Vòng đàm phán quyết định

- Thứ Tư, 30/09/2020, 06:34 - Chia sẻ
Hôm qua, 29.9, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh bắt đầu vòng đàm phán thứ 9 cũng là cuối cùng kéo dài 4 ngày nhằm tập trung tháo gỡ những vướng mắc chủ đạo khiến hai bên sa lầy không tìm được tiếng nói chung lâu nay nhằm tìm hướng đi suôn sẻ cho quan hệ tương lai hậu Brexit.

Hướng tới mục tiêu chung

Vòng đàm phán hiện tại diễn ra trong bối cảnh EU và Anh có nguy cơ sắp diễn ra cuộc chiến pháp lý liên quan đến việc chính quyền London đề xuất dự luật Thị trường nội địa gây tranh cãi nhằm sửa đổi một số phần của thỏa thuận Brexit. Trong dự luật, vốn đang trong quá trình thông qua tại Quốc hội, có dự định sửa đổi điều khoản “chốt chặn” để tránh tình trạng tái lập biên giới “cứng” giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland.

Nguồn: AFP

EU yêu cầu Anh phải rút lại dự luật vì cho rằng vi phạm luật pháp quốc tế, coi đây là chìa khóa để duy trì lòng tin cũng như hy vọng đạt được thỏa thuận đôi bên cho giai đoạn sau chuyển tiếp. Mặc dù thừa nhận điều đó song London vẫn từ chối rút dự luật.

Dẫu vậy, trước thềm vòng đàm phán cuối cùng, cả hai đều tuyên bố hướng tới mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào cuối tháng 10 tới, cho phép tiến trình phê chuẩn diễn ra ở cả EU cũng như Quốc hội Anh. Trong các giai đoạn trước của Brexit, quá trình trên đã bị chậm trễ đáng kể do Hạ viện Anh nhiều lần bác bỏ. Vì vậy, nếu thuận lợi, thỏa thuận đạt được sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Lúc đó, xứ sở sương mù sẽ vĩnh viễn tách khỏi tất cả các thể chế cũng như luật pháp của EU để trở thành quốc gia thứ ba.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò mới đây do Ipsos Mori tiến hành cho thấy, người Anh đang tỏ ra thiếu tự tin về vai trò toàn cầu của Anh sau khi rời EU. Chưa đầy một nửa số người được khảo sát (49%) tin nước này là thế lực mạnh trên thế giới, giảm 10 điểm so với tháng 4.2019. Trong khi 41% nói rằng Anh nên thể hiện sức nặng của mình trong các vấn đề thế giới, thì tỷ lệ dân Anh nói đất nước nên ngừng tự huyễn hoặc mình là thế lực quan trọng đang tăng 5 điểm so với năm ngoái, lên 38%.

Mặc dù bi quan nhưng châu Âu vẫn được coi là mối quan hệ quan trọng nhất của Anh trên thế giới. Theo Ipsos Mori, cứ 4/10 người Anh đều nhất trí điều này, số người chọn EU gấp đôi so với lựa chọn Khối thịnh vượng chung hoặc Mỹ. Ngoài ra, 4/5 người đánh giá, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với EU là quan trọng bất chấp Brexit; 2/5 người tin ưu tiên hàng đầu cho quan hệ Anh - EU là đạt được thỏa thuận thương mại, chỉ 1/5 cho là cần ngăn chặn, phát hiện tội phạm và khủng bố, phối hợp đối phó với đại dịch Covid-19, hoặc di cư toàn cầu.

Chạy đua với thời gian

Tính đến thời điểm hiện tại, cả EU lẫn Vương quốc Anh chỉ có vài tuần để đạt được thỏa thuận thương mại chung trước năm 2021. Nếu không có thỏa hiệp, cả hai sẽ mất hàng trăm nghìn việc làm cũng như phần lớn thu nhập. Tuy nhiên, cả Brussels lẫn London vẫn đã và đang khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình, đồng thời tuyên bố sẽ không nhân nhượng trong các vấn đề chính.

Hôm đầu tuần, Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết, chính phủ của ông “đang chuẩn bị ngân sách trên cơ sở sẽ không có thỏa thuận thương mại hậu Brexit”. Theo nhà lãnh đạo này, nỗ lực thông qua dự luật Thị trường nội địa của Thủ tướng Anh Boris Johnson vi phạm một phần “thỏa thuận ly hôn” có sự ràng buộc pháp lý giữa EU và Vương quốc Anh đã “làm xói mòn lòng tin”.

Trong khi đó, Thủ tướng Johnson lập luận, ông sẽ không để EU lạm dụng hiệp ước đặt phần Bắc Ireland của Vương quốc Anh vào thế bế tắc kinh tế. EU phủ nhận điều đó, đồng thời khẳng định thỏa thuận Brexit hoàn toàn phải được tôn trọng vì nếu không nó có thể làm bùng phát căng thẳng trên đảo Ireland.

Anh và EU từng cùng cam kết trong thỏa thuận Brexit là sẽ bảo đảm không có chốt hải quan hoặc các “chướng ngại vật khác” trên biên giới Bắc Ireland - Cộng hòa Ireland. Biên giới mở là chìa khóa ổn định, nền tảng cho thỏa thuận hòa bình năm 1998 chấm dứt nhiều thập kỷ bạo lực giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc Ireland và những người theo chủ nghĩa liên minh Anh.

Trước khi vòng đàm phán diễn ra, một số nhà quan sát cảnh báo, Anh không nên cố gắng sử dụng thỏa thuận Brexit và các điều khoản của Bắc Ireland như “con bài mặc cả” trong các cuộc đàm phán thương mại. Trong bối cảnh đó, Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier của EU và người đồng cấp của Vương quốc Anh David Frost hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách về việc tiếp cận các vùng biển đánh cá Vương quốc Anh đối với tàu thuyền EU, cũng như số tiền hỗ trợ mà chính phủ được phép cung cấp cho các doanh nghiệp.

Liên quan đến cạnh tranh công bằng, EU muốn nước Anh cam kết và bảo đảm rằng các quy định của họ trong các lĩnh vực như viện trợ Nhà nước, tiêu chuẩn về xã hội và việc làm hay chính sách thuế không khác quá xa so với quy định của EU, ngay từ khi Vương quốc Anh tiếp cận thị trường châu Âu với tư cách là một quốc gia bên ngoài khối. Brussels lo ngại việc nới lỏng các quy tắc của nước Anh trong các lĩnh vực nói trên, ngay cả khi quốc đảo sương mù tiếp tục trao đổi hàng hóa và dịch vụ với EU thông qua một thỏa thuận thương mại, có thể dẫn đến sự méo mó về thị trường và cạnh tranh.

EU cáo buộc Anh cố gắng duy trì các đặc quyền mà nước này có với tư cách là thành viên của khối, trong khi không tuân thủ các quy tắc của EU. Đáp lại, Chính phủ Anh cho rằng khối đang đưa ra nhiều yêu cầu mà họ không hề áp dụng đối với các quốc gia khác mà EU có giao dịch thương mại, chẳng hạn như Canada. Hơn nữa, nếu nhượng bộ EU sẽ làm tổn hại đến chủ quyền của Anh.                                                

Linh Anh