Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu

Vượt lên thách thức

- Thứ Sáu, 18/10/2019, 07:58 - Chia sẻ
Từ Brexit cho đến mở rộng hay định hướng 5 năm tới, một loạt vấn đề nghị sự nặng nề và khó khăn đang chờ đợi các nhà lãnh đạo châu Âu tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày 17 - 18.10 (giờ địa phương).

Cuộc đua với thời gian

Trong hai ngày 15 - 16.10, các nhà đàm phán Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực đến phút chót để đạt được văn bản dự thảo thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) với hy vọng văn bản này sẽ được trình tại Hội nghị Thượng đỉnh tháng 10, vốn được xem là hội nghị cuối cùng trước khi Anh rời “ngôi nhà chung” theo kế hoạch vào ngày 31.10. Phái đoàn đàm phán của hai bên đã nhóm họp tới tận 1giờ 30 sáng 16.10 với 11 tiếng đồng hồ thảo luận, và được tiếp tục đến chiều 16.10.

Nhiều nguồn tin ngoại giao tại Brussels cho biết hai bên đã tiến rất gần đến một thỏa thuận nhưng vẫn chưa thể hoàn tất 100%. Michel Barnier, nhà đàm phán của EU vẫn tỏ ra đặc biệt thận trọng khi phát biểu trước báo giới vào 7h tối 16.10: “Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ quan trọng và công việc sẽ còn phải tiếp tục”.

Trong khi đó, báo chí Anh cũng phát đi thông tin cho biết, tối 15.10, Thủ tướng Boris Johnson đã chấp nhận nhượng bộ quan trọng liên quan đến biên giới Bắc Ireland. Theo đó, sẽ có một biên giới hải quan trên biển Ireland ngăn cách giữa đảo Ireland, bao gồm cả vùng đất Bắc Ireland thuộc Anh, với Vương quốc Anh. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng của ông Boris Johnson là phải thuyết phục được đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP), đảng liên minh với đảng Bảo thủ cầm quyền, chấp nhận phương án chia cắt này.

Hơn 3 năm sau cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa nước Anh rời EU, các cuộc đàm phán giữa London và Brussels hiện vẫn bế tắc xung quanh vấn đề nhức nhối nhất liên quan tới khả năng khôi phục kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Anh đề xuất Bắc Ireland sẽ vẫn ở lại khu vực hải quan của Anh, nhưng thuế của EU được áp với tất cả hàng hóa từ lục địa của Anh tới đảo này. Trong khi đó, EU cho rằng để đạt được thỏa thuận cần cân nhắc trở lại giải pháp là giữ Bắc Ireland trong Liên minh hải quan của khối mà Anh đã bác bỏ trước đó. Dublin và Brussels cho rằng, sự xuất hiện của các biện pháp kiểm soát ở Ireland là điều không thể chấp nhận được vì nó trái với Hiệp định hòa bình Bắc Ireland.

Điểm bất đồng nữa là vấn đề trao cho Chính quyền Bắc Ireland quyền phủ quyết đối với một thỏa thuận rút lui. Đề xuất ban đầu của ông Johnson là trao quyền này cho các nghị sĩ đảng DUP của Bắc Ireland. EU lại cho rằng, các nghị sĩ của Belfast sẽ không được triệu tập để quyết định về thỏa thuận trước khi nó có hiệu lực.

Nếu Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể xoay xở để đạt được một thỏa thuận thì phía trước ông vẫn còn nhiệm vụ cực kỳ khó khăn là thuyết phục Nghị viện nước này, vốn chia rẽ sâu sắc trong vấn đề Brexit, phê chuẩn nó. Các nghị sĩ Anh, từng 3 lần từ chối thỏa thuận do cựu Thủ tướng Theresa May đàm phán được, sẽ gặp nhau trong phiên họp đặc biệt vào ngày 19.10 để đưa ra ý kiến về một thỏa thuận mới trong trường hợp ông Boris Johnson đạt được với EU. Vì vậy, nếu nhượng bộ nhiều cho EU trên vấn đề Bắc Ireland, ông Johnson có nguy cơ đánh mất sự hỗ trợ của phái ủng hộ Brexit “cứng” và đảng DUP, điều đó có thể làm tiêu tan cơ hội phê chuẩn thỏa thuận tại Nghị viện Anh.

