Nhân lực tổ chức hoạt động bảo vệ trẻ em

Vừa ít, vừa thiếu chuyên nghiệp

- Thứ Tư, 10/07/2019, 20:02 - Chia sẻ
Nhân lực làm công tác trẻ em của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan, nhất là cấp xã, còn quá ít và phần lớn kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, lại hạn chế về kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, việc bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã còn chậm...

Đây được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động bảo vệ trẻ em theo quy trình của Luật Trẻ em và Nghị đinh 56/2017/NĐ-CP, được đưa ra tại Báo cáo kết quả thực hiện Luật Trẻ em năm 2017 - 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ về triển khai thực hiện Luật Trẻ em chiều 10.7, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cho biết, thời gian qua, công tác trẻ em đã đạt được những kết quả trên các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số vấn đề nóng về trẻ em vẫn trong xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp như: Tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt trong các cơ sở giáo dục; xâm hại trẻ em và phim ảnh, trò chơi gây hại cho trẻ em trên môi trường mạng; vẫn còn một bộ phận trẻ em phải lao động kiếm sống, lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tập trung trong khu vực kinh tế không chính thức; tình trạng tai nạn thương tích trẻ em và tử vong do tại nạn thương tích vẫn ở mức cao đặc biệt là tử vong do tai nạn giao thông và đuối nước; tỷ lệ trẻ em còi cọc vẫn còn cao (22,1% vào năm 2017), trong khi đó, những năm gần đây tỷ lệ béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi đã tăng; thực phẩm không an toàn xâm nhập trường học; sức ép về học hành, thi cử, chứng nghiện mạng và smartphone khiến trẻ em rơi vào tình trạng sang chấn tâm lý.


Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam phát biểu tại buổi làm việc

Cũng theo Cục trưởng Cục Trẻ em, việc tiếp cận giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và công bằng của một bộ phận trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo), trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em di cư vẫn là một thách thức trong nhiều năm tới.

Trong khi đó, nhận thức, năng lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, giáo viên, cha mẹ, học sinh, các thành viên trong xã hội về trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em còn hạn chế và thiếu cập nhật; đặc biệt kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, xử lý bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Do đó, việc lên tiếng, tố cáo, kiến nghị, xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em còn chậm. Thiếu sự hỗ trợ, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, dịch vụ và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em và nâng cao năng lực về thực hiện quyền trẻ em chưa hiệu quả. Năng lực bảo vệ trẻ em của một số công chức quản lý nhà nước, viên chức cung cấp dịch vụ, cán bộ điều tra còn hạn chế nên việc xử lý, phát ngôn trước các vấn đề, vụ việc trẻ em cụ thể gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Việc phối hợp chia sẻ thông tin, báo cáo kết quả hoạt động và tình hình thực hiện quyền trẻ em theo trách nhiệm được giao của các bộ, ngành còn chậm và chưa đầy đủ, dẫn đến báo cáo tổng hợp hạn chế về số liệu và đánh giá. Cơ chế thông tin từ cơ sở về trung ương để phản ánh những vấn đề liên quan đến quyền, bổn phận của trẻ em chưa thông suốt, kịp thời. Vẫn còn nhiều vấn đề, vụ việc liên quan đến trẻ em chưa được nắm bắt, phản ánh đầy đủ.

Kinh phí thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Việc phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực bảo vệ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em chưa tương xứng so với các lĩnh vực chăm sóc y tế, giáo dục. Tuy có nhiều chương trình đề án dành cho trẻ em, những nguồn kinh phí bố trí rất thấp, chỉ mang tính chất để chỉ đạo thực hiện thí điểm. Chưa có nguồn ngân sách tăng cường để giải quyết những vấn đề nóng (bạo lực, xâm hại tình dục, đuối nước)... Nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình, đề án dành cho trẻ em; bố trí ngân sách chi thường xuyên ở mức thấp cho công tác bảo vệ trẻ em; rút bớt ngân sách địa phương khi có ngân sách trung ương hỗ trợ...


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Ngô Thị Minh cho rằng, cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở phải chuyên nghiệp

Để thực hiện các quy định pháp luật, tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân giám sát, chất vấn thường xuyên việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về thực hiện quyền trẻ em; đặc biệt bố trí ngân sách, nhân lực để thực hiện Luật Trẻ em và các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em của địa phương; trách nhiệm chỉ đạo giải quyết các vấn đề trẻ em của người đứng đầu bộ, ngành, tổ chức, địa phương.

Theo nhiều ý kiến, cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở cần được đặc biệt quan tâm, sớm củng cố tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp, nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã; củng cố, phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cấp tỉnh; bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số cán bộ Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên hoặc người hoạt động không chuyên trách và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác bảo vệ trẻ em...

 Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Ngô Thị Minh cho rằng phải tháo gỡ bằng được cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở, quan tâm tới tính chuyên nghiệp, và hướng tới có luật về công tác xã hội thời gian tới, nếu không 20.000 người làm công tác xã hội sẽ rất khó khăn...

Tin và ảnh: Ng. Phương