Đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

Xây dựng chính sách đặc thù để tạo đột phá

- Thứ Tư, 04/09/2019, 09:05 - Chia sẻ
Để thúc đẩy các mục tiêu của Đảng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển nhanh hơn, bình đẳng về cơ hội, để đồng bào hòa nhập trong hệ thống chính trị, một trong những việc cần quan tâm đó là phải có chính sách đặc thù. Tuy vậy, đặc thù là để tạo đột phá, tạo cơ hội bình đẳng chứ không phải mãi là chính sách ưu tiên.

Chưa tương xứng với tỷ lệ dân số

Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, hiện đã có hơn 50.000 người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ; hơn 22.000 người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước; hơn 10.000 người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tin học.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành luôn quan tâm đến công tác xây dựng chính sách về đào tạo, sử dụng, tuyển dụng, nâng ngạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Cụ thể, công tác xây dựng thể chế đã ban hành các luật và văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã thường xuyên quan tâm tới việc quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hiện nay... Bên cạnh đó, thực hiện việc ưu tiên cho đối tượng dự tuyển là người DTTS trong các kỳ thi tuyển, xét tuyển, bố trí, phân công công tác cho các đối tượng cử tuyển người DTTS sau khi tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức nói chung nhiều nhưng thiếu cụ thể đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Công tác kiểm tra, báo cáo đánh giá việc thực hiện các chính sách về công tác cán bộ DTTS chưa được chú trọng, thường xuyên nên chưa phản ánh, kiến nghị để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chưa tương xứng với tỷ lệ dân số.

Nêu thực trạng về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết, mặc dù đến nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn thấp, cơ cấu chưa hợp lý; chất lượng, năng lực, trình độ còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ người DTTS trong các cơ quan nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số là người DTTS; cơ cấu không đồng đều giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan; đặc biệt là ở cấp Trung ương, số cán bộ DTTS thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý còn khiêm tốn. Việc tổ chức trường nội trú, trường dân tộc, dự bị đại học còn một số tồn tại, chưa phù hợp với tình hình phát triển xã hội hiện nay. Việc bố trí việc làm cho người DTTS còn nhiều bất cập; qua điều tra, khảo sát từ một đề tài nghiên cứu khoa học của Ủy ban Dân tộc cho thấy, đang có khoảng 40.000 người DTTS ở vùng Tây Bắc, Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng chưa có việc làm.

Bình đẳng chứ không ưu tiên

Tại hội thảo “Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số” do Bộ Nội vụ tổ chức mới đây, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu thực tế: Với trên 5.200 huyện và hơn 500 xã có đồng bào DTTS sinh sống, việc thực hiện chính sách với vùng đồng bào DTTS vẫn dàn trải nên hiệu quả không cao, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng có đồng bào DTTS sinh sống vẫn cao. Một trong những nguyên nhân chính là chất lượng công tác cán bộ tại vùng có đồng bào DTTS sinh sống chưa tương xứng. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này cần phải có những chính sách, giải pháp thích hợp để tạo sự đột phá và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS.

Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, lý giải nguyên nhân cán bộ DTTS thường tập trung ở một số lĩnh vực trong bộ máy nhà nước mà ít có mặt ở khắp các lĩnh vực, thường tập trung ở cấp cơ sở nhưng giảm ở các cấp tỉnh và Trung ương, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số là người DTTS. “Chúng ta cần thống nhất hành động trong việc giải quyết vấn đề này, tháo gỡ khó khăn cho công tác cán bộ, nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù để thúc đẩy các mục tiêu của Đảng về công tác dân tộc. Đặc thù không có nghĩa là ưu tiên, mà chính là sự bình đẳng về cơ hội, cụ thể cần mang lại cho đồng bào DTTS cơ hội để bình đẳng chứ không phải mãi là chính sách ưu tiên”, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng, hiện nay công tác tổ chức cán bộ đối với người DTTS còn nhiều bất cập; càng ở cấp quản lý cao, tỷ lệ cán bộ là người DTTS càng ít. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác đào tạo chưa gắn với quy hoạch; nhiều địa phương có tỷ lệ người DTTS rất lớn, nhưng số người tham gia vào hệ thống lãnh đạo các cấp lại rất ít. Thực tế cho thấy, cán bộ người DTTS chủ yếu làm việc trong những cơ quan hội, đoàn thể, có nơi cần vẫn thiếu, trong khi có nơi thừa quá nhiều người được đào tạo, song rất khó sắp xếp vì chất lượng đầu vào ảnh hướng đến chất lượng đầu ra. Việc tiếp nhận, đào tạo đối tượng cử tuyển là người DTTS cũng tồn tại một số vấn đề bất cập, khiến cho chính sách này chưa thực sự đem lại hiệu quả trên phạm vi rộng.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Lâm Thành để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ là người DTTS, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương cần xây dựng môi trường chính sách, thúc đẩy hoạt động có hiệu quả của các tổ chức địa phương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở và cán bộ các cấp ở vùng dân tộc; xây dựng và ban hành chính sách đãi ngộ và khuyến khích cán bộ, công chức vùng dân tộc…

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng: Không nên tiếp tục sử dụng cụm từ “ưu tiên” trong xây dựng chính sách, thay vào đó, cần có chính sách đặc thù để thúc đẩy công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS “đi nhanh hơn”.

Bài và ảnh: Bảo Hân