Xây "ngôi nhà" thực sự an toàn cho trẻ

- Thứ Năm, 28/05/2020, 08:02 - Chia sẻ
Ví hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em như một "ngôi nhà", tuy nhiên điều khiến ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) băn khoăn, "ngôi nhà" này đang chỉ là mô hình chứ chưa thực sự an toàn, kiên cố, vững chắc. Để xây "ngôi nhà" bảo vệ trẻ em thực sự an toàn, kiên cố, vững chắc, cần bắt đầu từ nền móng...

Nền móng phải vững

Theo ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), thì Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em từ đầu những năm 1990. Điều này minh chứng rằng, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược quốc gia, được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, bảo đảm góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Ở tầm quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng là vậy. Còn về chính sách, pháp luật, qua kết quả báo cáo, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nhận thấy, trong giai đoạn giám sát, từ ngày 1.1.2015 - 30.6.2019, chúng ta đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em. Cụ thể là 83 văn bản của Trung ương gồm 18 luật, 30 văn bản là nghị định, quyết định và chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, 35 thông tư của các bộ và rất nhiều văn bản của địa phương. Tuy nhiên, có thể thấy rõ, "ở tầm quốc gia, chúng ta chưa có một chính sách, định hướng rõ ràng, được thể hiện đầy đủ trong một chương trình, kế hoạch hành động với các mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Chúng ta thiếu một thiết kế tổng thể về hệ thống, về phòng ngừa, về hệ thống xử lý trong vấn đề này", ĐB Nguyễn Văn Hiển nhận định.

Dẫn một câu chuyện cụ thể từ buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong khuôn khổ Chương trình Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em theo Quyết định 1235 của Thủ tướng Chính phủ, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho biết, đã nhận được câu hỏi của trẻ em: "Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại được xây dựng trên nền tảng nào? Vì chúng cháu nhận thấy, nó không bảo đảm cho sự vững chắc của một ngôi nhà bảo vệ trẻ với đầy đủ các kết cấu: nền móng, trụ cột và mái che. Hơn hết nó cần được bao phủ an toàn bằng tình yêu thương và trách nhiệm đối với trẻ".

Rõ ràng, bên cạnh những mặt công tác đã làm được mà Báo cáo kết quả giám sát đã nêu rõ, thì cách tiếp cận từ góc nhìn của trẻ em, theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền, đã đặt ra một vấn đề ngược lại: Phải chăng hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhìn vào thì nghĩ là đủ nhưng tính răn đe mạnh mẽ vẫn chưa đủ? Hay nói cách khác, hành lang pháp lý bảo vệ trẻ chỉ mới mang mô hình của một “ngôi nhà” chứ chưa hẳn là một "ngôi nhà an toàn, kiên cố và vững chắc".

Cho rằng việc xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em phải như xây một “ngôi nhà” thực sự an toàn để bảo vệ trẻ, ĐB Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, cần "bắt đầu từ việc xây dựng nền móng". Đó chính là đầu tư nguồn lực, quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với trẻ, đặc biệt là nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác này. Tiếp đó là xây dựng 3 trụ cột cơ bản, đó là nhóm chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ, về hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Và, cuối cùng là “mái nhà”, đó là những quy định pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ, là yêu cầu bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: Ngăn ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Trong 3 yếu tố cơ bản này, ĐB Phạm Thị Minh Hiền “đặc biệt quan tâm đến xây dựng nền móng”. Bởi, khi nền móng ấy lung lay, nó sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.


Đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản (Hòa Bình) phát biểu tại phiên giám sát 
 Nguồn: baohoabinh.com.vn

Lắng nghe bằng trái tim, bảo vệ bằng hành động

 Phân tích thực tế, ĐB Phạm Thị Minh Hiền nhận thấy, đã có rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra trong gia đình, trường học, cộng đồng suốt một thời gian dài, thậm chí tái diễn nhiều lần, tính chất hành vi nghiêm trọng, phức tạp vẫn không ai biết, không ai hay, hoặc vì lý do nào đó mà... chìm trong im lặng. Có không ít vụ việc trẻ em bị xâm hại, sau khi báo chí đưa tin thì lãnh đạo địa phương mới biết, nhất là đối với các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em và bạo lực trẻ em. Phải chăng sự quan tâm, tình yêu thương, trách nhiệm của những người có nghĩa vụ liên quan chỉ thật sự tồn tại trong vài điều khoản của Luật Trẻ em? Gia đình, trường học - những tưởng là môi trường an toàn nhất; ông bà, cha mẹ, thầy cô - những tưởng là các mối quan hệ tin cậy nhất thì giờ đây, không ai dám khẳng định rằng đó là nơi an toàn tuyệt đối nhất với trẻ (?).

Những thực tế được nhiều đại biểu phản ánh và phân tích đã cho thấy, sự lỏng lẻo của "nền móng" bảo vệ trẻ em còn thể hiện ở chỗ, phòng, chống xâm hại trẻ em còn là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong phối hợp thực hiện các văn bản, chính sách, pháp luật liên quan; là vai trò giám sát, phản biện quan trọng không thể thiếu của các hội, đoàn thể, nhưng thực tế buồn là sự phối hợp giữa các cơ quan này lại thiếu chặt chẽ, rời rạc (?). Thậm chí có nơi còn mặc định, liên quan đến trẻ em là ngành lao động, thương binh và xã hội phải tham mưu; xâm hại trẻ em thì ngành công an phải chịu trách nhiệm (?).

Một "ngôi nhà" mà các yếu tố tạo nên "nền móng" lại là "thứ yếu và thiếu", thì làm sao "nền móng ấy sẽ làm tốt chức năng chống đỡ, chịu lực cho toàn bộ ngôi nhà an toàn dành cho trẻ, để các trụ cột, mái che của ngôi nhà bảo vệ trẻ được trụ vững mà không khỏi lung lay, ĐB Phạm Thị Minh Hiền day dứt?

Phải đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, chính trị - xã hội là yêu cầu được nhiều đại biểu đưa ra như một giải pháp với công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo đó, cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp cần rõ ràng, minh bạch. "Chúng ta phải quy định thẩm quyền xử lý, gắn trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp, nếu không công tác phòng, chống xâm hại trẻ em sẽ là hình thức, có khen thưởng đi đôi với chế tài xử lý", ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất.

Ghi nhận việc nhiều chính sách, pháp luật được ban hành, tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, trong tổ chức thực hiện, một thời gian dài, "chúng ta thực sự thiếu một thiết chế điều phối đủ mạnh". Ở đây báo cáo không chỉ rõ nhiệm vụ điều phối này là giao cho cơ quan nào? Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hay Ban Chỉ đạo quốc gia về trẻ em thuộc Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta thiếu sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng chủ thể tham gia vào công tác này. Do vậy, việc bố trí nguồn lực kinh phí nhân sự, đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác này còn nhiều bất cập như báo cáo đã nêu và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

“Chúng cháu mong muốn các bác lãnh đạo, người lớn hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động, chúng cháu muốn được sống trong môi trường an toàn, không bị bạo lực, không bị xâm hại”. Nhắc lại khuyến nghị trẻ em đưa ra tại Diễn đàn trẻ em tỉnh Hòa Bình năm 2019, ĐBQH Quách Thế Tản (Hòa Bình) nhận thấy, "đây cũng là gửi gắm của trẻ em trên mọi miền Tổ quốc đối với chúng ta".

"Xin đừng vẽ cho trẻ về ngôi nhà cổ tích, về câu chuyện cổ tích quá long lanh giữa một môi trường còn quá nhiều cạm bẫy. Đối với trẻ đã hứa thì phải làm, thương yêu thì phải hành động, bảo vệ trẻ thì phải mạnh mẽ". Nhìn thẳng và chỉ ra thực tế này, ĐB Phạm Thị Minh Hiền đề xuất: "Có lẽ việc nghiên cứu xây dựng Luật Phòng, chống xâm hại trẻ em cần được Quốc hội và Chính phủ quan tâm trong tương lai gần".

Ý Nhi