Chính sách và cuộc sống

Xã hội hóa y tế - cần tư duy khác

- Thứ Tư, 04/09/2019, 09:00 - Chia sẻ
10 năm kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2008/QH12 về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, các cơ sở y tế công lập đã vay vốn, huy động vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; liên doanh, liên kết; thuê cơ sở, trang thiết bị; hợp tác với nhà đầu tư để xây dựng bệnh viện trong hoặc ngoài bệnh viện công; nhà đầu tư xây dựng bệnh viện để cho bệnh viện công thuê lại…

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, trong đó đã có các chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế, cho phép hợp tác công tư để khuyến khích phát triển y tế tư nhân, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư xây dựng bệnh viện, bước đầu hình thành một số tập đoàn bệnh viện, mô hình “bệnh viện phi lợi nhuận”. Y tế tư nhân phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô, từ 74 bệnh viện năm 2009 đã lên tới 206 bệnh viện vào năm 2018, trên 30 nghìn phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% dịch vụ nội trú cho người dân...

Tuy nhiên, nhưng với những người hoạt động trong lĩnh vực y tế, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa vẫn nhiều tâm tư và âu lo. Trong đó, mối lo lớn nhất, theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) là, vừa qua, các cơ sở y tế công lập luôn ở trong trạng thái phải cố gắng cân bằng, kiểm soát được cả hai yếu tố: Vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của ngành y tế là cứu người, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước; vừa phải thực hiện theo cơ chế thị trường để có thể nuôi sống được mình và thu hút, bồi dưỡng được nhân tài, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tất nhiên, không phải lúc nào, hai yếu tố này cũng có thể song hành với nhau. Trong khi đó, nhìn nhận, đánh giá của xã hội với ngành y tế trong nhiều trường hợp rất khắt khe. “Đọc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thấy thiên về nghi ngờ liệu ngành y tế có đang chạy theo xu hướng thương mại hóa hay không? Có phải bây giờ chỉ người có tiền mới được khám chữa bệnh chất lượng hay không?”, bà Lan nói.

Đây cũng là tâm tư được nhiều ĐBQH, những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực y tế chia sẻ tại Phiên họp toàn thể gần đây của Ủy ban Về các vấn đề xã hội. Cũng chính vì luôn ở trạng thái như trên nên hiệu quả xã hội hóa trong lĩnh vực y tế vẫn phụ thuộc vào ý chí chủ quan, sự năng động và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu Sở Y tế và người đứng đầu các cơ sở y tế. Hệ quả là có nơi thì “phá rào”, “vượt rào”, dù không hiếm trong số này có nguy cơ vi phạm pháp luật, còn đa phần cầm chừng, giữ an toàn.

Thực tế đã từng có những ý tưởng rất táo bạo được đưa ra nhưng việc áp dụng rất dè dặt, thậm chí chẳng nơi nào dám làm. Thuê CEO cho bệnh viện công chẳng hạn. “Để tìm được một giám đốc bệnh viện công rất nhiêu khê, từ tổ chức đảng có đồng ý hay không, có được quy hoạch không, có đủ tín nhiệm không… Nhưng sau đó, nếu bệnh viện hoạt động không hiệu quả thì sao? Không thể tự nhiên cách chức một ông giám đốc bệnh viện công. Trong khi đó, bệnh viện tư nhân lại rất nhanh nhạy, Hội đồng quản trị chỉ cần quyết ông này được thì mời về, không đáp ứng yêu cầu thì cho nghỉ việc, tìm người khác thay thế”, bà Lan dẫn chứng.

Về lâu dài, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ không thể chỉ trông chờ vào nguồn lực Nhà nước. Xã hội hóa để thu hút tối đa nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cho lĩnh vực quan trọng này là việc tất yếu phải làm. Muốn vậy, phải tư duy khác. Những rào cản trong thực hiện xã hội hóa y tế phải sớm được tháo gỡ với một hành lang pháp lý cụ thể và rõ ràng hơn. Cũng không nên quan niệm giản đơn rằng, xã hội hóa là ngân sách nhà nước sẽ không chi nữa, bệnh viện công phải “tự bơi” hoặc chỉ xã hội hóa nửa vời, tự chủ nửa vời.

Thay vào đó, mạnh dạn xã hội hóa, giao tự chủ theo nguyên tắc xã hội hóa đến đâu, giao tự chủ đến mức độ nào thì phải gắn với thẩm quyền, cơ chế giải trình và chịu trách nhiệm đến đó. Trong trường hợp bệnh viện nào có thể tự chủ được hoàn toàn thì dứt khoát cơ chế hoạt động phải khác, đặc biệt là cơ chế về tài chính, nhân sự... Với y tế ngoài công lập, cũng cần sớm hoàn thiện các chính sách khuyến khích phát triển y tế tư nhân, nhất là mô hình bệnh viện hoạt động không vì lợi nhuận và đặc biệt là tạo hành lang pháp lý minh bạch để thúc đẩy hợp tác công - tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị y tế cho các bệnh viện.

Nguyễn Bình