy làm lạ, liền phong cho đạo hiệu là Áp Lãng Chân Nhân, ban thưởng cho Đạo Sĩ nhiều vàng và lụa, nhưng Đạo Sĩ không nhận. Sau, Đạo Sĩ vào núi mà không rõ đi đâu. Hoàng Đế hỏi người trong làng thì họ đều nói:

- Từ dạo ấy, Đạo Sĩ đi hái lá làm thuốc, không thấy trở về am để ở.

Chân Nhân người họ La, còn tên thì chưa rõ, chỉ gọi theo đạo hiệu là Áp Lãng Chân Nhân. Đạo Sĩ từ hồi còn trẻ đã bỏ vợ con để đi học đạo. Trong số các con cháu của Chân Nhân, có La Tu đỗ Tiến Sĩ, làm quan thời Trần Nghệ Vương(2), được phong tới chức Thẩm Hình Viện Sứ rồi mất. Người này thì chính tôi(3) có quen biết”.

Lời bàn: Thời Lý, Đạo Giáo rất thịnh, cho nên, xã hội tin theo rồi cả đến Hoàng Đế cũng tin theo, ấy cũng là sự thường. Tin theo và làm đúng với sự tin theo, ấy cũng là sự thường nữa. Thường niềm tin đại loại như thế này, dễ trở nên mãnh liệt, khi người ta phải đối đầu với nguy nan. Đi đánh giặc là nguy nan. Binh thuyền đang đi nơi cửa biển mà gặp gió bão cũng là nguy nan. Trong hai sự nguy nan ấy, Hoàng Đế nhà Lý cậy nhờ ở phù phép của Đạo Sĩ và đặt hết hy vọng ở Đạo Sĩ thì có gì là khó hiểu đâu.

Bởi quá tin nên Hoàng Đế nhà Lý quy hết mọi công lao cho Đạo Sĩ. Và, khi đã quy hết công lao cho Đạo Sĩ mà bỗng chốc quên ơn thì làm người thường chẳng được, huống nữa là làm đấng chí tôn của trăm họ. Cho nên, Hoàng Đế ngợi khen rồi ban thưởng là chí phải, đặt và ban đạo hiệu là Áp Lãng Chân Nhân (vị chân nhân có công đè sóng xuống) cũng là chí phải. Song le, người như Hồ Nguyên Trừng, quen thân với di duệ của Áp Lãng Chân Nhân vẫn không tìm ra sinh quán và tên thật của Áp Lãng Chân Nhân, thì không thể cho là chuyện thường. Đến đây cũng xin chớ trách vội, bởi vì nếu có sự thật đầy đủ về họ tên, sinh quán và năm sinh, năm mất, thì làm gì có sự thật về hành trạng đầy vẻ phi phàm của Áp Lãng Chân Nhân như đã kể ở trên. Với ngàn xưa, có những cái rất đúng, chẳng qua cũng chỉ vì nó sai lâu quá rồi mà chẳng ai nhắc nhở gì tới cả. Ngẫm mà xem!

 _______________________

1. Miếu hiệu đời Hoàng Đế thứ 4 của nhà Bắc Tống (Trung Quốc), tên là Triệu Trinh, sinh năm 1010, được lên nối ngôi năm 1022, ở ngôi 41 năm (1022 - 1063), mất năm 1063, hưởng thọ 53 tuổi.

2.  Tức Trần Nghệ Tông, ở ngôi từ năm 1370 đến năm 1372.

3. Tôi ở đây là Hồ Nguyên Trừng, tác giả của NAM ÔNG MỘNG LỤC.

Nguyễn Khắc Thuần