Xây dựng Chiến lược nâng cao toàn diện nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 20:20 - Chia sẻ
Ngày 18. 9, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Chương trình Toạ đàm Kế hoạch xây dựng Chiến lược toàn diện nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Lê Vệ Quốc nhấn mạnh công tác hỗ trợ các nhóm yếu thế luôn là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của Chính phủ Việt Nam từ nhiều năm nay. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, với đặc thù của Việt Nam, những nhóm người yếu thế trong xã hội chiếm con số không nhỏ và đặt ra thách thức cho công tác này.

Năm 2019, Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) đã phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN, tiến hành khảo sát thực trạng nhận thức và nhu cầu hiểu biết pháp luật của các nhóm đối tượng yếu thế, tập trung vào phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… tại 6 tỉnh: Hà Giang, Hoà Binh, Thanh Hoá, Đắk Nông, Kiên Giang và Đồng Tháp, để từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao nhận thức pháp luật, đáp ứng tốt hơn nhu cầu pháp luật của các nhóm này.

Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Lê Vệ Quốc phát biểu tại toạ đàm

Kết quả khảo sát cho thấy, khả năng tiếp nhận thông tin pháp luật của người dân tộc thiểu số, người nghèo phụ thuộc vào các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật; nhận thức chung của người dân tham gia khảo sát về các quyền cơ bản và các quyền dân sự nói chung khá tốt, tuy nhiên nhận thức về độ tuổi trẻ em và một số quyền của trẻ em còn khá hạn chế. Người dân tại các địa bàn khảo sát có nhu cầu pháp luật lớn nhất là tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hộ nghèo. Một số lĩnh vực pháp luật chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của người dân tại cùng địa bàn khảo sát; nhu cầu của người dân địa phương về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được đánh giá thấu đáo và toàn diện. Người dân có xu hướng nhờ hoà giải viên ở cơ sở và cán bộ địa phương làm bên thứ ba hỗ trợ giải quyết tranh chấp ở cơ sở…

Nâng cao toàn diện nhận thức pháp luật cho người dân

Tại buổi Toạ đàm, nhiều đại biểu cũng cho rằng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay còn thiếu việc gắn kết thực tiễn, còn rất ít việc hướng dẫn lồng ghép quy định pháp luật và các tình huống, dẫn chứng minh hoạ cùng những kỹ năng cần thiết về thực hành pháp luật, thực hiện các quyền của người dân và nhóm yếu thế trong xã hội. Ngoài ra, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như nhận diện rõ rào cản, thách thức, những yếu tố ảnh hưởng, tác động đến nhận thức và hiểu biết pháp luật của nhóm đối tượng yếu thế; đề xuất các giải pháp cần thực hiện nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của người dân và nhóm yếu thế; nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Đình Khoa