Ngược lại, nếu hai bên không tìm được thỏa thuận cho đến thời điểm trên, một đạo luật mới được Quốc hội Anh thông qua vào tháng 9 vừa qua yêu cầu ông Boris Johnson phải đề nghị hoãn Brexit trong thời gian 3 tháng, tức là tới ngày 31.1.2020.

Tại Brussels, nhiều người đã nghĩ đến việc hoãn Brexit thêm một lần nữa. Sẽ có thể cần vài ngày trong trường hợp lùi thời gian để Nghị viện Anh phê chuẩn thỏa thuận sau ngày 31.10. Phát biểu trước báo giới sáng 16.10, Thủ tướng CH Ireland Leo Varadkar nhận định, nhiều khả năng EU phải tổ chức một cuộc thượng đỉnh khác từ nay cho đến trước ngày 31.10, do còn quá nhiều điểm phải thảo luận kỹ. Phía EU vẫn yêu cầu Anh đưa ra các bảo đảm cụ thể và chặt chẽ hơn về việc chống gian lận hàng hóa qua biên giới Bắc Ireland. Tuy nhiên, nếu khoảng cách bất đồng không được thu hẹp trong những ngày tới, thời gian lùi sẽ lâu hơn rất nhiều, thậm chí có thể xuất hiện những kịch bản khác.

Thống nhất hành động về Thổ Nhĩ Kỳ

Một chủ đề quan trọng hàng đầu của hội nghị lần này sẽ là vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ và chiến dịch tấn công nhằm vào người Kurd ở Đông Bắc Syria, gây nguy cơ leo thang cuộc xung đột trong khu vực. Các nhà lãnh đạo EU được cho là sẽ thống nhất tuyên bố hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria “gây ra những hậu quả nghiêm trọng”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Pháp, Đức, Phần Lan và Na Uy xác nhận đã phong tỏa mọi thương vụ vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ do chiến dịch quân sự tại Syria. Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí trên toàn EU hiện vẫn chưa được đưa ra.

 Bên cạnh đó, khả năng EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ do chiến dịch quân sự ở Đông Bắc Syria cũng sẽ được đề cập, song đây không phải quyết định dễ dàng bởi vấn đề người tị nạn và nhập cư luôn là “quân át chủ bài” của Ankara khi cần gây sức ép với EU. Phản ứng trước làn sóng chỉ trích từ các đồng minh NATO và EU, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo châu Âu rằng Ankara có thể để hàng triệu người tị nạn tràn vào EU.

Chuyển giao, mở rộng và ngân sách

Tại hội nghị mùa thu này, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ bàn thảo về chương trình nghị sự chiến lược và các ưu tiên của EU trong giai đoạn 2019 - 2024. Chủ tịch mới đắc cử của Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến sẽ được mời trình bày các ưu tiên thời gian tới, bao gồm: Bảo vệ công dân và quyền tự do; thiết lập cơ sở kinh tế mạnh mẽ và năng động; xây dựng một châu Âu trung lập về khí hậu, xanh, cân bằng và mang tính xã hội cao; thúc đẩy các lợi ích và giá trị của châu Âu trên trường quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng mong muốn sẽ đề cập đến vấn đề mở rộng EU đối với Bắc Macedonia và Albania. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 15.10, các nhà ngoại giao của liên minh đã không thể đạt được sự đồng thuận để bật đèn xanh cho tiến trình đàm phán gia nhập đối với hai quốc gia này. “Cuộc thảo luận ở Luxembourg (ám chỉ cuộc họp của các nhà ngoại giao) đã diễn ra vô cùng khó khăn. Những gì diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh sẽ còn vất vả hơn” - một nhà ngoại giao châu Âu nhận định khi đề cập đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa “nhu cầu ổn định khu vực Đông Balkan và sự mệt mỏi vì mở rộng” của EU.

Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng sẽ có cuộc thảo luận đa phương đầu tiên về ngân sách cho giai đoạn 2021 - 2027 - một giai đoạn mà mỗi thành viên sẽ phải chi nhiều hơn để bù lại khoản thiếu hụt từ sự chia tay của nước Anh.

Đạt Quốc