Cà phê phin

Xách ba lô lên..., thì sao?

- Chủ Nhật, 20/01/2019, 07:25 - Chia sẻ
Những năm gần đây, trào lưu “đón Tết ở một nơi xa” đã trở nên quen thuộc với một bộ phận người trẻ (thậm chí trung niên) ưa xê dịch. Nhưng sự cố không may vừa qua đối với đoàn du khách Việt Nam tại Cairo (Ai Cập) có lẽ đã phần nào gây ra một sự “nhụt chí” nhất định...

Là một người đam mê dịch chuyển, nhất là những chuyến du lịch nước ngoài, tôi đặc biệt quan tâm đến vụ khủng bố gài bom tại Cairo (Ai Cập) khiến đoàn du khách Việt Nam gặp nạn vào cuối tháng 12 vừa qua. Đây có lẽ là lần đầu tiên có một sự cố nghiêm trọng như thế này xảy ra cho một đoàn du khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài.

Trong những năm gần đây, số lượng du khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch ngày càng tăng. Sau khi đã thỏa mãn các điểm đến quen thuộc ở các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu, Mỹ…; nhiều du khách bắt đầu thích khám phá những hành trình khó đi hơn như Ai Cập, Ma Rốc, châu Phi hay thậm chí là Nam Mỹ xa xôi. Cho dù tình hình chính trị và xã hội của những nước này không ổn định và thỉnh thoảng xảy ra những bạo động ảnh hưởng đến an toàn du lịch, nhưng những trở ngại đó không khiến du khách chùn bước, thậm chí càng khó càng muốn đi cho bằng được, đặc biệt là những người đã đi du lịch khắp nơi và muốn… phủ sóng 5 châu cho chiếc hộ chiếu cá nhân của mình.

Trong một bài phát biểu của Mark Zuckerberg, người sáng lập ra Facebook, anh ta có một câu nói mà tôi rất thích: “Trong một thế giới luôn biến động hiện nay, thì rủi ro lớn nhất là không dám đối mặt với rủi ro”.

Tất nhiên sống trên đời này, không ai lại muốn mình phải đối mặt với rủi ro cả, từ chuyện kinh doanh đến đi du lịch mà những người có nhiều kinh nghiệm hay đi trước truyền đạt lại.

 “Chấp nhận được tính vô thường của đời sống và biết được không có gì trên đời là an toàn tuyệt đối, có lẽ lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn để tận hưởng cuộc sống và biết cách để đối mặt với những tình huống xảy ra trong đời mình”

Nhưng cho dù vậy, thì trong đời mỗi chúng ta, ai cũng có một vài lần phải đối mặt với rủi ro không lường trước được. biết cách đối mặt với chúng để tìm cách vượt qua một cách nhẹ nhàng nhất, để chúng không tác động tiêu cực đến họ.

Ai dám bảo không đi du lịch thì không gặp rủi ro? Ngay ở trên nước ta, nhiều người chấp hành an toàn giao thông và dừng xe trước đèn đỏ theo đúng hướng dẫn, nhưng vẫn trở thành nạn nhân của “hung thần xa lộ”. Một số người thậm chí ngồi trong nhà vẫn không an toàn tuyệt đối khi có một chiếc xe lao xuống và gây nên bao nhiêu cảnh tang thương, mất mát.

Chấp nhận được tính vô thường của đời sống và biết được không có gì trên đời là với những tình huống xảy ra trong đời mình.

Bản thân tôi cũng từng đối mặt với một vài sự cố rủi ro khi đi du lịch mà khi xảy ra rồi mới thở phào chứ lúc đối mặt với chúng cũng… hoảng loạn lắm. Trong chuyến đi 5 nước châu Âu tháng 4.2010, nhóm du khách chúng tôi đối mặt với không chỉ một mà đến hai sự cố nghiêm trọng. Đoàn mới bay đến Ba Lan, chặng đầu tiên của chuyến hành trình thì nghe được tin sốc: Chiếc Tupolev-154 chở tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski cùng hàng loạt quan chức cấp cao nước này gặp nạn. Cả Ba Lan chìm trong một không khí tang thương, u ám. Tất cả các hoạt động của đoàn phải dừng lại để chia sẻ nỗi buồn của nước bạn. Hai ngày sau, khi đoàn chuẩn bị bay sang Scotland thì… gặp sự cố thứ hai: Ngọn núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland phun trào dữ dội khiến hầu hết các chuyến bay trên bầu trời châu Âu phải đình trệ do lượng khói dày đặc. Phương tiện giao thông trở nên hỗn loạn và đoàn chúng tôi có nguy cơ phải ở lại Ba Lan… chịu quốc tang thêm vài ngày nữa. Nhưng nhờ sự linh hoạt và kinh nghiệm dẫn đoàn của người hướng dẫn viên, cuối cùng, chúng tôi cũng rời khỏi Ba Lan để sang nước Anh bằng phương tiện… đường bộ. Thay vì bay máy bay chỉ chưa đầy 2 tiếng, nhưng chúng tôi có chuyến trải nghiệm hơn 24 tiếng đồng hồ trên chiếc xe bus xuyên qua 5 nước châu Âu và được trải nghiệm một châu Âu yên bình bên ngoài cửa kính xe.

Một lần khác, khi đến Scotland, tôi cũng gặp một sự cố khiến mình tá hỏa. Do trời sương mù nên chuyến bay từ Aberdeen (Scotland) xuống London bị trễ chuyến. Đã thế, mới đáp xuống ga nội địa của sân bay Heathrow (London) thì nghe được tin sân bay bị đình công, các phương tiện vận chuyển từ ga 1 sang ga 3 (quốc tế) đều dừng hoạt động. Tôi chỉ còn chưa đầy một giờ để làm thủ tục nhưng phải xách vali chạy bộ xuyên qua cái sân bay khổng lồ này mà hai cái ga cách nhau cả cây số. Thế nhưng dù chạy hết tốc lực, đến nơi, chuyến bay của tôi cũng vừa hoàn tất thủ tục check in và tôi không thể được lên chuyến bay để trở về nhà. Dù đã nói đủ cách, nhưng luật là luật, tôi đành phải bỏ thêm 600 USD  để mua vé chuyến bay kế tiếp và phải về Dubai đợi thêm một ngày mới có chuyến bay khác về Việt Nam.

Hai sự cố du lịch quốc tế đó khiến tôi có thêm nhiều kinh nghiệm đối phó với tình huống xảy ra trên đường và có lúc phải chấp nhận rủi ro đến với mình. Để rồi sau một thời gian nhìn lại, chúng lại trở thành một kỷ niệm… đẹp để chia sẻ với bạn bè.

Bảo Khánh